Vì sao trồng vỏn vẹn có 120 cây mắc ca mà chị nông dân này ở Đắk Nông năm nào cũng "đút túi" 250 triệu?

Thanh Nga Chủ nhật, ngày 25/12/2022 18:40 PM (GMT+7)
Chị Nguyễn Thị Hương, ở thôn Đắk Kual, xã Đắk N’Drung (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) có 120 cây mắc ca. Vườn mắc ca dù khiêm tốn, nhưng năm vừa qua, chị vẫn thu về 250 triệu đồng nhờ có ý tưởng sáng tạo trong khởi nghiệp.
Bình luận 0

Chị Hương là một trong những hộ dân đầu tiên của xã Đắk N’Drung trồng mắc ca. Chị cho biết, toàn bộ số mắc ca này được trồng cách đây 8 năm và đã cho thu hoạch 2 năm nay.

Khác với nhiều hộ trồng mắc ca khác, chị không bán sản phẩm thô. Thay vào đó, chị đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến mắc ca thành sản phẩm sấy khô.

Vì sao trồng vỏn vẹn có 120 cây mắc ca mà chị nông dân này ở Đắk Nông năm nào cũng "đút túi" 250 triệu? - Ảnh 1.

Chị Hương, xã Đắk N'Drung (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) khởi nghiệp thành công với sản phẩm mắc ca sấy khô

“Khi vườn mắc ca bắt đầu cho thu hoạch, tôi nghĩ ngay đến việc cần phải đầu tư chế biến sâu để nâng cao hiệu quả kinh tế”, chị Hương chia sẻ.

Nghĩ là làm, cách đây 2 năm, chị Hương quyết định đầu tư 1 lò sấy lạnh công suất 50kg hạt mắc ca/lượt sấy, 1 máy tách vỏ mắc ca, với tổng chi phí 60 triệu đồng.

Mỗi năm, 120 cây mắc ca chị thu được 1,5 tấn quả mắc ca tươi. Nếu bán sản phẩm mắc ca tươi với giá thị trường 100.000 đồng/kg, gia đình chị chỉ có thể thu về 150 triệu đồng/vụ.

Sau khi sấy và tách riêng nhân, hạt mắc ca được chị bán với giá 600.000 đồng/kg. Còn sản phẩm sấy khô, có giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại. 

"Tính ra, mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu về trên 250 triệu đồng từ trồng và chế biến mắc ca", chị Hương cho biết.

Sản phẩm mắc ca sấy khô được chị bán trong tỉnh và các thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… Hiện nay, chị đang chọn mắc ca sấy là sản phẩm để khởi nghiệp với quy mô lớn hơn.

Chị Hương cho biết, khách hàng rất thích sản phẩm mắc ca của Đắk Nông. Nguồn nguyên liệu mắc ca trong tỉnh cũng ngày càng nhiều hơn. Do đó, gia đình chị sẽ đầu tư thêm thiết bị để tăng công suất chế biến mắc ca, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vì sao trồng vỏn vẹn có 120 cây mắc ca mà chị nông dân này ở Đắk Nông năm nào cũng "đút túi" 250 triệu? - Ảnh 3.

Chị Hương chia sẻ, mỗi năm 1 cây mắc ca chỉ cần đầu tư khoảng 170.000 đồng

Khởi nghiệp với cây mắc ca, ngoài việc tăng thu nhập cho gia đình, chị Hương còn tạo việc làm cho 2 lao động địa phương. Theo chị Nguyễn Thị Hồng, nhân công làm việc thường xuyên cho chị Hương, từ khi chị Hương chế biến mắc ca, chị được tạo việc làm gần nhà.

Mỗi ngày công của chị được tính 200.000 đồng. Nguồn thu nhập này đã góp phần giúp gia đình chị ổn định cuộc sống. Chị yên tâm gắn bó lâu dài với cơ sở sản xuất mắc ca của chị Hương.

Theo bà Vũ Thị Thịnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Đắk N’Drung, cách khởi nghiệp của chị Hương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Hội LHPN xã Đắk N’Drung rất khuyến khích gia đình mở rộng quy mô sản xuất. Trên địa bàn xã, đa số chị em làm nông nghiệp, nhưng từ trước đến nay, ít có người dám khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp.

Từ cách khởi nghiệp bằng chế biến mắc ca của chị Hương, Hội LHPN xã Đắk N’Drung khuyến khích chị em trong xã tự tin, năng động, sáng tạo, tích cực tham gia chương trình phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh Đắk Nông phát động.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem