Tổng thống Nga Putin không thể yên tâm trước viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO, theo chuyên gia (ảnh: LA Times)
“Theo giới nghiên cứu lịch sử, sự kiểm soát của Nga đối với Ukraine đã chấm dứt sau khi Liên Xô tan rã, nhưng với Tổng thống Putin thì có lẽ chưa”, Mary Sarotte – nhà sử học tại Đại học Harvard – nhận xét.
Mới đây, Nga gửi cho Mỹ một danh sách bao gồm các yêu cầu của nước này nhằm chấm dứt căng thẳng biên giới với Ukraine. Điểm quan trọng nhất là NATO phải cam kết sẽ không bao giờ để Ukraine gia nhập. Mỹ và NATO hiện vẫn giữ im lặng trước lời đề nghị này.
Theo bà Mary Sarotte, việc Tổng thống Nga e ngại về viễn cảnh Ukraine trở thành thành viên của NATO – liên minh quân sự lớn nhất thế giới – không có gì đáng ngạc nhiên.
30 năm trước, Nga có một vùng đệm quân sự với NATO bao gồm nhiều quốc gia ở Đông Âu. Nhưng hiện tại, Nga chỉ còn lại đồng minh là Belarus.
Sườn phía tây của Nga là mặt trận phía đông của NATO. Cố vấn quân sự Mỹ - Anh đang có mặt ở Ukraine. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt tại Ba Lan và Romania. NATO thường xuyên tổ chức tập trận ở Estonia, Latvia và Litva – những nước từng thuộc Liên Xô. Tất cả những điều này khiến ông Putin không thể “ngon giấc”.
Nếu Ukraine gia nhập NATO, đây sẽ là đòn giáng nặng đối với an ninh của Nga, nhà sử học Mary Sarotte nhận xét.
Việc ngăn chặn khả năng Ukraine là thành viên của NATO sẽ là di sản "để đời" của ông Putin (ảnh: Daily Mail)
Theo bà Mary Sarotte, bằng việc “chơi bài ngửa” với yêu sách không để Ukraine gia nhập, Nga đang đẩy NATO vào thế khó. NATO không muốn Ukraine trở thành thành viên, nhưng cũng không muốn “mang tiếng” là e sợ trước sức ép từ Moscow.
Fiona Hill – cựu quan chức thuộc Hội đồng Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Trump – cho rằng, ông Putin không phải “kiểu hàng xóm thân thiện”.
“Ukraine không đủ sức để trở thành mối đe dọa với Nga, nhưng NATO thì có. Việc loại bỏ nguy cơ nước này gia nhập NATO sẽ là di sản lớn của ông Putin”, bà Fiona Hill nói.
Tuy nhiên, theo bà Fiona Hill, khi cố gắng ngăn cản và gây sức ép để Ukraine không gia nhập NATO, Nga cũng phải chấp nhận rủi ro rằng điều này có thể khiến 30 thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây Dương trở nên gắn kết hơn.
Mặc dù không sẵn sàng gây chiến với Nga để bảo vệ Ukraine, NATO cũng không dễ “lùi bước” trước khi giáng cho Moscow một vài đòn trừng phạt kinh tế. Trong khi có nhiều tiếng nói ở Mỹ cho rằng nên loại Nga khỏi hệ thống thanh toán điện tử SWIFT, Đức cảnh báo có thể dừng dự án Nord Stream 2, khiến Moscow thiệt hại hàng tỷ USD nếu tiếp tục “gây hấn” với Ukraine.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.