Vì sao vịt biển được chọn phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi ĐBSCL?

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 02/06/2016 19:00 PM (GMT+7)
Vịt biển là giống vật nuôi có khả năng chịu đựng được độ mặn cao, hoàn cảnh sống thay đổi thường xuyên nên năm 2016 này, Bộ NNPTNT chọn vịt biển phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi tại các tỉnh ven biển ở ĐBSCL – nơi vừa bị tác động nghiêm trọng bởi hạn, mặn.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Hữu Tỉnh – Phó Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ (Viện Chăn nuôi Quốc gia) cho biết, vịt biển có khả năng rất đặc biệt, đó là có thể thích nghi rất tốt trong điều kiện cả nước mặn (nước biển) và nước lợ, khả năng nuôi sống và sản xuất trứng hoàn toàn không suy giảm dù hoàn cảnh sống có thể thay đổi thường xuyên.

img

img

img

Vịt biển trưởng thành có màu lông cánh sẻ, cổ có khoang trắng, lông cánh màu xanh đen, mỏ và chân màu vàng nhạt, có con màu xám, cổ trung bình.

Ông Tỉnh cũng cho biết, đặc điểm trên không thể tìm thấy ở các giống vịt cao sản nuôi công nghiệp (vịt siêu trứng, vịt siêu thịt). Ngoài ra, vịt biển còn có thể nuôi trong điều kiện nước ngọt theo nhiều phương thức khác nhau như nuôi nhốt trên cạn (không cần nước bơi lội), nuôi trong các khu vườn cây trái, cây công nghiệp hoặc cây rừng.

img

Vịt bắt đầu đẻ trứng từ 21 tuần tuổi (trọng lượng vịt đẻ lúc này khoảng 2,7 kg/con). Mỗi con vịt cho năng suất trứng từ 240 - 250 trứng/năm. Khối lượng trứng đạt 80 - 85 gam/trứng. Như vậy, năng suất trứng của vịt biển tuy thấp hơn so với các giống vịt chuyên lấy trứng (từ 280-285 trứng/năm) nhưng cao hơn so với các giống vịt chuyên lấy thịt (200-210 trứng/năm).

Thời gian qua, vịt biển đã được nuôi thử nghiệm trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa với tổng số 300 con. Đàn vịt thử nghiệm này đang sinh trưởng, phát triển tốt và sản xuất trứng bình thường.

img

Vịt biển 10 tuần tuổi đạt 2,7 kg/con, chất lượng thịt thơm ngon, rất ít mỡ. Trong khi vịt chuyên lấy thịt có khối lượng xuất bán lúc 7 tuần tuổi đạt 3,2kg nhưng tỷ lệ mỡ dưới da rất cao.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở ĐBSCL, nhiều địa phương cũng đã nuôi thử nghiệm thành công loại vịt biển trên và đang có xu hướng nhân rộng. “Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai nuôi thí điểm 2.800 con vịt biển. Theo đánh giá sơ bộ, loại vịt này phát triển tốt trên vùng nước mặn và có thể cho thu nhập khá, ổn định cho người dân” – ông Nguyễn Văn Tranh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau nói.

img

Theo Bộ NNPTNT, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu nhân đàn, bảo tồn đặc tính thích nghi nước mặn ven biển, đồng thời nâng cao năng suất trứng, thịt hơn nữa. Tuy nhiên, phải xem xét tăng đàn theo huy hoạch, không tăng ồ ạt, có xem xét đến nhu cầu thị trường.

Còn ông Lê Minh Khánh - Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang thì cho biết, tỉnh đã triển khai nuôi 1.000 con và cho kết quả khả quan. Nó có thể chịu được độ mặn đến 23 ‰ trong khi vịt thường độ mặn 4 ‰ đã không thể sống được”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem