Hồ thủy điện Mingachevir có sức chứa tối đa lên tới 15 tỷ m3.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Armenia, trung tướng Vagarshak Harutyunyan cảnh báo lực lượng tên lửa Armenia đủ sức phá hủy mọi mục tiêu quan trọng của Azerbaijan, bao gồm đập thủy điện Mingachevir.
Kênh truyền thông Armenia trích dẫn cuộc phỏng vấn, có đăng ảnh những căn nhà bị lũ lụt nhấn chìm, với dòng chú thích: “Đây là cảnh tượng ở thủ đô Baku của Azerbaijan, 3 ngày sau khi đập thủy điện Mingachevir bị trúng tên lửa của Armenia. Sẽ không còn ai sống sót”.
“Chúng tôi có các hệ thống tên lửa, kể cả Iskander, tên lửa đạn đạo Scud, hoàn toàn đủ sức tấn công các mục tiêu ở Azerbaijan”, trung tướng Harutyunyan nói.
Ông Harutyunyan dẫn lời cựu tướng Nga Lev Rokhlin: “Nếu Armenia sử dụng tên lửa Scud tấn công đập thủy điện Mingachevir, hai phần ba diện tích Azerbaijan sẽ chìm trong biển nước”.
Armenia là quốc gia nhỏ bé ở vùng Caucasus, có mối quan hệ mật thiết với Nga. Theo các nhà phân tích, sức mạnh quân sự của Armenia thực chất nằm ở căn cứ quân sự Nga đặt tại quốc gia này, bao gồm chiến đấu cơ MiG-29, tên lửa phòng không S-300 và cả tên lửa đạn đạo Iskander.
Đập thủy điện mang ý nghĩa chiến lược
Mingachevir là đập thủy điện lớn nhất ở Azerbaijan với công suất phát điện lên tới 402 MW. Hồ thủy điện Mingachevir nằm trên sông Kur, có khả năng tích trữ tới 15 tỷ m3 nước.
Đập thủy điện Mingachevir cùng nhà máy nhiệt điện Mingachevir đáp ứng hơn 50% nhu cầu điện năng ở Azerbaijan.
Tháng 7.2018, Azerbaijan từng trải qua nhiều ngày mất điện trên toàn quốc do nhà máy nhiệt điện Mingachevir gặp sự cố. AzerEnergy, đơn vị vận hành nhà máy, đổ lỗi cho nhiệt độ tăng cao, gây nên tình trạng quá tải.
Một khi đập thủy điện Mingachevir bị phá hủy, thủ đô Baku của Azerbaijan bị nhấn chìm trong biển nước. Ảnh minh họa.
“Sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khó có thể tránh được, nhưng tại sao mạng lưới điện toàn quốc bị tê liệt. Cả quốc gia chìm trong bóng tối? Tại sao thủ đô Baku cũng bị mất điện sau sự cố ở Mingachevir?”, Tổng thống Azerbaijan, Ilham Aliyev nói.
Mingachevir nằm rất gần nước cộng hòa tự trị Artsakh ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh. Azerbaijan luôn lo ngại về khả năng Armenia bí mật đưa quân vào nước cộng hòa tự trị Artsakh, giáng đòn tấn công bất ngờ nhằm vào đập thủy điện chiến lược.
Năm 2014, Azerbaijan từng huy động 4.000 binh sĩ cùng các tổ hợp tên lửa phòng không đến bảo vệ đập thủy điện.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan khi đó ra tuyên bố: “Người Armenia nên biết rằng bất cứ âm mưu phá hoại nào nhằm vào nhà máy thủy điện Mingachevir sẽ khiến phía Armenia hứng chịu những điều tồi tệ nhất”. Bộ Quốc phòng Azerbaijan về khả năng “hủy diệt thủ đô Yerevan của Armenia”.
Tháng 4.2016, phát ngôn viên nước Cộng hòa Artsakh, Davit Babayan tuyên bố về mối lo ngại của Azerbaijan với đập thủy điện Mingachevir. “Chiến tranh luôn có luật riêng. Một khi xung đột quân sự xảy ra, không thể dự đoán trước bất cứ điều gì”.
Nói cách khác, Armenia dựa vào mối quan hệ thân cận với nước cộng hòa tự trị Artsakh, có thể giáng đòn bất ngờ vào nhà máy nhiệt điện Mingachevir, khiến Azerbaijan chìm trong bóng tối và quân đội đối phương tê liệt.
Cuối cùng, đòn tấn công quyết định phá hủy đập thủy điện Mingachevir sẽ giải phóng 15 tỷ m3 nước đổ dồn về hạ lưu, với những hệ quả sâu rộng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu con đập bị phá hủy, đợt sóng thần cao tới 80 mét sẽ tràn xuống một cách không gì có thể cản nổi, nhấn chìm mọi thành phố, làng mạc ở miền trung Azerbaijan, bao gồm cả thủ đô Baku.
Đòn tấn công tên lửa đạn đạo
Trong bài xã luận trên tờ Turan của Azerbaijan, tác giả Kamal Ali nhận định, Armenia hiểu rằng quân đội nước này không đủ khả năng đối phó với Azerbaijan. Vậy nên đập thủy điện Mingachevir – một công trình dân sự, được coi là mục tiêu hoàn hảo.
Năm 2014, Seyran Ohanyan, Bộ trưởng Quốc phòng Armenia, từng tuyên bố: “Azerbaijan luôn lo sợ về nguy cơ Armenia tấn công đập thủy điện Mingachevir”.
Năm 2017, tờ Golos Armenii của Armenia đăng bài mô tả kế hoạch tấn công đập thủy điện Mingachevir bằng tên lửa đạn đạo.
Kể từ cuộc xung đột năm 2016, Armenia đã trang bị nhiều khí tài quân sự hiện đại đối phó Azerbaijan.
Theo tác giả Kamal Ali, đập Mingachevir được xây dựng từ năm 1945-1954 dưới thời Liên Xô. Sau 9 năm, hồ thủy điện của đập đã tích tới 15 tỉ m3 nước.
Khối lượng nước khổng lồ này được giữ lại bởi lớp bê tông bên trong thân đập dày tới 80cm, kết hợp với nhiều lớp chống thấm.
Công trình được xây dựng sau khi Thế chiến 2 kết thúc. Các kỹ sư Liên Xô khi đó đã phải tính toán đến khả năng con đập chịu được đòn tấn công từ máy bay ném bom và tên lửa.
Theo tác giả Kamal Ali, nhìn từ trên cao, đập Mingachevir như một ngọn núi, dài 1,5km và cao 80 mét. Các kỹ sư Azerbaijan ước tính cần tới hàng trăm tấn thuốc nổ TNT mới có thể xuyên thủng được đập.
Nhưng Armenia không sở hữu các máy bay ném bom mang theo tới hàng trăm tấn thuốc nổ. Một giải pháp khác là sử dụng tên lửa đạn đạo.
Armenia thừa hưởng nhiều di sản vũ khí từ thời Liên Xô, bao gồm tên lửa đạn đạo Scub-B. Mẫu tên lửa đạn đạo này có tầm bắn 300km, mang theo từ 500-950kg thuốc nổ, đủ để tạo ra hố sâu tới 5 mét.
Armenia là quốc gia được Nga ưu ái bán cho các tổ hợp tên lửa đạn đạo Iskander.
Tác giả Kamal Ali cho rằng, Armenia sẽ phải phóng hàng loạt tên lửa Scud với hi vọng xuyên thủng đập thủy điện. Nếu đối phương chỉ phóng 1-2 tên lửa, đập Mingachevir có thể chỉ bị gián đoạn hoạt động.
Các tên lửa Scub-B được chế tạo từ cách đây gần 60 năm, được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng. Các kỹ sư Liên Xô chế tạo tên lửa này để trang bị đầu đạn hạt nhân, giúp bù đắp độ chính xác thấp.
Nhưng một khi thay thế đầu đạn hạt nhân bằng đầu đạn thông thường, các tên lửa Scud sẽ trở thành vũ khí vô hại.
Trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq năm 1988, hai bên đã phóng hơn 450 tên lửa Scud, nhưng thiệt hại ghi nhận là không đáng kể. Hồi đầu năm 2020, Iran từng phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo Scud vào căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq và cũng chỉ gây ra thiệt hại tối thiểu.
Tác giả Kamal Ali kết luận, nếu Armenia phóng toàn bộ tên lửa đạn đạo Scud nhằm vào đập Mingachevir, không có gì đảm bảo rằng các tên lửa này sẽ đánh trúng mục tiêu để gây ra thảm họa.
Năm 2016, Armenia từng tuyên bố sở hữu các tổ hợp tên lửa đan đạo tầm ngắn Iskander của Nga với độ chính xác cao gấp nhiều lần tên lửa Scud. Nhưng giới phân tích cho rằng, Armenia sẽ không thể tùy ý sử dụng mẫu tên lửa uy lực này để tấn công mục tiêu ở Azerbaijan, nếu không được Nga cho phép.
________________________
Vì sao quốc gia chỉ có vỏn vẹn 3 triệu dân như Armenia lại sở hữu nhà máy điện hạt nhân? Chuyện gì có thể xảy ra nếu nhà máy điện hạt nhân này trở thành mục tiêu tấn công? Bài dài kỳ tới sẽ giải đáp những thắc mắc này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.