Nhà Minh tồn tại 276 năm, lụi bại vì... 100.000 thái giám

Hồng Nhung Chủ nhật, ngày 25/02/2024 21:53 PM (GMT+7)
Thái giám trong triều Minh có quyền lực lớn nhất. Vì thế, các nhà sử học gọi triều Minh là "Đế quốc thái giám lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc". Tổng số thái giám trong cung triều Minh lên đến 100.000 người.
Bình luận 0

"Đế quốc thái giám lớn nhất trong lịch sử Trung Hoa" 

Thái giám trong triều Minh có quyền lực lớn nhất. Vì thế, các nhà sử học gọi triều Minh là "Đế quốc thái giám lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc". Tổng số thái giám trong cung triều Minh lên đến 100.000 người. Đây là con số khổng lồ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Trung Quốc. Tại sao triều Minh lại cần nhiều hoạn quan đến vậy? Cơ cấu tổ chức của triều đình sẽ như thế nào để dung nạp được hết số lượng hoạn quan này?

Nhà Minh tồn tại 276 năm, lụi bại vì... 100.000 thái giám- Ảnh 1.

Tầng lớp thái giảm góp phần khiến nhà Minh lụi bại. Ảnh: Sohu.

Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu cơ cấu tổ chức thái giám của triều Minh. Triều đình lập ra Thập nhị giám, Tứ ty, Bát cục, gọi chung là Nhị thập tứ nha môn. Mỗi nha môn đều có một thái giám giữ ấn tín phục dịch hoàng đế cùng gia thuộc. Đến giữa thời nhà Minh, quyền thế của thái giám được mở rộng thêm ra. Thái giám có quyền làm sứ giả, trông coi quân đội, coi xét quan lại, dân tình... nên trở thành lộng quyền.

Về hình thức, cơ quan tư pháp của triều Minh vẫn bao gồm Bộ Hình, Đốc Sát viện và Đại Lý tự, thường gọi là Tam pháp ty. Mỗi ty có chức năng riêng, kiềm chế lẫn nhau. Tuy nhiên trên thực tế, quyền tư pháp lai do hoạn quan chiếm đoạt. Vậy làm cách nào mà tập đoàn hoạn quan lại có được đặc quyền này?

Trên thực tở, ngay từ những năm đầu khi mới thiết lập vương triều, Minh Thái Tổ đã thiết lập Ty Lễ giám. Lúc ấy, vị trí của Nhị thập tứ nha môn hoàn toàn không cao. Nhưng đến thời Tuyên Đức, thái giám thủ lĩnh của Ty Lễ giám có thêm quyền "phê hồng". Sở dĩ gọi là "phê hồng" vì nội các đại học sĩ được quyền thay hoàng đế đưa ra ý kiến phê đáp tấu chương, truyền đạt thánh chỉ. Sau đó, hoàng đế căn cứ vào ý kiến của nội các đại học sĩ rồi dùng bút son đưa ra quyết định cuối cùng. Với quyền "phê hồng" này, uy quyền của thái giám ngày càng lớn.

Từ đó, cơ cấu thái giám ngày càng mở rộng và hoàn bị hơn. Quan thái giám có quyền lực nhất trong Ty Lễ giám là Chưởng ấn thái giám (chỉ có duy nhất một người). Nhưng có đến mấy thái giám giữ chức Bỉnh bút thái giám. Thái giám Bỉnh bút của triều Minh cũng có quyền hành cực lớn, bọn họ chính là người thay cho hoàng đế viết tấu sớ. Đại thần có tấu chương lên nêu kiến nghị hay thông báo tình hình, trước tiên do nội các thay hoàng đế nêu ý kiến, sau đó do thái giám Bỉnh bút dựa trên ý của Hoàng đế mà tiến hành phê duyệt. Tuy nhiên, việc phê duyệt này có phải là do ý của hoàng đế hay do ý của thái giám thì chẳng ai biết. Vì thế đến cuối triều Minh, nhiều người bị oan uổng dưới tay của tập đoàn thái giám này.

Trong "Minh sử, hình pháp chí" có nói: "Đông Tây xưởng, Cẩm y vệ, Trấn phủ ty là những cỗ máy giết người dã man, không cần pháp luật".

Sở dĩ có tên gọi Đông xưởng là vì đây là xưởng ở phía Đông, được Minh Thành Tổ thành lập vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420) để bí mật giám sát các quan lại trong triều đình, các tướng lĩnh trong quân đội, các quan viên bên ngoài, các học giả có tiếng trong xã hội. Đông xưởng do một hoạn quan đứng đầu với chức danh đầy đủ là Khâm sai tổng đốc Đông xưởng quan giáo biện sự thái giám (thường gọi tắt là Đề đốc Đông xưởng hay Xưởng công, Đốc chủ).

Cẩm Y vệ được Minh Thái Tổ thành lập vào năm 1382. Ban đầu chỉ có hơn 5000 người. Đến thời Gia Tĩnh đã tăng lên đến hơn 60.000 người. Đối với một lực lượng Cẩm y vệ hùng hậu như vậy, đương nhiên làm hoàng đế không yên tâm. Vì vậy đã cho lập thêm Đông xưởng nhưng không ngờ về sau, tập đoàn thái giám đã khống chế quyền lực của Cẩm y vệ và biến những quan cao cấp trong Cẩm y vệ thành tay chân của thái giám.

Tây xưởng chỉ là một cơ quan tạm thời, do thái giám Uông Trực thành lập vào năm 1477, dưới sự khuyến khích của Minh Hiến Tông, nhiệm vụ gần giống như Đông xưởng, đều theo kiểu "tiền trảm hậu tấu", đã làm nên vô số án oan. Năm 1477 Uông Trực bị giáng chức, Tây xưởng cũng bị bãi bỏ theo.

Quyền lực của Đông xưởng ngày càng lớn, đến mức chúng có thể tự do dùng cực hình tra tấn, thậm chí giết người bừa bãi mà không cần thông qua bất kỳ thủ tục tra xét nào. Những người đảng Đông Lâm nổi tiếng như Dương Liên, Tả Quang Đấu đều bị Đông xưởng bắt giữ rồi tra tấn cho đến chết trong ngục, làm cho dân chúng căm giận, nổi dậy ở khắp nơi Giang âm, Tô Châu...

Cũng theo quy định của luật lệ triều Minh, những tội phạm trọng tội nhất thiết phải thông qua Tam pháp ty cùng xem xét, cuối cùng hoàng đế phê chuẩn. Nhưng trên thực tế, hoàng đế giao luôn cả quyền quyết định cuối cùng cho thái giám Ty Lễ giám. Kết quả là quyền thẩm phán tư pháp tối cao của triều Minh hoàn toàn nằm trong tay tập đoàn thái giám.

Tóm lại, thái giám triều Minh có quyền hành cực lớn, hoàn toàn xuất phát từ tham vọng củng cố quyền lực của hoàng đế. Tuy thế lực thái giám triều Minh không thể so sánh với cuối thời Đông Hán và cuối thời Đường, nắm cả quyền phế lập hoàng đế trong tay nhưng thời gian nắm đại quyền chính trị của thái giám triều Minh lâu dài nhất, là điều hiếm thấy trong lịch sử thái giám Trung Quốc. Triều Minh từ thời Vĩnh Lạc trở đi, thái giám ngày càng lộng quyền. Từ đó cho đến thời vua cuối cùng của triều Minh là Minh Tư Tông, kéo dài hơn 276 năm, thái giám đã lũng đoạn cả triều chính Trung Hoa. Vì vậy, các nhà sử học gọi triều Minh là "Đế quốc thái giám lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem