Cô gái trẻ nhảy xuống sông Hồng nhưng tự bơi vào bờ.
Tối 30/8, L.T.H. 15 tuổi, quê Tuyên Quang (hiện đang trọ tại địa bàn Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ nhảy từ trên cầu Nhật Tân xuống dưới sông Hồng tự tử nhưng may mắn sống sót, tự bơi vào bờ và được mọi người đưa đến viện cấp cứu. Qua chụp chiếu nhưng chưa phát hiện L.T.H. bị chấn thương trên thân thể.
Liên quan đến sự việc hi hữu trên, chị Lê Thu Hồng – Chuyên gia đào tạo bơi lội ở Hà Nội cho biết, chị cũng khá bất ngờ việc cô gái rơi từ độ cao như vậy mà vẫn còn sống sót.
Theo chị Hồng, có thể khi cô gái này rơi xuống nước theo tư thế thẳng đứng, đầu hoặc chân tiếp nước trước nên không có thương tích gì nặng. Bên cạnh đó, nạn nhân là người biết bơi, sau đó được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không ảnh hướng đến tính mạng
“Bình thường khi rơi từ độ cao như cô gái trên với các tư thế tiếp nước khác phần lớn nạn nhân bị dập nội tạng và tử vong”, chị Hồng nói.
Chị Hồng cũng cho biết thêm, nếu rơi xuống nước ở tư thế thẳng đứng đầu hoặc chân tiếp nước trước thì sẽ an toàn hơn, ít bị thương tích.
Ông Đinh Việt Hùng – Tổng Thư ký Hiệp Hội Thể thao dưới nước Việt Nam cho biết, khi cô gái nhảy cầu và rơi xuống nước theo tư thế thẳng đứng mà chân tiếp nước trước thì gần như không có chấn thương.
“Cô gái rơi từ trên cao xuống nếu còn sống thì cô gái ấy sẽ phải ngoi lên để thở. Việc cô gái tự bơi vào bờ là phản xạ theo bản năng”, ông Hùng nhận định.
Theo ông Hùng, nếu rơi xuống nước ở tư thế thẳng đứng tiếp nước bằng đầu có thể không gây tử vong ngay nhưng nếu tiếp nước không đúng cách rất dễ bị gãy cổ hoặc chấn thương cột sống. Trong thể thao có bộ môn nhảy cầu, một là cầu ở trong bể cao nhất chỉ có 10m, còn cầu ở bên ngoài thì độ cao từ 29 đến 30m. Nhảy cầu ở bên ngoài bao giờ cũng phải tiếp nước bằng chân trước, nếu tiếp nước bằng đầu dễ sẽ bị chấn thương.
“Đối với vận động viên bơi lội việc nhảy cầu tiếp nước bằng đầu họ được rèn luyện và xác định được điểm chạm nên khi rơi xuống nước vận động viên cứng được cổ lên nên sẽ không sao còn nếu tiếp xúc bằng đầu để thả lỏng sẽ dẫn đến gãy cổ.
Khi tiếp nước bằng đầu các vận động viên không phải dùng tay rẽ nước trước đây chỉ là động tác xuống nước của vận động viên để cho đẹp”, ông Hùng chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.