Vì sao Tôn Quyền đến lúc chết vẫn không truy phong anh ruột làm Hoàng đế?

Thứ năm, ngày 21/07/2022 15:33 PM (GMT+7)
Việc Tôn Quyền nhất quyết không truy phong người anh trai Tôn Sách làm Hoàng đế thực chất bắt nguồn từ những nguyên nhân dưới đây.
Bình luận 0

Trong 3 thế lực tạo nên thế chân vạc thời Tam Quốc bao gồm Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô, Tôn Quyền của Đông Ngô là người xưng đế sau cùng.

Sử cũ ghi lại, năm 229, Tôn Quyền chính thức xưng đế ở Vũ Xương, lấy quốc hiệu Ngô, rời đô về Kiến Nghiệp.

Thế nhưng điểm đáng chú ý lại nằm ở chỗ, sau khi lên ngôi, ông có truy phong người cha ruột Tôn Kiên thành Vũ Liệt Hoàng đế, còn đối với người anh cả Tôn Sách từng truyền lại ngôi vị cho mình thì chỉ truy phong làm Trường Sa Hoàn vương.

Có không ít ý kiến cho rằng, Tôn Sách là người đã gây dựng cơ sở cho đế nghiệp của Đông Ngô, cũng là người đã trực tiếp chuyển giao quyền lực cho Tôn Quyền, theo lý mà nói nên được truy phong làm Hoàng đế.

Tuy nhiên theo quan điểm của Qulishi, việc Tôn Quyền chỉ phong anh mình làm vương là một quyết định hết sức hợp lý bởi các nguyên do dưới đây.

Nguyên nhân thứ nhất: Không truy phong người tiền nhiệm làm Hoàng đế là việc đã từng có trong lịch sử Trung Hoa

Từng được Tôn Sách đích thân trao quyền, vì sao Tôn Quyền đến lúc chết vẫn không truy phong anh ruột làm Hoàng đế? - Ảnh 1.

Tôn Sách (174- 200) là anh trai của Tôn Quyền và cũng là nhân vật đặt nền móng quan trọng cho sự hình thành của tập đoàn Đông Ngô thời Tam Quốc. Ảnh: Sohu

Vào năm 200, Tôn Sách bất ngờ bị thích khách mưu sát và qua đời không lâu sau đó ở tuổi 26.

Trước lúc ra đi, ông đã truyền lại cơ nghiệp cho người em trai ruột là Tôn Quyền, cũng chính là Hoàng đế đầu tiên của Đông Ngô sau này.

Tới năm 229, sau khi lên ngôi xưng đế, Tôn Quyền đã truy phong Tôn Sách làm Trường Sa Hoàn vương.

Có nhiều người cho rằng, việc không truy phong anh trai làm Hoàng đế là biểu hiện của sự hẹp hòi và thâm hiểm của Tôn Quyền.

Thế nhưng theo quan điểm của Qulishi, quyết định này của ông lại được xem như một việc hết sức bình thường và hợp lý.

Bởi Tần Thủy Hoàng năm xưa sau khi lên ngôi Hoàng đế và thành lập Tần triền cũng không truy phong người tiền nhiệm trước đó của mình làm Hoàng đế. Cụ thể, cha của ông là Tần Trang Tương Vương được truy phong làm Thái Thượng Hoàng.

Điều này cho thấy đây là một việc đã từng có tiền lệ trong lịch sử Trung Hoa.

Nguyên nhân thứ hai: Đảm bảo tính chính thống cho hậu duệ của mình

Từng được Tôn Sách đích thân trao quyền, vì sao Tôn Quyền đến lúc chết vẫn không truy phong anh ruột làm Hoàng đế? - Ảnh 2.

Việc Tôn Quyền không truy phong anh trai làm Hoàng đế đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong số các vấn đề có liên quan tới giai đoạn Tam Quốc. Ảnh: Sohu

Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, hầu hết các Hoàng đế khai quốc đều sẽ truy phong cha ruột làm Hoàng đế.

Ví dụ như Tôn Quyền truy phong Tôn Kiên làm Vũ Liệt Hoàng đế, Tào Phi truy phong Tào Tháo làm Thái Tổ Võ Hoàng đế. Đây được cho là một việc làm thể hiện hiếu đạo.

Tuy nhiên điều này không hẳn đã đúng trong trường hợp truy phong anh em làm Hoàng đế. Bởi nếu những người huynh đệ này có con trai thì sẽ tạo thành mối uy hiếp đối với vị vua đương nhiệm cũng như những người kế thừa của họ.

Nhìn lại lịch sử thời Tam Quốc, người anh Tôn Sách dù qua đời khi đương độ tráng niên nhưng vẫn còn một người con trai.

Vì thế nếu Tôn Quyền truy phong anh trai làm Hoàng đế thì một khi người con này muốn tranh đoạt ngai vàng, đó ắt hẳn sẽ trở thành nhân tố gây rối loạn cả một vương triều.

Nguyên nhân thứ ba: Tránh tình trạng mâu thuẫn nội bộ, chia bè kết phái

Từng được Tôn Sách đích thân trao quyền, vì sao Tôn Quyền đến lúc chết vẫn không truy phong anh ruột làm Hoàng đế? - Ảnh 3.

Trên thực tế, việc Tôn Quyền không truy phong Tôn Sách làm Hoàng đế cũng nhằm mục đích duy trì sự ổn định cho nội bộ Đông Ngô. Ảnh: Sohu

Ngay cả trong trường hợp con trai của Tôn Sách không có ý tranh ngôi thì chưa chắc các quan lại trong triều đã không ủng hộ cho nhân vật này.

Bởi vậy nên một khi Tôn Quyền truy phong anh trai làm Hoàng đế, nội bộ triều đình tất sẽ có sự chia rẽ. Những người ủng hộ con trai của Tôn Sách nối ngôi sẽ gây ảnh hưởng tới Tôn Quyền cũng như người nối nghiệp của ông sau này.

Đây đương nhiên là kết quả mà Tôn Quyền không muốn thấy nhất. Có lẽ cũng bởi vậy nên ông mới quyết định truy phong anh trai làm vương.

Tới thời nhà Tấn sau này, Tư Mã Viêm sau khi lên ngôi xưng đế đã làm ra một quyết định trái ngược với Tôn Quyền. Đó là truy phong cả cha ruột (Tư Mã Chiêu) và bác ruột (Tư Mã Sư) làm Hoàng đế.

Tuy nhiên đó là bởi người bác ruột này chỉ có 5 người con gái và không có con trai. Vì vậy việc truy phong này vốn không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào tới ngai vàng của Tư Mã Viêm và hậu duệ sau này.

Nguyên nhân thứ tư: Công lao của Tôn Quyền không thua kém hơn Tôn Sách

Từng được Tôn Sách đích thân trao quyền, vì sao Tôn Quyền đến lúc chết vẫn không truy phong anh ruột làm Hoàng đế? - Ảnh 4.

Mặc dù Tôn Sách là người đặt nền móng cho Đông Ngô, nhưng Tôn Quyền cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc gây dựng và mở rộng thế lực này. Ảnh: Sohu

Không ít người vẫn thường cho rằng, giang sơn của Tôn Quyền vốn là do anh cả Tôn Sách truyền lại. Cho nên Tôn Quyền ắt phải có nghĩa vụ truy phong anh trai làm Hoàng đế.

Thế nhưng theo "Tam Quốc chí" ghi lại, ở vào thời điểm Tôn Quyền tiếp quản thế lực từ anh trai, Đông Ngô khi ấy chỉ có vẻn vẹn 6 quận, diện tích này chỉ bằng ¼ lãnh thổ của Đông Ngô ở vào thời kỳ cường thịnh.

Mà Tôn Quyền lúc sinh thời từng liên minh với Lưu Bị đánh bại Tào Tháo ở Xích Bích, lấy đầu Quan Vũ, chiếm lĩnh Kinh Châu, công lao cũng không hề thua kém nếu so với người anh Tôn Sách.

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy việc Tôn Quyền chỉ truy phong Tôn Sách làm Trường Sa Hoàn vương cũng là một việc làm hợp tình hợp lý.

PV (Theo Pháp luật và bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem