Felisberto đại diện thể thao Đông Timor tham dự nội dung 10.000m nam ở SEA Games 31 ngày 17/5. Ngày trước đó, Felisberto De Deus đã làm nên kỳ tích với tấm HCB nội dung 5.000m nam. Đáng nói đó là tấm HCB điền kinh đầu tiên của đoàn thể thao Đông Timor trong lịch sử tham dự SEA Games. Tấm huy chương ấy càng giá trị hơn khi đây là môn thể thao Olympic.
Tiếp đà hưng phấn sau thành tích lịch sử, Felisberto De Deus tự tin bước vào ngày thi đấu thứ 2 ở nội dung 10.000m nam. Với sự nỗ lực, VĐV Đông Timor cán đích ở vị trí thứ hai, sau VĐV Nguyễn Văn Lai của Việt Nam. Ở vị trí thứ ba là Lê Văn Thao.
Sau khi về đích, nhận thấy 2 VĐV Việt Nam đang ăn mừng thành tích, Felisberto liền chạy đến chung vui như thể 3 người đã quen biết nhau từ trước, thậm chí là theo cách cực kỳ thân thiết. Dù không thể bước lên bậc cao nhất nhưng với thành tích đáng tự hào này, VĐV người Đông Timor đã không thể kìm nén cảm xúc.
Đáng chú ý bên cạnh việc khoác lên mình lá cờ Đông Timor, trên tay Felisberto De Deus còn cầm cả lá cờ nhỏ của Việt Nam. Đó là cách anh muốn gửi lời cảm ơn tới người hâm mộ và ban tổ chức đội chủ nhà.
Đáp lại tình cảm của tay Felisberto De Deus, khán giả Việt Nam vỗ tay nhiệt liệt chúc mừng HCB đầy cảm xúc của chân chạy Đông Timor. Thậm chí sau đó nhiều khán giả Việt Nam đã nán lại sau lễ trao huy chương và xuống sân giao lưu, chụp ảnh cùng Felisberto De Deus và các thành viên đội tuyển điền kinh Đông Timor.
Chính anh tiết lộ sự cổ vũ nhiệt tình và fair-play của khán giả Việt Nam đã giúp anh có thêm động lực vượt qua sự mệt mỏi trên đường chạy 10.000m. Dù chưa thể bước lên bục cao nhất, nhưng VĐV này vẫn rất ấn tượng với những gì đã trải qua.
Câu chuyện đằng sau tấm huy chương thấm đẫm nước mắt
Ít ai biết rằng để có được thành tích lịch sử cho thể thao Đông Timor, VĐV Felisberto De Deus đã vượt qua nghịch cảnh, từ khó khăn về điều kiện tập luyện đến nỗi buồn mất người thân trước thềm SEA Games 31.
Felisberto chia sẻ, hàng ngày anh phải tập luyện từ sáng sớm hoặc chiều muộn để tránh cái nắng như đổ lửa hay những cơn mưa rào nhiệt đới. Nơi anh tập luyện có thể là bãi biển đầy rác và sỏi, hoặc là trong sân vận động đã xuống cấp nghiêm trọng và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ chấn thương.
Trang thiết bị tập luyện không đảm bảo chứ đừng nói gì đến chế độ dinh dưỡng. Dù mới 23 tuổi nhưng gương mặt của Felisberto già hơn so với tuổi thật cả chục. Cuộc sống vất vả đi kèm chế độ tập luyện không đảm bảo đã khiến vận động viên này trở nên khắc khổ hơn so với các VĐV quốc gia khác.
Ngay trước thềm SEA Games 31, Felisberto còn chịu nỗi đau mất chị gái. Tuy nhiên thay vì chìm đắm trong nỗi buồn, anh quyết định xách hàng lý lên đường mang vinh quang về cho đến nước, cho gia đình.
Hành trình đến với Việt Nam của Felisberto cũng chẳng dễ dàng. Anh cùng cả đội trải quan hành trình dài mệt mỏi để tới Việt Nam. Chuyến bay của họ bị trì hoãn ở Malaysia, khiến tất cả phải nằm ngủ ngay ở nhà ga. Tuy nhiên Felisberto chưa từng một lần than vãn vì những thiếu thốn mà đoàn gặp phải. Thay vào đó anh cảm thấy tự hào vì mình là người đại diện cho đất nước Đông Timor tham dự kỳ đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á. Người ta luôn thấy nụ cười Felisberto nở trên gương mặt hốc hác. Tâm trạng háo hức được tranh tài SEA Games đánh bật mọi mệt mỏi vì quãng đường di chuyển dài.
Không thể phủ nhận một sự thật, thể thao không chỉ là nơi tôn vinh những người thắng cuộc mà còn là nơi những giá trị cao đẹp, phẩm chất ngưỡng mộ được ngợi ca. Điều quan trọng với những người bền bỉ như Felisberto, luôn chiến dấu đến giọt mồ hôi cuối cùng cho Tổ quốc là điều đáng tự hào. Felisberto đã chiến đấu với niềm tự hào của một người Đông Timor và mong đợi giây phút giương cao lá cờ Tổ quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.