Vì sao TP.HCM chưa được mua trực thăng chữa cháy nghìn tỷ?

Hứa Phương Thứ sáu, ngày 29/07/2016 17:35 PM (GMT+7)
Theo thông tư 60 của Bộ Công an, Hà Nội và TP.HCM khi đủ điều kiện cần và đủ (hạ tầng, sân đỗ, đội ngũ phi công…) sẽ trang bị máy bay trực thăng. Với TP.HCM, để thực hiện hiệu quả cần phải nghiên cứu kỹ và xây dựng đề án tiền khả thi, nếu được trang bị rồi phải khai thác hiệu quả.
Bình luận 0

Sở PCCC TP.HCM vừa công bố kế hoạch mua sắm trang thiết bị đến năm 2025 với kinh phí lên đến gần 8.200 tỷ.

Theo ông Lê Tấn Bửu, Giám đốc PCCC TP.HCM, phạm vi điều chỉnh của kế hoạch PCCC trên địa bàn TP.HCM có 4 nội dung cơ bản đó là phát triển, quy hoạch mạng lưới cấp nước chữa cháy trên địa bàn. Trong đó có nội dung phát triển những trụ nước chữa cháy trên trục giao thông có hệ thống cấp nước đô thị đi qua.

Ngoài ra còn có nội dung tận dụng hồ chứa, hồ điều tiết trong doanh nghiệp, công cộng và phát triển mạng lưới các đơn vị PCCC cấp phòng trên 24 quận huyện. Bên cạnh đó kế hoạch sẽ lồng ghép vấn đề PCCC vào giải pháp chung trong kế hoạch chỉnh trang đô thị của TP. Từ đó sẽ có phương án cụ thể như ngăn cháy lan, đào tạo lực lượng tại chỗ… để đề phòng khi xảy ra sự cố trong những hẻm sâu thì người dân sẽ biết cách xử lý. Tùy địa hình của từng khu vực cụ thể, cảnh sát PCCC sẽ đưa ra cách xử lý riêng.

img

Trang thiết bị của lực lượng PCCC TP.HCM trong một lần tham gia cứu hỏa.

Liên quan đến các phương án xử lý trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn ở tòa nhà cao tầng, ông Bửu cho rằng PCCC TP đều có phương án xử lý. Còn trong trường hợp không còn cách nào khác thì PCCC cũng có phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn để khi cần thì sẽ báo cáo lãnh đạo TP điều động máy bay trực thăng tham cứu hộ cứu nạn.

Về việc trong đề án đến năm 2025 không đề cập đến việc mua máy bay trực thăng, ông Bửu cho rằng việc mua trực thăng đã được quy định trong thông tư 60 của Bộ Công an. Theo thông tư này thì với 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM khi đủ điều kiện cần và đủ (hạ tầng, sân đỗ, đội ngũ phi công…) sẽ trang bị máy bay trực thăng.

Với TP.HCM, để thực hiện hiệu quả cần phải nghiên cứu kỹ và xây dựng đề án tiền khả thi, nếu được trang bị rồi phải khai thác hiệu quả.

"Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ có báo cáo với lãnh đạo TP để có chủ trương đầu tư. Vì chúng tôi chưa có kinh nghiệm nhưng thực tế thì thấy cần thiết. Trong đề án quy hoạch lần này không đề cập đến nhưng khi có nhu cầu sẽ có đề án báo cáo riêng", ông Bửu nói.

img

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc PCCC TP.HCM.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã công bố quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM về dự án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn đến năm 2025 với kinh phí lên đến gần 8.200 tỷ đồng.

Quy hoạch chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn trước năm 2020 sẽ đầu tư 2 tàu, 258 xe chữa cháy, 61 máy bơm, 6 ca nô, 2 xuồng cứu nạn - cứu hộ và rất nhiều trang thiết bị.

Trong 5 năm tiếp theo, mua thêm 131 xe, 1 ca nô, các trang thiết bị và lắp đặt mới gần 20.000 trụ nước để phục vụ công tác chữa cháy…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem