Ngọc Huân
Thứ năm, ngày 22/08/2024 18:23 PM (GMT+7)
Ô nhiễm môi trường do khí thải từ phương tiện vận tải là nguyên nhân gây ra cái chết của cả ngàn người mỗi năm, trong khi đó, chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng sạch gặp nhiều thách thức.
Chiều 22/8, HĐND, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM và Trường Đại học Giao thông Vận tải (GTVT) đã phối hợp tổ chức "Hội thảo chính sách và giải pháp về GTVT cho phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM".
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, quy mô dân số hiện nay khoảng hơn 9,4 triệu người và gần 4 triệu người làm ăn sinh sống, mật độ dân số cao…Từ đó dẫn đến nhu cầu giao thông tại TP.HCM gia tăng nhanh chóng, gây áp lực lên hệ thống giao thông đô thị. Tỷ lệ sở hữu phương tiện cá nhân cao dẫn đến tốc độ di chuyển của dòng giao thông giảm, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.
Theo thống kê đến cuối năm 2023, TP hiện có 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào TP. Mỗi năm, TP.HCM phát thải khoảng 35 triệu tấn các bon, trong đó ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.
Trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, TP.HCM đã đưa ra mục tiêu đối với lĩnh vực GTVT là phải cắt giảm được 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm vào năm 2030…
Thạc sĩ Mai Hoài Đan – Đại học Tài chính – Marketing cho biết, TP.HCM đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Thực trạng ô nhiễm không khí ở TP.HCM đang là vấn đề đáng báo động. Chỉ số chất lượng không khí tại TP.HCM hiện đang ở mức trung bình. Nồng độ bụi mịn PM2.5 tại TP đều vượt ngưỡng cho phép, hiện cao gấp 4.2 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.
Thống kê cho thấy, hằng năm, TP.HCM có gần 1.400 người tử vong vì các chất gây ô nhiễm không khí. Trao đổi thêm bên lề hội thảo, thạc sĩ Mai Hoài Đan lý giải thêm, số liệu 1.400 người chết mỗi năm là dẫn lại số liệu của Sở Y tế…
Cũng theo thạc sĩ Mai Hoài Đan, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng không khí tại TP.HCM là tình trạng giao thông đông đúc. Số lượng xe máy và ô tô ngày càng tăng đã tạo ra lượng lớn khí thải, góp phần làm giảm chất lượng không khí.
Đặc biệt, việc phương tiện giao thông công cộng chưa được phát triển mạnh mẽ đã khiến người dân phụ thuộc nhiều vào xe cá nhân. Điều này không chỉ gây ra tình trạng ùn tắc giao thông mà còn làm tăng lượng khí thải, gây ô nhiễm không khí. Việc tìm giải pháp hiệu quả để kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm không khí từ giao thông là một nhiệm vụ cấp bách.
Thách thức chuyển đổi
Ông Võ Khắc Hưng – Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, thực hiện đề án giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, đối với TP không có việc cưỡng chế, thay vào đó TP phát triển hành khách công cộng, phương tiện cá nhân sẽ giảm. Về việc phát triển vận tải hành khách công cộng, TP hướng vào metro, xe buýt, xe buýt chất lượng cao.
Cũng theo ông Võ Khắc Hưng, thực hiện đề án kiểm soát khí thải là việc lớn, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội. Đề án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 chuyển đổi phương tiện giao thông sang phương tiện giao thông xanh. Riêng kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang năng lượng xanh, bao gồm phương tiện vận tải công cộng, taxi, xe máy và các các loại phương tiện khác, trong giai đoạn 1, chỉ làm đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt.
Đối với TP, từ năm 2024 đến năm 2030 là giai đoạn quá độ đối với xe xăng, diesel, CNG (xe dùng khí), sẽ dần dần loại xe xăng và CNG, từ năm 2030 trở đi chỉ sử dụng xe điện.
Ông Võ Khắc Hưng cũng thông tin sắp tới, TP sẽ có cơ chế chính sách, trong đó cốt lõi là hỗ trợ lãi suất và hạn mức cho vay, đầu tư trạm sạc... Trong vài ngày tới, Sở GTVT sẽ trình đề án chuyển xe buýt sang dùng xe xanh; đầu tư trạm sạc, trước mắt dùng nguồn lực trong ngành, đất đai trong bến xe xây dựng trụ sạc, đã có danh sách gần 100 trạm sạc đôi.
Ông Võ Khắc Hưng cũng thông tin, việc xây dựng trụ sạc theo quy định mới thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ nên thuận lợi hơn nhiều so với trước đây.
Đại diện Công ty EVone – doanh nghiệp đang triển khai hệ thống trạm sạc trên phạm vi toàn quốc đã kiến nghị cần hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy đầu tư xây dựng các trạm sạc điện cho xe điện; ban hành tiêu chuẩn trạm sạc, phòng cháy chữa cháy, kết nối lưới điện, tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc.
Đại diên Công ty EVone cũng kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tài chính, cơ chế ưu đãi về tiền thuê đất, miễn giảm thuế phí, ưu tiên cung cấp nguồn điện cho doanh nghiệp xây dựng trạm sạc nhằm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi xanh.
Nhiều rào cản đối với xe điện
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái – Trường Đại học GTVT trong tham luận "các yếu tố ảnh hưởng đến ý định mua xe điện của người tiêu dùng cá nhân tại các đô thị Việt Nam" đã chỉ ra một số hạn chế của xe điện dẫn đến xe điện vẫn chưa phải là ưu tiên chọn lựa của người tiêu dùng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái, một trong những rào cản quan trọng là khả năng di chuyển xa của xe điện. Hiện nay, phần lớn các xe điện có giới hạn về quãng đường hoạt động, và việc tìm trạm sạc có thể gặp khó khăn. Điều này làm cho việc sử dụng xe điện cho các hành trình dài trở nên không thuận tiện.
Hiện nay, thời gian sạc đầy của xe điện có thể mất đến vài giờ, ngay cả khi sử dụng trạm sạc siêu nhanh. Điều này có thể gây phiền toái cho người dùng và làm giảm hiệu quả sử dụng xe điện.
Cũng theo ông Thái, việc sạc điện nhanh và liên tục có thể làm giảm tuổi thọ của pin xe điện, tạo nên chi phí bảo trì cao hơn trong dài hạn.
Một cản ngại khác, người dân Việt Nam thường mong muốn xe điện có khả năng đa dụng, tức là có thể sử dụng trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm cả di chuyển trong TP và đi xa. Điều này đặt ra thách thức cho nhà sản xuất để đáp ứng các yêu cầu đa dạng của thị trường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.