Vì sao số doanh nghiệp ở Đắk Lắk đóng cửa tăng cao?

Thùy Duyên Thứ tư, ngày 04/10/2023 17:58 PM (GMT+7)
Số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động ở Đắk Lắk tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Bình luận 0

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh ước có 1.078 doanh nghiệp thành lập mới (tương đương với cùng kỳ năm 2022) và có 328 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã quay trở lại hoạt động (thấp hơn cùng kỳ 13%). Lũy kế đến 30/9/2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.496 doanh nghiệp đang tồn tại, hoạt động (gồm 11.528 doanh nghiệp và 968 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh).

Tuy nhiên, cũng trong 9 tháng, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng cao (11,08% so với cùng kỳ năm 2022) với khoảng 792 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động. Trong đó, khoảng 137 doanh nghiệp giải thể và 655 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động .

Bên cạnh đó, vốn điều lệ đăng ký của các doanh nghiệp cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 35%). Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Vì sao số doanh nghiệp ở Đắk Lắk đóng cửa tăng cao? - Ảnh 1.

1 doanh nghiệp hoạt động trong Cụm Công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc và của tỉnh; giá cả một số nguyên nhiên vật liệu, vật tư nông nghiệp thời gian qua cũng tăng cao và thường xuyên biến động; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn do ngân hàng siết chặt quy mô tín dụng, tăng lãi suất vay ngân hàng so với năm ngoái…

Bên cạnh đó, khó khăn lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt, còn là sức mua của người tiêu dùng bị giảm sút mạnh; dẫn đến sản lượng và số lượng đơn đặt hàng bị giảm mạnh…

Ngoài ra, những vấn đề nội tại của doanh nghiệp như quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu, năng lực cạnh tranh yếu,… cũng là những nguyên nhân làm cản trở sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.

Riêng thị trường bất động sản cũng đối mặt với nhiều biến động. Khi thị trường "nóng" lên vào đầu năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản mọc lên như nấm, đến khi thị trường "đóng băng" từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực này đã "ồ ạt" rút lui khỏi thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem