Vì sao ‘Tár’ trở thành ứng cử viên nặng ký của giải Oscar?
Vì sao ‘Tár’ trở thành ứng cử viên nặng ký của giải Oscar?
Chủ nhật, ngày 05/03/2023 09:33 AM (GMT+7)
Càng gần ngày trao giải Oscar (12/3), điểm số của Tár trên các sàn cá cược càng thăng hạng. Người ta gần như không tìm được lý do để bác bỏ tác phẩm thứ ba của đạo diễn Todd Field khỏi ngôi vị phim hay nhất.
Tár không đơn thuần là bộ phim tiểu sử về nhạc trưởng. Nó có nhiều hơn một lớp nghĩa. Đạo diễn Todd Field trả lời tờ Variety rằng: “Đây là bộ phim về quyền lực, cho dù bạn nắm giữ quyền lực, hay muốn có nó, nó cũng không liên quan đến việc làm nghệ thuật”.
Trong một phỏng vấn khác, Todd Field cũng tiết lộ ông làm bộ phim từ cảm hứng Me Too. Phong trào tẩy chay và lạm dụng quyền tẩy chay được kể lại nhiều lần trong phim. Phân đoạn Tár bị chính học trò – người tình của mình tố cáo lạm dụng tình cảm để tuyển dụng nhạc công khiến người xem nhớ đến trường hợp của diễn viên Louis CK bị 5 đồng nghiệp nữ tố cáo sàm sỡ trong phong trào Me Too.
“Một số người coi việc “đổi tình” lấy cơ hội như một cách để thăng tiến trong sự nghiệp. Đôi khi còn là cứu rỗi khỏi cuộc sống khó khăn, cuộc sống không có nền giáo dục tốt hay được tiếp cận với nghệ thuật. Đã có không ít người xuất phát điểm khiêm tốn nhưng lại muốn nổi tiếng, và họ không biết rằng việc trở nên nổi tiếng bằng tài năng khó như thế nào”, Todd nói.
Tár kể về cuộc đời của Lydia Tar, một nhạc trưởng tài năng nhất của mọi thời đại, người sở hữu cả 4 giải thưởng danh giá nhất của thế giới EGOT: Emmy, Grammy, Oscar, và Tony, thế nhưng lại là ở giai đoạn sự nghiệp của Tár đang đà xuống dốc. Bộ phim là câu chuyện lớn, về giá trị của nghệ thuật, của âm nhạc hàn lâm và kể cả các định kiến xã hội. Mỗi câu thoại, phân cảnh đều có thể trở thành một đề tài luận văn tiến sĩ.
Đơn cử, ngay đầu phim, sau khi Tár lên lớp ở trường nhạc, một nam sinh viên nói rằng anh ta không thích những tác phẩm của Bach vì lối sống của ông ấy có phần phóng đãng, Tár muốn anh ta thay đổi cách suy nghĩ, nên tách tác phẩm của Bach ra khỏi vấn đề đạo đức mang tính cá nhân của ông ấy, và hỏi ngược lại, liệu giáo viên sẽ cho điểm thế nào nếu tiêu chí đánh giá sinh viên không phải là tài năng âm nhạc mà là người đó có xuất thân là người Do Thái hoặc da đen?
Với Tár, thứ quan trọng nhất là tính đa âm trong âm nhạc của Bach, “như một đối thoại triết học về bản chất thế giới mà ta phải liên tục rượt bắt”.
Hoặc một phân đoạn khác, khi phóng viên hỏi xoáy Tár, trong vài trường hợp, nhạc trưởng có phải cũng giống những cái máy đánh nhịp hay không? Tár trả lời: Một nhạc trưởng vĩ đại là người có thể nghe hiểu và đo đếm được nhịp của thời gian thông qua tác phẩm, đồng thời cũng mang cảm xúc cá nhân vào bản nhạc, hòa quyện với cảm xúc của nhạc sĩ và tạo ra một âm thanh tuyệt vời mới từ bài nhạc cũ. Khi không có cái cảm xúc đó thì robot cũng có thể trở thành nhạc trưởng.
Sở dĩ Tár có được bề dày như vậy vì tác giả của nó, đạo diễn kiêm biên kịch Todd Field, đã ấp ủ câu chuyện này suốt 17 năm trời. Khi Tár ra mắt, hàng loạt tạp chí văn hóa uy tín và cả Hiệp hội Phê bình phim Los Angeles, hiệp hội phê bình phim New York... đều chọn đây là bộ phim hay nhất của năm 2022.
Phim được đề cử sáu giải Oscar 2023, trong đó có đề cử Phim hay nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất và Diễn viên chính xuất sắc nhất (cho Cate Blanchett).
Mình Cate Blanchett cân cả bộ phim
Tár dài 158 phút, tuyến nhân vật phụ không nhiều đất diễn, cho nên gần như mình Cate Blanchett cân cả bộ phim.
Tár của Cate là nhân vật hấp dẫn tuyệt vời, đặc biệt trên cương vị nhạc trưởng, cô có sức hút của một chất gây nghiện loại mạnh. Cái cách mà Tár nói về âm nhạc bằng tiếng Đức, biểu cảm khi cô chỉ huy dàn nhạc, phong thái “bậc thầy” khi lão luyện ung dung đối mặt với tất cả câu hỏi xoáy của phóng viên, thậm chí cả thói quen thao túng tâm lý người đối diện... khiến người xem (và hầu hết học trò, cộng sự cả nữ lẫn nam của Tár) đều “yêu cô không ngừng được”.
Quyền lực, tài năng, tự tin, sáng chói, nhưng ở một chiều kích khác, vẫn là Tár ấy song lại đầy mong manh, nhạy cảm khi hàng đêm cô đều bị thức giấc vì những tiếng động rất nhỏ, khi cô lần tìm vào phòng con gái, ôm ấp và an ủi mỗi khi con bé sợ hãi, thức giấc...
Là Tár ấy, bị đuổi khỏi vị trí nhạc trưởng, từ thiên đường rơi xuống địa ngục, nhưng không gục ngã, mà loay hoay tìm cách tự chữa lành, lại lần nữa đứng lên đi tìm cho mình một khung trời khác... Tár hấp dẫn người xem cả ở hai phía lộng lẫy và ám đen. Nhưng chẳng phải như thế mới là con người hay sao? Là con người sẽ có sai lầm và vết nứt. Tár cho dù ngã ngựa thì vẫn là kẻ ngã ngựa đáng kể.
Hiện với hai giải Oscar đã có sẵn, Cate Blanchett đang đứng đầu danh sách cá cược cho giải Nữ chính xuất sắc nhất. Thông tin thêm là để hoàn thành vai diễn, Cate Blanchett không chỉ học tiếng Đức, học piano... cô còn tự mình đồng sáng tác với nhà soạn nhạc Hildur Guðnadóttir và nhiều cộng sự khác.
Âm nhạc là nhân vật quan trọng thứ hai của phim Tár do nhà soạn nhạc người Iceland Hildur Guðnadóttir đảm nhận. Đạo diễn đã cố gắng lột tả chân thực các cảnh hòa âm trong phim bằng cách thu tiếng trực tiếp, kể cả phần chơi piano của Blanchett.
Ngoài các bản nhạc mới, trong phim còn có sự góp mặt của một số tác phẩm cổ điển, trong đó quan trọng nhất là Symphony No. 5 của Gustav Mahler...
Hi hữu nữa, phần thu âm nhạc nền cho Tár sau đó trở thành album đứng đầu bảng xếp hạng Billboard hạng mục nhạc thính phòng - cổ điển.
Nhắc lại rằng, đây hoàn toàn không phải là bộ phim tiểu sử: Tár chỉ đơn giản là tác phẩm đủ mạnh để khiến người xem muốn tìm hiểu mọi điều về nó sau khi buổi chiếu kết thúc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.