Năm Kiến An thứ 24 (năm 219), sau khi trận chiến Hán Trung kết thúc thắng lợi, Lưu Bị xưng là Hán Trung Vương, nhưng Thục Hán lại bắt đầu xuống dốc từ sau thời điểm đó.
Quan Vũ một mình đem quân đi Bắc phạt, dìm chết bảy đạo quân, bắt Vu Cấm, chém Bàng Đức, bao vây Tào Nhân ở Phàn Thành.
Nhưng đến cuối cùng, phần thắng đã không thuộc về Thục Hán. Đông Ngô đoạt được Kinh Châu, còn bắt được Quan Vũ và giết hại ông.
Lưu Bị vừa mới nhận được tin Quan Vũ bỏ mạng chưa được bao lâu, đau lòng khôn nguôi, chuẩn bị chinh phạt Đông Ngô thì tiếp tục nhận được hung tin báo về, đó là Trương Phi bị thuộc hạ hãm hại. Thục Hán liên tiếp mất đi hai đại tướng.
Có lẽ là để báo thù, hoặc có lẽ để khuếch trương thế lực, dưới tình huống này Lưu Bị khăng khăng đòi thảo phạt Đông Ngô. Bởi thế mới xảy ra trận Di Lăng, kết quả lại không hề tốt với Thục Hán. Lục Tốn chỉ huy quân Đông Ngô đánh quân Thục thua tan tác.
Phùng Tập, Trương Nam cùng một vài người nữa bỏ mạng nơi chiến trường, Lưu Bị cũng chỉ có thể rút về Vĩnh An.
Cho nên lúc này Tôn Quyền tới cầu hoà, cho dù trước đó có ân oán như thế nào, Lưu Bị cũng chỉ đành đồng ý.
Không biết do phải bôn ba nhiều năm hay do đau thương quá mức, cuộc đời Lưu Bị cũng đi tới thời điểm kết thúc.
Vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Lưu Bị đã dặn dò Gia Cát Lượng một câu rất kỳ lạ, đó là không được trọng dụng Triệu Vân.
Vào thời điểm đó, đại tướng của Thục Hán cũng không còn nhiều, tại sao Lưu Bị lại dặn Gia Cát Lượng như vậy? Phải chăng ông đã nghi ngờ và không còn tin tưởng Triệu Vân điều gì?
Quan hệ giữa Lưu Bị và Triệu Vân
Triệu Vân năm xưa là người của Công Tôn Toản, từng theo ông ta chinh chiến khắp nơi. Trùng hợp là Lưu Bị cũng ở chỗ Công Tôn Toản, nhờ đó hai người quen nhau, quan hệ ngày càng thân thiết.
Khi Công Tôn Toản phái Lưu Bị đi chống lại Viên Thiệu, lại để cho Triệu Vân đi cùng. Đại khái cũng chính vào thời điểm này, Triệu Vân bắt đầu nảy sinh ý định đầu quân cho Lưu Bị.
Người ta thường nói Quan Vũ, Trương Phi và Lưu Bị tình như huynh đệ, thật ra quan hệ giữa Lưu Bị và Triệu Vân cũng rất tốt, khi gặp nhau Nghiệp Thành, hai người họ còn cùng ngủ một giường.
Tất nhiên, trên thực tế cũng là vì Lưu Bị muốn Triệu Vân bí mật tuyển mộ binh sĩ giúp mình, việc này họ làm giấu Viên Thiệu.
Từ sau năm Kiến An thứ 5 (năm 200), Triệu Vân đi theo Lưu Bị. Ông luôn tỏ ra rất thận trọng.
Có thể nhắc đến việc khi bắt được Hạ Hầu Lan, Triệu Vân là tuy đồng hương của Hạ Hầu Lan, nhưng cũng chỉ xin miễn tội chết cho ông ta.
Chính vì thận trọng, Triệu Vân cũng không bổ nhiệm người thân thiết với mình, cho nên ông sẽ không đích thân bổ nhiệm Hạ Hầu Lan.
Sau trận Xích Bích, Lưu Bị bổ nhiệm Triệu Vân thay thế hàng tướng Triệu Phạm, kiêm nhiệm chức Thái thú quận Quế Dương.
Triệu Phạm có một người chị dâu goá chồng, tướng mạo xinh đẹp, bèn hứa gả cô ta cho Triệu Vân. Triệu Vân lại không đồng ý, bởi vì ông biết rõ rằng Triệu Phạm bị ép đầu hàng, lòng dạ khó lường.
Phụ nữ trên thế gian đâu thiếu, chị dâu của Triệu Phạm quả thật xinh đẹp, nhưng cũng không đến mức phải vứt bỏ tiền đồ hay thậm chí là tính mạng vì sắc đẹp.
Quả nhiên, chẳng bao lâu sau Triệu Phạm bỏ trốn, Triệu Vân không phải chịu bất cứ liên luỵ nào.
Lưu Bị vô cùng tín nhiệm Triệu Vân, năm Kiến An thứ 13 (năm 208), khi Lưu Bị bị Tào Tháo đánh cho phải bỏ chạy, mất cả vợ cả con, trong số khoảng mười người ông dẫn theo, có Triệu Vân, ấy vậy mà Triệu Vân lại mất tích trong lúc hỗn hoạn.
Vậy là có người nói Triệu Vân về phe Tào Tháo, Lưu Bị nghe xong liền nổi giận, nói rằng Tử Long sẽ không vứt bỏ ta lại.
Quả nhiên Triệu Vân đã không bỏ Lưu Bị mà đi cứu con trai nhỏ Lưu Thiện và người vợ Cam phu nhân của Lưu Bị.
Chẳng bao lâu sau, Tôn phu nhân định đưa Lưu Thiện đi, cũng chính Triệu Vân và Trương Phi cùng đi ngăn cản.
Từ những việc này có thể thấy, Quan Vũ và Trương Phi là huynh đệ tốt của Lưu Bị và Triệu Vân cũng vậy. Việc Lưu Bị yêu cầu Gia Cát Lượng không trọng dụng Triệu Vân, thật ra là vì lo nghĩ cho người huynh đệ này.
Lưu Bị đã mất đi cả Quan Vũ và Trương Phi, bản thân ông cũng đang bị bệnh nặng, ông không muốn Triệu Vân lại nối bước Quan Vũ và Trương Phi. Nếu như Triệu Vân lại lâm trận, người bỏ mạng có khả năng chính là ông. Thôi thì cho Triệu Vân một kết cục tốt vậy.
Tất nhiên, điều này cũng được Lưu Bị cân nhắc từ tình hình thực tế:
Thứ nhất là tuổi tác Triệu Vân đã cao, ông không còn phù hợp để xông pha trận mạc nữa, chi bằng để ông được nghỉ ngơi cho tốt, được sống thêm vài năm;
Thứ hai là Thục Hán cần phải có tướng lĩnh mới. Nhóm tướng cũ đã lớn tuổi, chỉ khi những tướng trẻ trưởng thành thì mới có khả năng đưa Thục Hán gây dựng tương lai huy hoàng.
Cũng chính bởi suy nghĩ này của Lưu Bị, Triệu Vân đã có một cái kết tốt đẹp, ít nhất cũng được sống lâu hơn Lưu Bị vài năm.
Năm Kiến Hưng thứ 7 (năm 229), Triệu Vân qua đời, cũng coi như có được một cái chết thanh thản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.