Viện phí chờ “té nước theo mưa”

Thứ tư, ngày 28/07/2010 05:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu được tăng một phần viện phí thì ngoài mức tăng chung, phòng khám điều trị theo yêu cầu của nhiều bệnh viện có thể sẽ tăng giá dịch vụ kỹ thuật.
Bình luận 0
img
Người dân lo các cơ sở y tế tăng giá viện phí đồng loạt.

Hiện nay, Dự thảo điều chỉnh viện phí mới đang ở giai đoạn lấy ý kiến các bộ, ngành. Thế nhưng, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh cả nước, trong đó có các phòng khám, bệnh viện tư nhân đang nóng lòng chờ đợi kết quả để điều chỉnh phí khám chữa bệnh.

Khám theo yêu cầu cũng điều chỉnh

Ông Đinh Mạnh Huy – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt-Đức (Hà Nội) cho hay: “Nhiều bệnh viện tư nhân, chất lượng khám chữa bệnh không thể bằng bệnh viện ngoại khoa hàng đầu của Việt Nam nhưng giá khám của họ cũng đã 50.000-150.000 đồng/lượt người từ nhiều năm nay”.

Vì vậy, bệnh viện này đang nóng lòng chờ Dự thảo trên được thông qua. Ông Huy cũng nói thêm, nếu được tăng một phần viện phí thì ngoài mức tăng chung, Phòng khám điều trị theo yêu cầu của bệnh viện sẽ tính phương án tăng giá dịch vụ kỹ thuật.

Hiện các bệnh viện lớn như Phụ sản T.Ư, Bạch Mai, Nhi T.Ư… đều có khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, giá dịch vụ đã tăng “chạm” gần đến giá khám chữa bệnh của các bệnh viện tư nhân- nơi tiền viện phí được tính đúng, tính đủ 100%. Dẫu vậy, người dân chấp nhận sử dụng các dịch vụ này bởi nó nhanh chóng, thuận lợi, không phải chịu cảnh đôn đáo tìm người quen bác sĩ để nhờ vả.

Tại khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Nhi T.Ư cũng tương tự, giá dịch vụ của khoa này đã tiệm cận với Bệnh viện Việt-Pháp. Vì vậy, theo nhận xét của nhiều bác sĩ, việc Bộ Y tế đề xuất tăng một phần viện phí để hợp thức hoá thực tiễn. Và nếu tất cả cùng tăng thì giá viện phí ở khu vực khám theo yêu cầu sẽ ở mức rất cao.

Bệnh viện tư “nghe ngóng”

Cả nước hiện có trên 30.000 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, khoảng 70 bệnh viện tư, hơn 300 phòng khám đa khoa và gần 90 nhà hộ sinh.

Các bệnh viện tư hiện cũng rục rịch nghe ngóng để điều chỉnh viện phí. Bác sĩ Vũ Hoàng Nguyên – Giám đốc điều hành Bệnh viện Đa khoa tư nhân Trí Đức cho hay, giá viện phí của bệnh viện được áp dụng dựa trên cơ sở tham khảo tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân ra đời trước với tiêu chí đủ cân đối thu-chi.

Ví dụ như tiền khám bệnh là 50.000 đồng/lượt khám (cao hơn 70% so với đề xuất tăng của Bộ Y tế). Hiện nay, bệnh viện không bị tác động của việc tăng viện phí khối bệnh viện, cơ sở y tế công. Nếu viện phí tại bệnh viện công có giá tiệm cận với y tế tư nhân thì bệnh viện cũng sẽ xem xét điều chỉnh… tăng tiếp.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa tư nhân Tràng An cũng cho hay, hiện phòng khám, bệnh viện tư nhân, giá các dịch vụ đã tính đủ 100% để cân đối thu chi. Tuy nhiên, giá dịch vụ tại đây cũng chịu ảnh hưởng một phần do giá trần Bộ Y tế quy định, vì vậy khi dịch vụ khối công điều chỉnh thì bệnh viện tư nhân cũng phải xem xét. Bởi vì lúc ấy, nhiều giáo sư, bác sĩ sẽ không “chạy” ra ngoài làm vì họ được đãi ngộ tốt tại các cơ sở nhà nước. Vì vậy, bệnh viện tư nhân sẽ tăng viện phí để thu hút nhân lực về phía mình. Có thể viện phí tăng ấy người bệnh sẽ phải chi trả! Vì thế, cơ quản quản lý nhà nước cũng cần xem xét giá viện phí khu vực chữa bệnh theo yêu cầu và cơ sở y tế tư nhân để tránh tình trạng “tát nước theo mưa”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem