Ứng xử lệch chuẩn của nghệ sĩ: Danh dự "rẻ" hơn cát-xê quảng cáo? (Bài 2)

Hà Tùng Long Thứ bảy, ngày 04/03/2023 07:30 AM (GMT+7)
"Trục lợi theo cách bất chấp, gây ra những hậu quả như tổn hại sức khỏe, tinh thần, niềm tin, tiền bạc của công chúng, những nghệ sĩ này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, gây ra những lỗi lớn trong ứng xử văn hóa với số đông", TS. Cao Ngọc đề cập đến chuyện nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật.
Bình luận 0

Vứt bỏ văn hóa ứng xử của nghệ sĩ vì cát-xê quảng cáo

Đề cập đến chuyện nghệ sĩ nhận lời quảng cáo và tràn lan cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, đôi khi thổi phòng công dụng thực tế của sản phẩm khiến người tiêu dùng hoang mang, nhà văn Nguyễn Hiếu bày tỏ với Dân Việt, thời gian gần đây, có không ít nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi, sự nổi danh của mình để thương mại, kiếm tiền, cụ thể là quảng cáo. Nhiều nghệ sĩ vì đồng tiền bán rẻ nhân cách, sẵn sàng ký các hợp đồng quảng cáo mà mặt hàng chưa kiểm nghiệm, nhất là các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ chữa bệnh.

Báo động văn hóa ứng xử của nghệ sĩ: Vứt bỏ danh dự, đánh đổ niềm tin... vì cát-xê quảng cáo (Bài 2) - Ảnh 1.

Hình ảnh nghệ sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: ĐĐK.

"Có một điểm rất dễ nhận ra là phần nhiều nghệ sĩ quảng cáo các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng hỗ trợ chữa bệnh. Hình như nghề nghệ sĩ là nghề gắn với ốm đau, sầu não, bệnh tật. Một bài báo đã viết khá hài hước rằng "nghệ sĩ đó mặt hồng hào, tươi tắn nhưng buổi sáng thì nhăn nhó vì quảng cảo thuốc trĩ, đến chiều lại chớp chớp mắt quảng cáo thuốc đau mắt. Mà thuốc nào nghệ sĩ này quảng cáo cũng cam đoan chỉ một liệu trình là khỏi hẳn".

Nhiều nghệ sĩ khi bị dư luận phản đối, lên án vì sự quảng cáo bừa bãi, thiếu trách nhiệm này đã lên tiếng thanh minh rằng bị các doanh nghiệp, các nhà thuốc lợi dụng, dùng kỹ thuật ghép hình chứ bản thân nghệ sĩ thì không ký hợp đồng quảng cáo. Dù bị lợi dụng, gán ghép thế nào thì tôi vẫn nghĩ, tư cách người nghệ sĩ là điều quan trọng nhất. Mỗi nghệ sĩ cần bảo vệ để lưu hình ảnh đẹp trong mắt đông đảo quần chúng.

Tôi nhớ, NSND Lan Hương rất ngại ký các hợp đồng quảng cáo, nếu vì quá nể, không đừng được thì chị sẽ xin phép dùng thử sản phẩm mình sẽ quảng cáo sau một thời gian mới quyết định. Với kinh nghiệm của một nghệ sĩ lâu năm đứng trước ống kính, chị còn cho biết, khi đứng chụp chị thường đứng nghiêng để đề phòng người có ý đồ không tốt, có thể lợi dụng ảnh mình chụp để ghép sản phẩm vào tay mình. Tôi còn nhớ, cố NSND Anh Tú khi còn là diễn viên có tham gia quảng cáo thuốc xịt mũi, nhân chuyện này tôi có viết bài "Chàng Hăm-Lét mũi đỏ". Nhưng khi anh lên đảm nhận vị trí quản lý, anh dứt khoát không nhận một hợp đồng quảng cáo nào.

Từ hai dẫn chứng trên rút ra kết luận. Muốn trở thành người của công chúng, cao hơn là thần tượng nghệ thuật trong lòng công chúng thì điều đầu tiên là tài năng và sau đó là nhân cách, đạo đức người nghệ sĩ. Nhân cách, đạo đức người nghệ sĩ bắt đầu từ lời nói, hành động mực thước, văn hoá và cao hơn cả là ý thức được trách nhiệm của nghệ sĩ trước người xem, trước xã hội", nhà văn Nguyễn Hiếu chia sẻ thêm.

Tiến sĩ Cao Ngọc cũng cho rằng, việc các nhãn hàng, thương hiệu, công ty mời nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ đang rất phổ biến ở Việt Nam. Điều khiến đa số người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ mà nghệ sĩ quảng cáo bởi họ yêu thích và tin tưởng người nghệ sĩ đó. Nhưng đáng trách là các nghệ sĩ vì nhiều lý do như bận rộn, tin tưởng vào người quản lý, tin vào thương hiệu, hoặc đơn giản là họ chỉ quan tâm tới cát-xê chứ không màng tới chất lượng sản phẩm mà họ quảng cáo, càng không dám nói tới việc tìm hiểu, dùng thử trước khi thực hiện hợp đồng quảng cáo. Điều này dẫn tới hệ lụy là khiến số đông công chúng yêu mến họ lựa chọn sai sản phẩm, ảnh hưởng tới kinh tế, sức khỏe… và mất sạch lòng tin.

Quyền lực của người nổi tiếng cần được ý thức và trân trọng 

Theo Tiến sĩ Cao Ngọc, ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… có những chế tài khá mạnh với các hành vi quảng cáo sai sự thật như phạt hành chính, cấm tham gia quảng cáo, cấm xuất hiện trong các sản phẩm nghệ thuật… Thậm chí, Nhật Bản còn yêu cầu nghệ sĩ khi quảng cáo phải có trách nhiệm cung cấp thông tin khách quan, loại bỏ những thông tin sai lệch và các cụm từ có tính chất tuyệt đối hóa như: "tốt nhất", "hiệu quả nhất", "thần dược"… không được phép sử dụng.

Báo động văn hóa ứng xử của nghệ sĩ: Vứt bỏ danh dự, đánh đổ niềm tin... vì cát-xê quảng cáo (Bài 2) - Ảnh 2.

Nhiều nghệ sĩ bán rẻ danh dự của người nổi tiếng vì cát xê quảng cáo. Ảnh: TL

"Ở Việt Nam, dường như chúng ta vẫn chưa có quy định hay chế tài xử phạt quảng cáo sai sự thật vẫn chưa đủ nghiêm và mạnh. Còn nhớ, hàng loạt nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, nói quá công dụng đã bị công chúng lên tiếng, truyền thông vào cuộc và chỉ đến khi đó, một số nghệ sĩ mới lên tiếng xin lỗi hoặc âm thầm chờ… thời gian trôi, sự việc đi vào quên lãng. 

Phát ngôn sai ở bất kỳ ai cũng là hành vi đáng lên án, là thiếu văn hóa trong ứng xử khi không có trách nhiệm với lời nói của mình. Việc quảng cáo sai sự thật là hành vi vi phạm trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng, lợi dụng sự tin tưởng, tình cảm của công chúng dành cho họ. 

Thiếu trách nhiệm, trục lợi theo cách bất chấp, gây ra những hậu quả như tổn hại sức khỏe, tinh thần, niềm tin, tiền bạc của công chúng, những nghệ sĩ này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, gây ra những lỗi lớn trong ứng xử văn hóa với số đông. 

Họ đã tạo thành những hệ lụy không nhỏ khi những vi phạm trong quảng cáo sai đã khiến các giá trị sản phẩm bị đảo lộn, những sản phẩm đích thực bị hạ thấp; những giá trị ảo, thiếu chất lượng lại lên ngôi, đi ngược lại các quy luật chung và các giá trị đạo đức cần thiết của xã hội vì thế cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. 

Nghệ sĩ trước hết phải là công dân tốt, thực hiện đúng chuẩn mực những quy chế, giá trị văn hóa ứng xử do các hành vi của họ có sức ảnh hưởng lớn tới xã hội. Quyền lực của người nổi tiếng cần được ý thức và trân trọng để làm trong sạch và thực hiện đúng văn hóa ứng xử - như một thái độ nhất định phải có để thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội, với công chúng", TS. Cao Ngọc bày tỏ thêm.

Nghệ sĩ Ngọc Dương – Nhà hát Chèo Hà Nội cho rằng, người nghệ sĩ khi thể hiện một hình tượng nghệ thuật nào đó dù trên sân khấu hay điện ảnh mà được khán giả đón nhận và coi là hình mẫu hay còn gọi thần tượng của cuộc đời thường thì tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ với công chúng là rất lớn. Mọi hành động, lời nói của nghệ sĩ sẽ được khán giả tin tưởng và có thể sẽ làm theo. Nghệ sĩ được công chúng mến mộ thì tất nhiên công chúng cũng sẽ là người nuôi dưỡng nghệ sĩ. 

Vì vậy, nghệ sĩ phải mang những điều tốt đep nhất đến với công chúng. Công chúng có nâng nghệ sĩ lên tầm một ngôi sao những cũng có thể làm nghệ sĩ trắng tay bởi làn sóng tẩy chay. Đúng với câu danh nhân Nguyễn Trãi từng nói: "Nâng thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân". Tất nhiên, vì miếng cơm manh áo, người nghệ sĩ có thể quảng cáo cho mặt hàng này hày làm gương mặt đại diện cho mặt hàng kia nhưng hãy nhớ, vì nhân phẩm, danh dự của người nghệ sĩ và vì sự tin tưởng của công chúng, trước khi làm điều gì đó thì người nghệ sĩ nên có trách nhiệm với việc mình làm.

Tác giả Minh Nguyệt cũng chia sẻ, sự dễ dãi, sự vấp váp của bất cứ nghệ sĩ nào, nhất là những nghệ sĩ nổi tiếng, đều sẽ bất lợi chung cho hình ảnh của giới nghệ sĩ. Hành vi ứng xử sẽ phản ánh trí huệ và nhân tâm (tầm) của người nghệ sĩ. Vì vậy nếu như các nghệ sĩ xây dựng cho mình được một hình ảnh đẹp với lối sống lành mạnh và phong cách chuẩn mực sẽ tạo ra một sức hút cũng như sự lan tỏa đặc biệt trong xã hội.

"Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021 đề cập việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam; "xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc". Khi văn hóa được xem là nền tảng tinh thần, động lực phát triển bền vững đất nước, thì càng cần phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, càng phải thúc đẩy nền nghệ thuật nước nhà phát triển. Để làm được như vậy, tài năng và phẩm chất của người nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. 

Vì vậy, hành vi ứng xử văn minh, chuẩn mực đạo đức phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, trên cơ sở quy định của Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch ban hành đòi hỏi người nghệ sĩ phải thường xuyên trau dồi kiến thức, bản lĩnh, gìn giữ được nét đẹp văn hóa để xứng đáng là người của công chúng, từ đó, hiệu quả lan tỏa các tác phẩm nghệ thuật càng cộng thêm giá trị", tác giả Minh Nguyệt nói thêm.

Bài 3: Ứng xử lệch chuẩn của nghệ sĩ: Càng được dễ dãi tha thứ, nghệ sĩ càng thiếu tự trọng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem