Thiếu tướng Phan Văn Xoàn (thứ hai từ phải sang) trong một lần gặp gỡ các cán bộ cảnh vệ.
Mấy hôm nay một số cán bộ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cùng gia đình vẫn thường xuyên túc trực bên giường bệnh Thiếu tướng Phan Văn Xoàn trong lúc lâm nguy. Xong khi nghe tin Thiếu tướng Phan Văn Xoàn qua đời từ đồng chí Tư lệnh Cảnh vệ đến những người chiến sỹ mới vào lực lương Cảnh vệ đều xúc động vì sự ra đi của ông. Bởi ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, là Tư lệnh đầu tiên của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và là người cận vệ gần gũi của Bác Hồ…
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn sinh năm 1924 tại xã Tân Hưng, huyện Cà mau, tỉnh Minh Hải trong một gia đình nông dân nghèo, nơi có truyền thống cách mạng và giàu lòng yêu nước, là con thứ ba trong gia đình có bốn chị em, ngay từ khi còn nhỏ đồng chí đã cùng bố, mẹ gánh vác công việc gia đình và xã hội.
Tháng 6.1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia nhiều hoạt động trong đó có nhiệm vụ rải truyền đơn và tổ chức quần chúng làm cách mạng. Tháng 3/1945, đồng chí bắt liên lạc với Đảng và sinh hoạt tại Chi bộ Thạnh Phú, vận động quần chúng tham gia cướp chính quyền tại xã Tân Hưng, huyện Cà Mau. Năm 1951, ông tham gia đoàn cán bộ miền Nam được triệu tập ra căn cứ Việt Bắc để chuẩn bị đi học ở nước ngoài.
Lễ truy điệu thiếu tướng Phan Văn Xoàn được tổ chức lúc 13g30 ngày 2-5, sau đó linh cữu thiếu tướng Phan Văn Xoàn sẽ được hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa. |
Đến chiến khu Việt Bắc, ông được gặp Bác Hồ và nhận chỉ thị sang Trung Quốc học, sau khi tốt nghiệp Khóa chính trị ở Trung Quốc về, ông vinh dự được điều động về công tác tại Cục Cảnh vệ - đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước giao trọng trách bảo vệ Bác Hồ, bảo vệ Trung ương, Chính phủ. Trong thời gian công tác tại đây ông có rất nhiều lần được bảo vệ Bác đi công tác.
Về kỷ niệm với Bác Hồ, ông nhớ như in lần được bảo vệ Bác đi chợ trong dịp Tết. Ông kể lại: “Những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, nền kinh tế miền Bắc nước ta có những chuyển biến mạnh mẽ và đáng tự hào. Những năm đó, Bác Hồ và những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước liên tục đi thăm và làm việc tại các tỉnh miền Bắc. Đặc biệt, nhân dịp Tết cổ truyền năm Quý Mão, Bác Hồ đã đề nghị Bộ Chính trị và chỉ thị lãnh đạo Bộ Công an bố trí Bác đi thăm chợ Đồng Xuân - một trung tâm buôn bán sầm uất nhất Hà Nội”.
Thể theo nguyện vọng của Người, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu lãnh đạo Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) nhanh chóng xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối Bác Hồ đi thăm chợ tết tại khu vực Đồng Xuân. Lãnh đạo Cục Cảnh vệ đã triệu tập chỉ huy các đơn vị để bàn bạc xây dựng kế hoạch, phương án sát hợp và khả thi nhất. Thực tiễn công tác bảo vệ Bác Hồ cho thấy bất kỳ ở đâu, Người đều có sức hút kỳ lạ đối với các tầng lớp nhân dân. Do vậy, đi thăm chợ Đồng Xuân trong ngày tết, người đông như mắc cửi nếu nhận ra Bác Hồ thì bà con kéo đến vây quanh Bác đông biết nhường nào, gây khó khăn và hậu quả khôn lường.
Ngày đó bảo vệ tiếp cận Bác Hồ là đồng chí Phạm Lê Ninh (sau này đồng chí Phạm Lê Ninh là Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ) và đồng chí Phạm Đỉnh - cán bộ Phòng Bảo vệ I - Cục Cảnh vệ. Hai đồng chí đang chọn, thử bộ quần áo mặc cho vừa thì một đồng chí lãnh đạo Cục đưa ra ý kiến, đồng chí Phạm Lê Ninh không đi bảo vệ Bác lần này được. Vì nhà riêng của đồng chí Phạm Lê Ninh ở phố Hàng Khoai, gần chợ Đồng Xuân, rất nhiều người biết đồng chí là cán bộ chuyên đi bảo vệ Bác Hồ. Nếu thấy đồng chí Phạm Lê Ninh thì bà con có thể nhận ra Bác. Do vậy lãnh đạo cử đồng chí Phan Văn Xoàn, Phó Cục trưởng đi bảo vệ tiếp cận Bác và chỉ đạo công tác bảo vệ Người đi chợ tết. Về kỷ niệm này Thiếu tướng Phan Văn Xoàn kể lại:
Lần bảo vệ đó chúng tôi bàn đi tính lại, phương án hoá trang đóng giả đoàn của Sở Y tế đi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm chợ Đồng Xuân cũng không khả thi. Vì bà con buôn bán khu vực chợ Đồng Xuân chẳng lạ gì mấy cán bộ ở Sở Y tế Hà Nội hay đi kiểm tra. Thấy người lạ đi kiểm tra, bà con nghi ngờ ngay.
Trăn trở, tính toán mãi, lãnh đạo Cục đã đưa ra một phương án tối ưu. Đó là phương án bảo vệ Bác hoàn toàn bí mật, lấy yếu tố bất ngờ để giành thắng lợi trong tình thế khó khăn. Phương án này được lãnh đạo Bộ Công an đồng ý. Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn lên báo cáo Bác, được Bác khen ngợi.
Kế hoạch bảo vệ Bác Hồ đi thăm chợ tết Đồng Xuân được triển khai hết sức chặt chẽ và bí mật. Ngày 24.1.1963 (đúng 30 Tết năm Quý Mão), tôi và đồng chí Phạm Đỉnh được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ tiếp cận Bác. Sáng sớm hôm đó, cái lạnh của những ngày cuối đông như cắt da cắt thịt, ngoài trời mưa lất phất, hai yếu tố đó càng làm thuận lợi cho công tác hoá trang của Bác và hai chúng tôi. Lần đó, Bác hoá trang thành một cụ già. Người đội chiếc mũ cát đã cũ, đeo kính lão, mặc bộ quần áo nâu đã bạc màu và chiếc áo bông giữ ấm; bên ngoài khoác chiếc áo mưa bằng vải bạt; cổ quàng khăn len quấn mấy vòng che kín bộ râu; chân đi đôi dép cao su. Bác tự hoá trang rất khéo. Nhìn Bác khi hoá trang, chúng tôi rất xúc động. Là vị Chủ tịch nước, thế mà Người hoá thân thành người dân lao động giống đến từng chi tiết, không ai phát hiện ra.
Ba Bác cháu đi chợ được hoá trang bằng mối quan hệ gia đình. Bác là bố, tôi là con và đồng chí Phạm Đỉnh là cháu. Người cháu theo ông đi chợ tết xách chiếc làn đựng mấy túm hành hoa, mấy củ cà rốt và ít rau thơm. Bố con, ông cháu đi chợ tết rất vui và tự nhiên. Ôtô đưa Bác theo đường Phan Đình Phùng đến phố Hàng Đậu. Sau đó, ba “ông cháu” xuống đi bộ theo đường Nguyễn Thiệp rồi rẽ vào phố Hàng Khoai. Đến cổng phía sau chợ Đồng Xuân, bỗng Bác dừng lại ngắm nhìn cảnh nhộn nhịp ở chợ Bắc Qua rồi đi thẳng vào chợ. Tôi hơi lo, vì trong kế hoạch không đi chợ Bắc Qua. Nên tôi vội mời Bác: “Thưa bố! Đi đường này cơ mà”. Vừa nói tôi vừa giơ tay chỉ về phía chợ Đồng Xuân. Bác mỉm cười cầm tay tôi khẽ nói: “Bố con mình vào đây thăm đã”!
Thăm xong chợ Bắc Qua, Người sang chợ Đồng Xuân, Bác quan sát rất kỹ, tìm hiểu thái độ, mối quan hệ giữa người mua với người bán và giá cả từng mặt hàng. Người mua sắm hàng tết đông như mắc cửi, vài người sơ ý va vào Bác, họ quay lại lễ độ xin lỗi. Bác gật và cười độ lượng. Thăm chợ Đồng Xuân xong, Bác đi tham quan chợ hoa ở gần đó. Quang cảnh chợ hoa ngày tết tấp nập và đủ loại hoa muôn màu sắc rực rỡ. Đến hàng bán hoa huệ, Bác ngồi xuống chọn một bó huệ và hỏi chị bán hoa: “Bó huệ này bao nhiêu tiền?”. “Dạ thưa cụ! 5 hào một bó ạ”.
Tôi lo bị lộ nên trả luôn 2 hào. Rẻ quá chị hàng hoa không bán, tôi nhanh chóng mời Bác đi. Hiểu ý tôi là vì trách nhiệm bảo vệ, nên Người đứng dậy đi và nói nhỏ để tôi đủ nghe: “Trả giá như chú thì đi chợ cả ngày cũng chẳng mua được gì”! Thấy Bác không vui, tôi cũng buồn nhưng không hiểu tại sao. Sau này, tôi nghĩ ra thì đã muộn. Bác rất thích hoa huệ, thế mà tôi thì thật vô tâm.
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, sinh năm 1924 tại Cà Mau; nguyên Tư lệnh - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an đã từ trần hồi 23h24 ngày 29.4.2014 (tức ngày 1.4 năm Giáp Ngọ).
Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và gia đình thương tiếc báo tin:
Đồng chí Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, sinh năm 1924 tại Cà Mau; nguyên Tư lệnh - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an đã từ trần hồi 23h24 ngày 29.4.2014 (tức ngày 1.4 năm Giáp Ngọ) tại nhà riêng. Di ảnh đồng chí Thiếu tướng Phan Văn Xoàn. Đồng chí được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng; Huân chương Quân công; Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc; Huy chương Kháng chiến Nam Bộ; Huy chương Vì ANTQ; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ”; Huy hiệu 40 năm, 50 năm, 60 năm và 70 năm tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Lễ viếng từ 12h ngày 30.4 (tức ngày 2/4 năm Giáp Ngọ) đến 13h30 ngày 2.5 (tức ngày 4.4 năm Giáp Ngọ) tại Nhà tang lễ thành phố 25 Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Lễ truy điệu được tổ chức vào hồi 13h30 ngày 2.5, hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ, đường Tân Kỳ - Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. |
CAND (Theo CAND)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.