Vì sao Quân đội Việt Nam vẫn sử dụng rất tốt "huyền thoại" AK-47?
Vì sao Quân đội Việt Nam vẫn sử dụng rất tốt "huyền thoại" AK-47?
Thứ sáu, ngày 04/06/2021 16:33 PM (GMT+7)
Việc lựa chọn các phương thức tác chiến, chiến thuật hợp lý trong chiến đấu là một phần lý do giúp quân đội Việt Nam vẫn sử dụng tốt súng AK-47 huyền thoại cho đến ngày nay.
Súng trường bộ binh là loại vũ khí không thể thiếu của mỗi người lính thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến đấu. Dẫu vậy, quân đội ta vẫn còn đang biên chế đại trà loại súng AK-47 và các biến thể của nó do khối Xã hội Chủ nghĩa anh em sản xuất vốn được viện trợ cho ta từ những năm Kháng chiến chống Mỹ, mẫu súng này vốn đã có lịch sử ra đời đến nay đã hơn 70 năm. Vậy tại sao nó vẫn được tin tưởng giao trọng trách là mẫu súng chủ lực trên chiến trường của người chiến sĩ? Ảnh: Chiến sĩ bộ binh tấn công vượt cửa mở trong diễn tập.
Ngay từ sau những năm 1960, giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ ở Miền Nam Việt Nam diễn biến vô cùng ác liệt, Liên Xô đã viện trợ cho ta những khẩu súng trường tự động AK-47 có sức mạnh tuyệt vời với độ công phá cao, mật độ hỏa lực tốt và dễ dàng sử dụng. Có thể nói, mẫu súng này vượt trội hơn hẳn so với những vũ khí cá nhân của kẻ thù của ta trên chiến trường lúc đó. Ảnh: Bộ đội giải phóng với súng trường tấn công AK-47 trong kháng chiến chống Mỹ.
Tuy nhiên, theo số liệu mà William F. Abbott thu thập sau khi chiến tranh kết thúc, chỉ có 31.8% trong số hơn 58.000 quân Mỹ tử trận là chết do súng trường và các loại vũ khí cá nhân. Đây là một con số khiến nhiều người bất ngờ về khả năng mà súng trường tấn công mang lại. Ảnh: Binh sĩ Mỹ bị thương trên chiến trường Việt Nam.
Do đó, dù cho thời điểm giữa những năm 1960, khi mà lính Mỹ và ngụy quân Sài Gòn chưa được trang bị súng trường tấn công AR-15/M-1 trong khi quân Giải phóng đã được trang bị súng trường AK-47 hiện đại nhưng quân ta bước đầu vẫn chưa thể áp đảo được quân địch trên chiến trường. Ảnh: Lính Mỹ và ngụy Sài Gòn trong một cuộc càn quét với súng M1 Carbin.
Thay vào đó, các loại hỏa lực hạng nặng như lựu pháo, hỏa tiễn, xe tăng, pháo tự hành, oanh tạc cơ hay cường kích mặt đất, trực thăng tấn công lại gây ra những sát thương lớn hơn trong giao tranh. Kẻ thù ban đầu vượt trội quân ta bởi khả năng công kích hạng nặng trên chiến trường khiến cho dù có súng trường tiên tiến hơn không tạo được quá nhiều lợi thế trên chiến trường. Vì lẽ đó, ta đã nghĩ ra chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh”, với tinh hoa áp sát tấn công để hạn chế tối đa ưu thế về mặt hỏa lực hạng nặng tầm xa của đối phương. Ảnh: Chiến sĩ Giải phóng chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị với súng trường AK.
Mặc dù cực đơn giản và thô sơ nhưng các loại bẫy tự tạo và mìn cũng là nguyên nhân khiến 27.4% trên tổng số lính Mỹ chết trên chiến trường Việt Nam. Tương đương cứ 100 lính Mỹ chết thì khoảng 27 người là chết do mìn bộ binh và bẫy. Đây có thể nói là một con số ấn tượng đến từ phương thức tác chiến đơn giản, có thể thấy khả năng tiêu hao sinh lực địch không hề thua kém súng trường bộ binh. Ngoài ra, một lính Mỹ bị thương cũng phải mất đến vài binh sĩ khác chăm sóc, làm giảm đi đáng kể khả năng chiến đấu của địch. Ảnh: Lính Mỹ sau một trận chiến trên chiến trường Việt Nam.
Đây cũng chính là lí do mà quân đội ta sau này vẫn liên tục cải tiến phát triển các loại bẫy đơn giản để tiêu hao và sát thương sinh lực địch để có thể tiếp tục đáp ứng được nhu cầu chiến tranh hiện đại bởi tính hiệu quả cao của phương thức tác chiến này. Có thể thấy điển hình là đề tài chế tạo “Bẫy chông điện tử” của cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh có tính áp dụng thực chiến vô cùng tốt. Ảnh: Bẫy chông điện tử do Việt Nam chế tạo - Nguồn: QĐND
Ngoài ra, đối với một nước có nền kinh tế và nguồn ngân sách quốc phòng như Việt Nam, việc ưu tiên đầu tư hiện đại hóa, mua sắm không quân, xe tăng, tự hành hóa các loại pháo,… trong thời gian gần đây mà chưa vội thay thế ồ ạt trang bị súng trường cá nhân dẫu cho đã qua sử dụng nhiều năm cũng là lựa chọn hợp lý. Ảnh: Xe tăng T-90S/SK mà Việt Nam nhập khẩu trong thời gian gần đây.
Bản thân súng trường tấn công AK-47 và các biến thể của nó dù đã ra đời hơn 70 năm nhưng vẫn đảm bảo được tính tin cậy cao, hoạt động tốt trong nhiều loại môi trường phức tạp, dễ dàng bảo trì bảo dưỡng, thân thiện với người dùng và có uy lực mạnh. Cộng với đó là nó vẫn còn khả năng chiến đấu tốt cùng với việc tỉ lệ tiêu diệt địch trên chiến trường không phải đến chủ yếu từ vũ khí cá nhân. Do đó, quân đội ta vẫn tiếp tục sử dụng mẫu súng trường huyền thoại này. Ảnh: Chiến sĩ huấn luyện với súng Type-56 - Phiên bản của AK-47 do Trung Quốc sản xuất.
Chỉ đến trong những năm gần đây, Việt Nam mới bắt đầu nhập khẩu dây chuyền sản xuất súng trường tấn công Galil Ace từ Israel để thay thế mẫu súng AK-47. Dẫu vậy, với công suất chế tạo hàng năm khoảng vài chục ngàn khẩu, trong tương lai gần vẫn chưa thể thay thế được hoàn toàn súng trường tấn công AK-47 trong biên chế. Ảnh: Súng STV-215/380 do Việt Nam tự sản xuất, biến thể của Galil Ace.
Hùng Dũng (Theo Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.