Việc tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả vẫn nặng thủ tục hành chính
Việc tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả vẫn nặng thủ tục hành chính
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 09/05/2023 16:51 PM (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận xét như trên tại Hội nghị tổng kết 5 lần tổ chức tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" giai đoạn 2014 – 2022, diễn ra ngày 9/5.
Sau gần 10 năm thực hiện và 5 lần tổ chức, phong trào "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" của TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu lớn, trong đó, tạo sự lan tỏa tình nhân văn, nghĩa cử cao đẹp từ những con người bình dị đến cộng đồng.
Đã có 578 tấm gương tiêu biểu được tuyên dương, trong đó có 130 tập thể, 443 cá nhân đã có những đóng góp thầm lặng trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội ở nhiều thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, việc tổ chức thực hiện của địa phương còn mang nặng thủ tục hành chính; cách thức khen thưởng, sự quan tâm của chính quyền đối với những tấm gương điển hình còn hạn chế. Trước bối cảnh đó, TP.HCM đứng trước yêu cầu thay đổi mạnh mẽ việc tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" trong thời gian tới.
"Thực tế còn nhiều lĩnh vực khác còn chưa được ghi nhận, phát huy đầy đủ. Chúng ta cần cách thức và tiêu chí cụ thể để tìm kiếm những tấm gương thầm lặng trong cả các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, đào tạo, y tế, sản xuất, chiến đấu, học tập...", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phân tích.
Ông Hoan cũng nhìn nhận, trong việc khen thưởng định kỳ, thành phố cần thêm những hình thức khen thưởng cấp cao, khen thưởng đột xuất và những hình thức khác như các loại huy hiệu ghi nhận của TP.HCM.
Ông Võ Văn Hoan đặt vấn đề, việc tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" cần khác với các phong trào đã và đang tổ chức. "Cách đây 10 năm, chúng ta thống nhất rằng trong cuộc sống có rất nhiều người đáng tuyên dương nhưng không ai tuyên dương và không ai biết để tuyên dương. Cần làm rõ nguồn gốc của phong trào tôn vinh "những tấm gương thầm lặng mà cao cả" là như vậy", ông Hoan nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong cuộc sống có những người rất đáng được tuyên dương nhưng không ai tuyên dương; những người đã tuyên dương rồi họ đi đâu về đâu? Làm sao để lan toả những tấm gương này cho toàn xã hội?...
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, việc tổng kết chương trình tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" giúp một thành phố được mang "thương hiệu thành phố nghĩa tình" nhìn lại những mặt làm được và chưa được trong công tác tổ chức để từ đó định hướng cho những lần sau được bài bản, chặt chẽ, tốt hơn.
Theo ông Phan Văn Mãi, việc tuyên dương cần theo hướng tập trung phát hiện, giới thiệu những người có nghĩa cử cao đẹp, việc làm tử tế thầm lặng không phải tự kê khai thành tích để báo cáo. Đồng thời, các thủ tục bình chọn đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn, có cơ chế khen thưởng người phát hiện, làm hồ sơ… cần tiếp tục đổi mới nhiều mặt về phương thức tổ chức, lựa chọn, giới thiệu và tuyên dương để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
"Những người có tình cảm, có tâm nguyện, đem sức mình để giúp người khác, giúp cộng đồng với mong muốn cộng đồng có cuộc sống tốt hơn và việc làm đó được thể hiện trên thực tế, kiểm nghiệm có kết quả thì sẽ công nhận và tuyên dương", ông Mãi nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng địa phương chỉ dừng lại ở việc tuyên dương là xong. Do đó, thành phố cần thành lập câu lạc bộ "những tấm gương thầm lặng mà có lòng nhân ái" trong thời gian tới.
Ngoài ra, TP.HCM cần xây dựng cơ sở dữ liệu của những người được tuyên dương. Qua đó, người dân, các tổ chức, cá nhân sẽ phản ánh những hành động thầm lặng, cao cả để các cơ quan có thẩm quyền xác minh. Đồng thời, thành phố cũng cần đồng hành với các hoạt động của những tấm gương này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.