Vì sao tay vợt 19 tuổi Trần Mai Ngọc từng viết đơn xin nghỉ chuyên nghiệp?

Trần Oánh Thứ tư, ngày 17/05/2023 06:10 AM (GMT+7)
Ít ai biết rằng, cả Trần Mai Ngọc và người em song sinh Trần Ngọc Ngà đều đã từng viết đơn xin nghỉ thi đấu chuyên nghiệp. Nếu đơn đó được chấp thuận, chúng ta đã không có cô gái vàng Trần Mai Ngọc ở SEA Games 32 này.
Bình luận 0

Hành trình đến với thể thao thành tích cao

Trong một lần dẫn quân thi đấu tại một giải bóng bàn Trẻ ở Bình Dương, ông Đặng Thành, HLV đội bóng bàn Hà Nội T&T được một người bạn, là đồng nghiệp làm HLV năng khiếu bóng bàn tỉnh Bình Dương, giới thiệu 2 học sinh của cô, là chị em sinh đôi, ngoan ngoãn, chăm chỉ và có hoàn cảnh éo le, mong ông giúp đỡ 2 cháu bằng cách nhận về đội Hà Nội T&T. Sau một buổi xem mặt, HLV Đặng Thành đã đồng ý và đề xuất nhận 2 cháu về đội. 

Đề xuất của ông được HLV trưởng Vũ Mạnh Cường chấp thuận. Không hiểu, ở thời điểm đó, thứ tác động chính đến quyết định nhận người đó của 2 ông là sự đánh giá cao về năng khiếu bẩm sinh theo con mắt nhà nghề hay là cái nhìn của những người cha trước 2 đứa trẻ mồ côi, ngoan ngoãn, chăm chỉ và có đam mê? Chỉ biết rằng từ lúc đó, Trần Mai Ngọc và người em sinh đôi Trần Ngọc Ngà chính thức bước vào con đường thể thao chuyên nghiệp.

Vì sao tay vợt 19 tuổi Trần Mai Ngọc viết đơn xin nghỉ chuyên nghiệp? - Ảnh 1.

Đinh Anh Hoàng - Trần Mai Ngọc đã có trận đấu xuất sắc trước Clarance Zhe Yu Chew - Jian Zeng. Ảnh: Lê Giang.

Sự khắc nghiệt của thể thao thành tích cao

Chị em sinh đôi của bóng bàn Việt Nam Trần Mai Ngọc – Trần Ngọc Ngà là một ví dụ điển hình cho sự khắc nghiệt của thể thao chuyên nghiệp, hay còn gọi là thể thao thành tích cao. Đã là thể thao chuyên nghiệp, phải có thành tích, nếu không có thành tích, anh sẽ bị đào thải. Đó là một thứ áp lực cực lớn. Để có thành tích và trở thành một vận động viên thành tích cao, cần rất nhiều yếu tố, từ các tố chất cá nhân như năng khiếu, thể lực, đến sự đam mê, nỗ lực luyện tập, kiên nhẫn, không nản lòng trước thất bại. Tính cách của VĐV cũng phải phù hợp với môn thể thao mình lựa chọn. Rồi khả năng duy trì tâm lý ổn định trong thi đấu, cả do bẩm sinh lẫn thông qua rèn luyện. Hay việc gặp được người thầy phù hợp trên con đường đến đỉnh cao thành tích hay không cũng rất quan trọng. Và tất nhiên, giống mọi thứ trong cuộc sống, VĐV cần cả đến sự may mắn nữa. Đó là lý do mà vinh quang do thể thao thành tích cao mang lại rất hấp dẫn, nó là nguồn động lực để rất nhiều người đam mê luyện tập. Nhưng để lên được đến đỉnh cao thành tích vinh quang đó thì rất ít người đạt được.

Ít ai biết rằng, trước áp lực đó, cả Trần Mai Ngọc và Trần Ngọc Ngà đều đã từng viết đơn xin nghỉ thi đấu chuyên nghiệp. Nếu đơn đó được chấp thuận, chúng ta đã không có cô gái vàng Trần Mai Ngọc ở SEA Games 32 này. Bằng cách nào đó, có thể nhờ sự động viên của các HLV, của đồng đội, bạn bè, Trần Mai Ngọc tiếp tục tập luyện, thi đấu. Còn Trần Ngọc Ngà đã quyết định chia tay với thể thao thành tích cao.

Trần Mai Ngọc đã từng viết đơn xin nghỉ thi đấu chuyên nghiệp. - Ảnh 1.

HLV Lương Ngọc Uyên cùng Mai Ngọc, Ngọc Ngà và các học trò.

Luyện tập và thi đấu

Về mặt kỹ thuật, Trần Ngọc Ngà sở hữu quả giật phải trứ danh, mang thương hiệu Vũ Mạnh Cường, rất chuẩn xác, rất ít hỏng. Với thể hình mỏng cơm, bộ chân hoạt bát, phù hợp với lối đánh 1 càng, em giống như một truyền nhân của huyền thoại bóng bàn Vũ Mạnh Cường vậy. Theo HLV Lương Ngọc Uyên, người đóng vai trò là người thầy huấn luyện, quản lý trực tiếp, người bảo mẫu, chăm lo cho Ngọc và Ngà từ năm 2013 – 2015, có một yếu tố mà Trần Ngọc Ngà, người em sinh đôi của Trần Mai Ngọc không có được để tiến tới đỉnh cao thành tích như Ngọc, đó là lòng kiên nhẫn. Trước thất bại, nếu ta nản chí, ta sẽ không thể tiếp tục trên con đường thể thao thành tích cao.  

Trần Mai Ngọc đã từng viết đơn xin nghỉ thi đấu chuyên nghiệp. - Ảnh 2.

HLV Ngọc Uyên đánh giá Mai Ngọc có một tâm hồn trong sáng, vô tư. "Lúc thua có buồn, nhưng chỉ buồn một ít thôi, lúc thắng có vui, nhưng cũng chỉ vui một ít thôi". Phải chăng chính sự vô tư, có cảm giác như không biết sợ ấy đã giúp VĐV Trần Mai Ngọc ít bị tác động bởi sức ép tâm lý trước các đối thủ trong những trận đấu căng thẳng. Phải chăng chính sự không biết sợ ấy đã giúp Trần Mai Ngọc là một trong những vận động viên trẻ tuổi nhất từng hạ gục tượng đài bóng bàn Mai Hoàng Mỹ Trang?

Trần Mai Ngọc đã từng viết đơn xin nghỉ thi đấu chuyên nghiệp. - Ảnh 3.

Trần Mai Ngọc cùng Đinh Anh Hoàng ở nội dung đội nam nữ tại SEA Games 32.

Quan sát Trần Mai Ngọc thi đấu trong trận Chung kết đôi nam nữ SEA Games 32 trước đôi VĐV lừng danh của Singapore, ta thấy sự bình thản của VĐV này trước sức ép của trận đấu. Bên cạnh những cú giật phải có hiệu suất rất cao, rất ít hỏng, là những cú hất cổ tay trên bàn bất ngờ, lạnh lùng, làm cho đối phương đứng nhìn theo bóng. Đây là động tác kỹ thuật khó, đòi hỏi phải có cảm giác bóng rất tốt của VĐV, mà cảm giác bóng của VĐV chỉ tốt khi họ có tâm lý thi đấu thoải mái. 

Sự bình thản, vô tư, "thua có buồn, nhưng chỉ buồn một ít thôi, thắng có vui, những cũng chỉ vui một ít thôi", còn thể hiện ở cả cách ăn mừng sau khi kết thúc trận chung kết. Trong khi người đồng đội đàn anh Hoàng Max vẫn còn nhảy lên vì vui sướng trước chiến thắng lịch sử, thì Trần Mai Ngọc sau động tác quỳ xuống sân và hét lên ăn mừng, ngay lập tức đứng lên là khuôn mặt và những bước đi bình thản. Sự bình thản ấy thể hiện một tâm lý thi đấu lỳ lợm, không biết sợ. Có thể tố chất đó đã giúp Mai Ngọc vượt lên trên đối thủ trong những trận đấu căng thẳng.

Với độ tuổi còn rất trẻ, chúng ta hy vọng Trần Mai Ngọc sẽ tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong cuộc đời thể thao thành tích cao của em. Nhưng điều quan trọng hơn, những thành tích của Trần Mai Ngọc sẽ là tấm gương cho các VĐV trẻ về sự nỗ lực vượt qua khó khăn, vượt lên trên những áp lực để vươn lên đỉnh cao vinh quang trong thể thao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem