Vì sao vải thiều Bắc Giang luôn vượt trội?

Đăng Quang - Lê Nga Thứ ba, ngày 23/06/2015 14:03 PM (GMT+7)
Dẫu là địa phương đi sau trong việc trồng cây vải thiều, nhưng chất lượng và giá cả vải thiều Bắc Giang những năm gần đây luôn cao hơn những vùng khác, kể cả ở nơi vùng đất gốc của vải thiều (Thanh Hà, Hải Dương). Vì sao?
Bình luận 0

Câu trả lời cho vấn đề này bao gồm nhiều khía cạnh. Nhưng điều dễ nhận thấy hơn cả chính là nhờ áp dụng sớm, đồng bộ nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, thu hoạch và bảo quản vải thiều. “Vì thế, giá cả bán vải thiều Lục Ngạn ra thị trường trong nước cũng như xuất khẩu hàng năm luôn cao hơn vải các vùng khác từ 5.000–10.000 đồng/kg” - ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang chia sẻ với phóng viên NTNN.

Nông sản đẹp, ngon nhờ… công nghệ

Đến thăm vườn vải thiều của ông Giáp Văn Thành ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang, Lục Ngạn (Bắc Giang) những ngày đầu tháng 6.2015, đúng vào mùa quả chín, cây nào cũng xum xuê, đỏ rực. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là cây vải được cắt tỉa, các chùm quả rất đều, đẹp. Gốc cây sạch bóng lá, cành cây.

img
Thu mua và sơ chế vải thiều tại Lục Ngạn, Bắc Giang.  Ảnh: Đăng Lê
Đây chính là thành quả nhiều năm áp dụng quy trình sản xuất vải thiều VietGAP và GlobalGAP mà Sở NNPTNT Bắc Giang phối hợp Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) hướng dẫn người dân thực hiện tại các vùng chuyên canh vải thiều. Theo ông Thành, bí quyết làm nên sự nổi tiếng của thương hiệu vải thiều Lục Ngạn không chỉ nhờ đất đai, thổ nhưỡng sẵn có, mà còn nhờ vào việc đầu tư áp dụng công nghệ sản xuất và phòng trừ sâu bệnh, thực hành nông nghiệp tốt.

Một trong những nguyên nhân tạo nên khác biệt về chất lượng quả vải Lục Ngạn ở xã Hồng Giang là người trồng vải thiều có kinh nghiệm thu hoạch bằng phương pháp kết hợp cơ học và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật: Người dân thường đeo gùi hay giỏ tre khi thu hoạch vải, chứ không vứt, bỏ trực tiếp xuống đất như các vùng khác dễ bị giập, hỏng. Vải được đóng cẩn thận vào các thùng xốp ướp đá, xe lạnh khi di chuyển đi xa hay xuất khẩu ra quốc tế.

“Nhờ việc áp dụng sớm công nghệ sản xuất sạch, phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, đến nay gia đình tôi đã quen với phương pháp mới, vừa đảm bảo sức khỏe vừa có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm” - ông Thành nói.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ bảo quản

Nguồn gốc từ Hải Dương, cây vải thiều được trồng và phát triển tại một số xã, huyện của tỉnh Bắc Giang từ năm 1946, đến nay đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của tỉnh này. Tính đến nay, diện tích vải thiều đã lên đến gần 32.000ha (73% diện tích cây ăn quả), sản lượng hàng năm đạt trên dưới 200.000 tấn (vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP trên 12.000ha, sản lượng trên dưới 80.000 tấn, chủ yếu ở Lục Ngạn). Trong khi đó ở Thanh Hà chỉ mới có dưới 250ha vải sản xuất theo VietGAP và… 1ha vải theo GlobalGAP.

Không chỉ đi trước trong áp dụng khoa học- công nghệ, Bắc Giang đã áp dụng cách xây dựng và giữ vững thương hiệu vải thiều Lục Ngạn bằng quan điểm phát triển theo quy hoạch và nâng cao chất lượng hơn số lượng. Toàn tỉnh sẽ phát triển và giữ vững diện tích vải từ 30.000 - 32.000ha. Tỉnh này đang đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ của Israel và công nghệ bảo quản nông sản CAS (Cells Alive System, nghĩa là các cấu trúc tế bào vẫn hoạt động, hay còn gọi là công nghệ bảo quản tế bào, có thể bảo quản chất lượng trái cây như gần như nguyên bản trong vài tháng đến 10 năm) của Nhật Bản, cũng như các công nghệ theo tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị quả vải thiều.

Nếu như ở Thanh Hà (Hải Dương) có sự vào cuộc thu mua vải thiều của Công ty Rồng Đỏ, thì ở Lục Ngạn, hiện có một số công ty khác, trong đó có Công ty Ocewa đang thử nghiệm bảo quản vải bằng công nghệ không đóng đá Point Warp của Nhật Bản (có thể bảo quản trái vải tươi từ vài tháng trở lên) để có thể bán với giá cao hơn, vận chuyển được xa hơn, xuất khẩu thuận lợi hơn.

Bà Vũ Thị Hà – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương: Đã thấy được sức mạnh của khoa học - công nghệ

Hiện tỉnh Hải Dương đang có khoảng gần 11.000ha vải thiều, chủ yếu trồng ở vùng chuyên canh Thanh Hà và Chí Linh (8.000ha), với sản lượng ước đạt hàng năm khoảng trên dưới 40.000 tấn. Thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng sản xuất tập trung vải, ổi, na” tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012 – 2015, sau gần 4 năm thực hiện, Hải Dương đã xây dựng được 25 mô hình sản xuất vải thiều VietGAP với tổng diện tích 229,8ha. Tuy diện tích sản xuất theo VietGAP chưa nhiều nhưng mô hình đã được nông dân chấp nhận, năng suất tăng hơn sản xuất đại trà trước đó khoảng từ 20 – 30%, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, quả to, đồng đều, giá bán tăng hơn vải thường trên dưới 25%, hiệu quả kinh tế tăng từ 5 đến 10%. Đây là cơ sở quan trọng để trong thời gian tới tỉnh Hải Dương tiếp tục nhân rộng và áp dụng các khoa học công nghệ mới của Nhật Bản, Mỹ… vào sản xuất và bảo quản sau thu hoạch.  

Lê Nga (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem