Viện phí tăng 20% vào năm 2014: Dân hớt hải chạy theo lộ trình

Thứ năm, ngày 20/02/2014 13:49 PM (GMT+7)
Theo lộ trình tăng viện phí mà Bộ Y tế đã đề ra trước đó, năm 2014, viện phí sẽ được tính thêm tiền lương; phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật. Dù viện phí liên tục tăng nhưng bệnh viện vẫn kêu khó, còn bệnh nhân thì hớt hải lo… chạy tiền.
Bình luận 0
Đưa viện phí về giá “thị trường”

Theo tính toán của Bộ Y tế, mức tăng viện phí chi trả phụ cấp trực tính vào tiền giường điều trị. Mức tăng cụ thể là tiền giường hạng 1 tăng thêm 20.000 đồng, hạng 2 tăng thêm 16.000 đồng, hạng 3 tăng thêm 12.000 đồng. Như vậy, tiền giường hạng 1 sau khi điều chỉnh sẽ là 90.000 đồng/giường/ngày.

Theo nhận định của ông Nguyễn Nam Liên – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), mức tiền tăng khá lớn nhưng người bệnh được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả từ 80-95% viện phí nên thực tế bệnh nhân chỉ phải trả 3.000-4.000 đồng. Hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến của các bệnh viện trước khi có quyết định cụ thể.

Giá giường bệnh loại 1 như thế này ở BV Bạch Mai sẽ tăng từ 70.000 lên 90.000 đồng/ngày.
Giá giường bệnh loại 1 như thế này ở BV Bạch Mai sẽ tăng từ 70.000 lên 90.000 đồng/ngày.

Cũng theo Bộ Y tế, hiện nay các ca phẫu thuật, thủ thuật chưa tính tiền công cho bác sĩ mổ, phụ mổ, gây mê, y tá (mới chỉ tính chi phí điện nước, vật tư, thuốc…). Do đó, giá viện phí của các ca phẫu thuật thủ thuật còn thấp hơn nhiều so với thực tế chi trả.

Cụ thể, theo chính sách áp dụng từ 15.2.2012, mức phụ cấp phẫu thuật cho người mổ chính, người gây mê hồi sức chính là 280.000đồng/người/phẫu thuật (loại đặc biệt); 125.000 đồng (loại 1); 65.000 đồng và 50.000 đồng (loại 2 và 3), người phụ việc nhận phụ cấp 30.000-200.000 đồng.

Năm 2014 viện phí sẽ tính thêm tiền công cho bác sĩ, y tá vào các ca phẫu thuật. Tính trung bình, một ca phẫu thuật đơn giản cũng tăng thêm chi phí khoảng 1 triệu đồng. Các ca mổ phức tạp, nhiều bác sĩ mổ, phụ mổ thì chi phí càng cao.

Theo ông Lê Văn Phúc – Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), dự kiến phần viện phí tăng thêm sẽ khoảng 1.400 tỷ đồng, gần bằng 1/3 chi phí tăng thêm cả năm 2013. Ước tính, giá một số dịch vụ y tế tăng thêm năm 2014 sẽ khoảng 20%.

Gánh nặng thuộc về người dân


Theo tính toán của các chuyên gia y tế, hiện nay tiền túi của người dân bỏ ra khi đi khám chữa bệnh vẫn chiếm xấp xỉ 50% tổng chi phí y tế. Do đó, nếu viện phí tăng, gánh nặng vẫn thuộc về người dân.

1.8.2012

Bắt đầu lộ trình tăng viện phí, một số địa phương điều chỉnh tăng 3/7 yếu tố, đã có 447 dịch vụ y tế bị điều chỉnh giá.

2014

Điều chỉnh 2 yếu tố tiền lương, phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, mức tăng dự kiến khoảng 20%.

2015 - 2018

Cộng thêm các yếu tố khác để đưa viện phí về với “giá thị trường”.

Bà Trần Thị Mai (Lương Sơn, Hòa Bình) đang điều trị bệnh xơ vữa động mạch tại Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gia đình bà thuộc diện trung bình trong xã nhưng thu nhập cũng chỉ đủ ăn tiêu tằn tiện. Gia đình bà có 8 người nhưng chỉ có bà hay ốm đau nên có thẻ bảo hiểm y tế. “Cả nhà làm ruộng, chăn nuôi quần quật mỗi tháng mới thu về 2-3 triệu đồng, làm sao bỏ một lúc gần 600.000 đồng để mua thẻ BHYT được. Chưa kể nếu cả nhà cùng mua thì là khoản tiền không nhỏ” – bà Mai chia sẻ.

Tháng trước, con bà bị tai nạn giao thông, do không có thẻ BHYT nên đã phải tốn hơn 30 triệu đồng- tiêu hết cả số tiền tích cóp mấy năm trời của gia đình. “Viện phí mới tăng có chút ít mà chúng tôi đã tối tăm mặt mũi rồi. Giờ viện phí tăng thêm nữa thì chúng tôi chắc chỉ chịu chết thôi.

Chỉ mong Nhà nước có biện pháp gì để cứu giúp người dân nghèo” – bà Mai nói. Bà cũng mong muốn được mua thẻ BHYT cho cả gia đình, nhưng nếu không được hỗ trợ thì gia đình “ngấp nghé” nghèo như gia đình bà sẽ khó có thể mua thẻ BHYT cho 8 người cùng lúc.

Trong khi đó, các bệnh viện tiếp tục than khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, trong năm 2012, bệnh viện đã điều chỉnh giá của 180 dịch vụ trong tổng số hơn 600 dịch vụ được thực hiện tại viện. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này chẳng thấm vào đâu so với những chi phí thực tế mà bệnh viện bỏ ra.

Năm 2013, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tăng tiền trực, tiền phẫu thuật, thủ thuật nhưng do thiếu tiền, Bệnh viện Việt Đức vẫn… nợ. “Mức chi theo quy định cho người mổ chính cao nhất chỉ là 280.000 đồng, trong khi chi phí thực tế cao hơn nhiều. Bệnh viện Việt Đức mổ hàng trăm ca mỗi ngày, số tiền tính ra rất lớn nên bệnh viện không xoay xỏa được”.

Bà Hường cho biết, nếu viện phí tăng thì bệnh viện sẽ có thêm kinh phí để… trả nợ cán bộ công nhân viên và có thêm điều kiện để đầu tư tốt hơn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, bà cũng thực sự lo lắng vì gánh nặng viện phí cho người bệnh, nhất là những người không có BHYT.

Tôi chỉ đi mổ đẻ thường, kíp mổ 3 người, 1 bác sĩ mổ chính và 2 người phụ. Nếu theo mức quy định của nhà nước, ngay cả khi không có BHYT, tôi chỉ phải trả hơn 500.000 đồng, thế nhưng tôi phải trả tới gần 4 triệu đồng, chưa kể tiền “cảm ơn”. Giờ tăng lên, không biết còn tăng tới đâu nữa”.

Chị Võ Thị Xuân (Xã Tráng Việt, Mê Linh, Vĩnh Phúc)

Tôi nằm viện thường phải trả ở mức 180.000-250.000 đồng. Qua 1 lần tăng, giá giường loại 1 mới là 70.000 đồng. Tôi không hiểu Bộ Y tế tính theo giá nào. Có lẽ các mức phí kia chỉ áp dụng cho BHYT, người dân sử dụng dịch vụ bình thường không ai được hưởng mức đó cả. Giờ giá giường tăng lên nữa, không hiểu giá dịch vụ còn tăng tới đâu. Ngành y tế cần làm rõ mức thu của các BV xem có phù hợp không, trước khi tăng”.

Ông Bùi Xuân Phúc - cán bộ hưu trí tại TX.Sơn Tây, Hà Nội

Lê An (ghi)

Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem