Không thể tăng chất lượng bằng con số
Theo ông Lương Ngọc Khuê, viện phí vừa được điều chỉnh chỉ mới tính 3/7 cấu phần giá viện phí, sắp tới, giá này sẽ được tính thêm 4 yếu tố còn lại. Đây không phải là lần đầu Bộ Y tế “nhăm nhe” về việc tiếp tục điều chỉnh viện phí, mà đã nói khá nhiều. Nhưng điều mà người dân cả nước quan tâm, là sau đợt điều chỉnh lần 1 thì dịch vụ khám chữa bệnh có được cải thiện?
|
Theo Bộ Y tế, viện phí vừa điều chỉnh chưa được tính đủ (ảnh minh họa). |
Nói về vấn đề này, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê chỉ đưa ra các con số: Tính đến tháng 12.2012, qua khảo sát hiện đã có 34/38 bệnh viện (BV) tuyến T.Ư áp dụng viện phí mới, trong đó có 14,3% số BV đầu tư thêm trang bị cơ sở vật chất; 35,7% số BV mở thêm quầy thu viện phí, buồng khám...; 14,3% số BV thực hiện phát số tự động, bảng số điện tử... Ngoài ra, số giường bệnh đã tăng lên 1.050 giường.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng phòng Chính sách y tế (BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng, đó chỉ là “những con số” và không có mấy ý nghĩa. Ông Phúc phân tích: “Nghị quyết 40 của Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế chủ trì xây dựng Đề án kiểm định chất lượng y tế và đánh giá bệnh viện. Đề án này tới năm 2013 mới trình, như vậy, chưa có những đánh giá định tính nào để khẳng định việc tăng chất lượng phục vụ người bệnh”.
Bỏ trống việc giám sát
Thực tế, trong lần điều chỉnh viện phí đợt 1, có rất nhiều loại dịch vụ được tính đúng vật tư tiêu hao. Ông Nguyễn Văn Phúc nêu ví dụ, trước đây giá thủ thuật thông tiểu là 10.000 đồng, nhưng riêng ống xông đã là 12.000 đồng và bệnh nhân phải bỏ tiền ra mua. Giờ dịch vụ này tăng lên 30.000-40.000 đồng, như vậy bệnh nhân không phải mua nữa “nhưng ai là người giám sát BV có thu nữa hay không? Làm thế nào để bệnh nhân không phải trả thêm tiền cho các dịch vụ đã tăng giá?”- ông Phúc hỏi.
Bộ Y tế cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh năm 2013; tính toán kỹ tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống nhân dân, khả năng chi trả của quỹ BHYT. Đó là nội dung chính công văn Bộ Tài chính gửi Bộ Y tế ngày 17.12.
Phương Thảo
Cũng theo ông Phúc, quy định của Bộ Y tế là 1 bàn không được khám quá 35 bệnh nhân/ngày, nhưng hiện các BV lớn thường khám tới 70-80 bệnh nhân/bàn khám/ngày. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng khám bệnh và dịch vụ.
Ngoài ra, còn có tình trạng kéo dài là quá tải giường nằm, có những khoa như khoa Tim mạch - BV Bạch Mai (Hà Nội), bệnh nhân phải nằm ghép 3-5 người/giường.
Câu hỏi đặt ra là khi Bộ Y tế điều chỉnh viện phí, trong đó đã tính giá nhân công, giường nằm, thì ai sẽ là người giám sát việc khám bệnh quá số bệnh nhân, phải nằm quá tải. Trong trường hợp đó, bệnh nhân liệu có được giảm viện phí?
Tăng viện phí, người bệnh nghèo, ở nông thôn là đối tượng thiệt thòi nhất. Một bác sĩ tim mạch cho biết, với bệnh nhân bị giảm huyết áp thì bác sĩ ở cấp xã, huyện đều có thể khám và chỉ định cho dùng thuốc. Nhưng nhiều xã không có bác sĩ nên bệnh nhân hoặc phải vượt tuyến, hai là ngậm ngùi tự mua thuốc. Vì thế, Bộ Y tế phải có những rà soát, điều chỉnh về cách thức thanh toán dịch vụ, để bệnh nhân ở tuyến dưới không thiệt thòi.
Nguyễn Trang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.