“Chắc ai mang rắn vô đây bỏ thôi, chứ xưa nay vùng này làm gì có loại rắn lục đuôi đỏ? Nếu nó mới xuất hiện thì cũng chỉ 1, 2 con chứ đằng này gần chục con rồi, lại cắn người nữa”, một người dân tên là Hữu ở thôn An Hà 3, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trên tờ báo Đời Sống & Pháp Luật ngày 14.11.2014.
Rắn lục đuôi đỏ đang trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân ở Quảng Ngãi.
Ông Hữu tiết lộ, tình hình rắn lục đuôi đỏ cắn người gia tăng có sự trùng hợp với sự xuất hiện một nhóm người lạ mang bao tải được cho là tới địa bàn tìm cây cà gai leo, cho nên nhiều người đã phỏng đoán có thể rắn đã bị ai đó thả ra.
>> Quảng Ngãi: Rắn lục đuôi đỏ liên tục tấn công người dân
Trong khi đó, ông Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động Vật học, lại đưa ra giả thuyết khác, cho rằng, rắn lục đuôi đỏ liên tục tấn công người dân ở các địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, ngoài khả năng có thể do rắn đã xổng ra ngoài trong quá trình vận chuyển buôn bán rắn của một nhóm đối tượng nào đó, thì còn một khả năng lớn thứ hai là do môi trường sống của rắn thay đổi, nguồn thức ăn của chúng trở nên khan hiếm nên rắn đã phải di chuyển sang các khu vực khác tìm kiếm.
>> Cận cảnh loài rắn độc gấp 50 lần hổ mang, phun độc giết chết cùng lúc 100 người
“Tình trạng phá rừng khiến rắn không còn nơi trú ẩn và thức ăn, chúng có thể vào nhà dân, nơi có chuột, ếch, côn trùng để tìm kiếm thức ăn và để ẩn nấp”, ông Đặng Huy Huỳnh lý giải hiện tượng lạ liên quan đến rắn lục đuôi đỏ với tờ báo VnExpress ngày 15.11.2014.
Một số chuyên gia khác thì cho rằng, chính môi trường sống xung quanh của khu dân cư, nhà dân với bụi cây rậm rạp, ẩm ướt cũng có thể là môi trường thuận lợi để cho rắn lục đuôi đỏ trú ngụ, sinh sôi. Đây là loài rắn thường ít khi chủ động tấn công người trừ khi con người đụng phải nó. Cho nên trong những trường hợp bệnh nhân bị rắn cắn thường là dọn cây ở vườn, làm đồng ruộng. Còn việc rắn hay bò vào gầm giường thường được lý giải là do loài rắn này ưa bóng tối, thích nơi mát mẻ và thậm chí là chúng đang săn tìm con mồi.
Người dân ở Quảng Ngãi tiêu diệt rắn lục đuôi đỏ kịch độc. Ảnh: VnExpress
Ngoài ra, còn một lý giải khác, theo ông Nguyễn Văn Hân, Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Ngãi phân tích trên tờ VnExpress (19.11) rằng, có thể do lượng mưa năm nay thấp hơn trung bình các năm trước, lại chưa có lũ về đã tạo điều kiện cho loài rắn lục đuôi đỏ sinh sôi nhiều ở vùng đồng bằng.
Đây cũng không phải lần đầu có hiện tượng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện liên tiếp tấn công người dân ở Việt Nam. Trước đây, hiện tượng rắn lục đuôi đỏ cắn người gia tăng đã xuất hiện ở nhiều tỉnh như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương.
>> Kinh hoàng nọc rắn kịch độc khiến máu người đông đặc như tiết canh
Tờ báo Kiến Thức (29.10.2014) dẫn lời PGS.TS Phạm Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, ngoài biến đổi môi trường, thì sự gia tăng cắn người của rắn lục đuôi đỏ ở các địa phương trên còn do trước đây rộ tin đồn rắn này chữa được ung thư nên họ bắt, nuôi để bán, sau đó không có tác dụng nên đã thả ra, từ đó khiến chúng sinh sôi nảy nở nhiều.
Hiện các nhà chức trách cùng các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thu thập thêm các chứng cứ để đưa ra những lý giải chính xác về hiện tượng rắn lục đuôi đỏ cắn người trong thời gian gần đây.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng cảnh báo người dân nên đề phòng bị rắn cắn bằng cách phát quang bụi rậm quanh nơi ở, kiểm tra các nơi tối ở trong nhà, buổi tối khi đi ra ngoài cần có đèn pin và nâng cao cảnh giác. Khi bị rắn cắn nên bình tĩnh, tiến hành sơ cứu và nhanh chóng đưa tới bệnh viện để được chữa trị kịp thời, nhưng lưu ý không được băng garot hay chích rạch tùy tiện.
Mới đây nhất, ngày 19.11, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi được cho là đã gửi văn bản hỏa tốc yêu cầu các Hạt kiểm lâm phối hợp với các địa phương trong tỉnh khoanh vùng địa bàn có rắn lục đuôi đỏ để tiến hành truy bắt, tiêu hủy để phòng tránh nguy cơ rắn cắn cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.