Đĩa đơn mới nhất của G-Dragon, "Home Sweet Home", có sự góp mặt của hai thành viên Big Bang là Taeyang và Daesung, đã bị đài truyền hình KBS của Hàn Quốc cho là không phù hợp để phát sóng.
Theo Korea Times, quyết định này làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu các tiêu chí mà đài truyền hình này sử dụng để đánh giá các sản phẩm âm nhạc có còn phù hợp trong bối cảnh truyền thông ngày nay hay không.
KBS cho biết, bài hát đã vi phạm Điều 46 của Quy định kiểm duyệt phát sóng, khi lời bài hát đề cập đến các thương hiệu, sản phẩm cụ thể, có thể bị coi là quảng cáo.
Nghệ sĩ nếu muốn bài hát của mình được phát sóng thì phải sửa đổi hoặc loại bỏ phần bị đánh giá là vi phạm.
Khi bài hát không đủ điều kiện phát sóng thì nó sẽ không thể xuất hiện trên các nền tảng của KBS, bao gồm các chương trình truyền hình, phát thanh và chương trình âm nhạc hàng tuần như Music Bank.
Không riêng G-Dragon, gần đây, rất nhiều bài hát của các nghệ sĩ Kpop khác cũng bị KBS "cấm sóng".
"Mantra" củaJennie(Blackpink), "Clik Clak" của nhóm Baby Monster, "Unconditional" của Jaehyun (NCT) đều không thông qua kiểm duyệt của KBS vì nhắc đến các thương hiệu cụ thể.
KBS cũng đã cấm các bài hát có lời bài hát chứa từ ngữ quá khiêu khích, tục tĩu như "Wife" của nhóm (G)I-DLE.
Trước đó, ca khúc solo năm 2023 "Face-off" của thành viên Jimin nhóm BTS bị chỉ định là không phù hợp vì ngôn từ tục tĩu. RM cũng có 9/11 ca khúc trong album solo "Right Place, Wrong Person" phải chịu phán quyết tương tự vì sử dụng từ chửi thề, tiếng lóng hoặc ngôn ngữ thô tục.
Theo Korea Times, KBS tiến hành đánh giá nội bộ dựa trên Quy định về thảo luận phát sóng do Ủy ban tiêu chuẩn truyền thông Hàn Quốc đưa ra.
Các tiêu chuẩn này bao gồm 15 tiêu chí chỉ dành cho lời bài hát, bao gồm các vấn đề như bóp méo sự thật lịch sử, phá hoại trật tự xã hội và thúc đẩy các giá trị phản xã hội hoặc không lành mạnh.
Trong một tuyên bố, KBS cho biết, các hướng dẫn của họ tôn trọng "sự đa dạng văn hóa và quyền tự do sáng tạo" trong khi vẫn duy trì "sự công bằng và nhất quán trong các cuộc thảo luận".
Ngoài ra, thành viên của ủy ban đánh giá sẽ xem xét các yếu tố như thể loại và chất lượng sản xuất mà không đưa ra diễn giải chủ quan về lời bài hát.
Tuy nhiên, các nhà phê bình từ lâu đã đặt câu hỏi, liệu những tiêu chuẩn đánh giá hiện tại của đài truyền hình Hàn Quốc có còn phù hợp trong thời đại phát trực tuyến hay không, khi khán giả ngày càng tiêu thụ âm nhạc bên ngoài các nền tảng truyền thống.
Tính minh bạch trong quá trình đánh giá cũng là một vấn đề dai dẳng khi 3 đài truyền hình lớn của Hàn Quốc - KBS, MBC và SBS - áp dụng các tiêu chí khác nhau và thường không nhất quán.
Những lời chỉ trích như vậy đã xuất hiện ít nhất từ năm 2011. Các nhà lập pháp trong quá trình kiểm toán của Quốc hội Hàn Quốc đã nêu quan điểm rằng, những quy định kiểm duyệt phát sóng này "kiềm chế quyền tự do sáng tạo và cản trở quyền tự do ngôn luận". Họ kêu gọi phải có "hướng dẫn cụ thể" để đảm bảo tính công bằng và nhất quán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.