Viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông: "Tôi nghĩ về cơ hội hơn thách thức"

Tào Nga Thứ tư, ngày 21/06/2023 08:30 AM (GMT+7)
PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về đào tạo ngành Báo chí trước thách thức của công nghệ số.
Bình luận 0

Đào tạo ngành Báo chí đáp ứng kịp thời với công nghệ số

Chào TS. Phan Văn Kiền! Giữ cương vị là Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - một đơn vị "hot" của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - ở tuổi khá trẻ, ông thấy mình có những thách thức và cơ hội ra sao?

- Khái niệm trẻ hay không trẻ cũng có nhiều cách tiếp cận, nhưng tôi nhận thấy mình may mắn hội tụ được nhiều yếu tố phù hợp để đảm nhận công việc. Nếu đã gọi là trẻ thì hiển nhiên là nhiều thách thức: Thách thức về kinh nghiệm, thách thức về các mối quan hệ, thách thức về sự nhìn nhận của nhiều phía… Nhưng tôi nghĩ, thách thức chính là động lực để mình luôn nỗ lực và cố gắng để hoàn thành tốt công việc mà cấp trên giao phó và anh chị em đơn vị đã tin tưởng. Vì vậy, tôi thích nghĩ về cơ hội hơn.

Viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông: "Tôi nghĩ về cơ hội hơn thách thức" - Ảnh 1.

TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Cơ hội với một người trẻ là sẽ có những góc tiếp cận mới với công việc, từ đó, có cơ hội tạo ra sự đổi mới trong hoạt động của đơn vị. Với một người trẻ thì sự sung sức cũng là một yếu tố đáng kể. Sự sung sức sẽ giúp cho chính người lãnh đạo cũng như đơn vị luôn tràn đầy năng lượng để lao động và cống hiến. Tôi nghĩ, sự nhanh nhạy để bắt kịp với các thay đổi của môi trường cũng là yếu tố quan trọng với một đơn vị đào tạo và nghiên cứu báo chí truyền thông hiện nay. Bởi ngành này gắn bó chặt chẽ với sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ và môi trường xã hội.

Theo xu hướng của thời đại, hiện nay báo chí cả nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức trước trí tuệ nhân tạo, các nền tảng mạng xã hội… Là đơn vị đào tạo ngành Báo chí, nhà trường đã có những thay đổi thế nào trong thời đại công nghệ số để sinh viên ra trường bắt kịp xu hướng?

- Như đã nói ở trên, đào tạo và nghiên cứu báo chí truyền thông là một ngành tương đối đặc thù. Tính đặc thù thể hiện ở chỗ, đơn vị đào tạo vừa phải giữ và duy trì tính hàn lâm như là một nét đẹp của một trường đại học, vừa phải luôn đổi mới, cập nhật để phù hợp với xu hướng của thời đại, nếu không sẽ nhanh chóng bị lạc hậu và tụt lại phía sau.

Giải quyết được mâu thuẫn ấy là một thách thức không hề nhỏ với bất kỳ đơn vị đào tạo nào bởi chương trình đào tạo, giáo trình, bài giảng bao giờ cũng có nhịp thay đổi chậm hơn so với sự thay đổi của thực tiễn.

Ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn từ lâu luôn xác định hai trục chính trong triết lý đào tạo người làm báo chí và truyền thông.

Viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông: "Tôi nghĩ về cơ hội hơn thách thức" - Ảnh 2.

TS. Phan Văn Kiền trao đổi nghiệp vụ với sinh viên. Ảnh: NVCC

Trục thứ nhất là chúng tôi luôn kiên trì với quan điểm: Người làm báo phải được trang bị tốt về kiến thức nền tảng khoa học xã hội và nhân văn. Bởi để làm nghề nhanh, sinh viên có thể chú trọng vào kỹ năng tức thời. Nhưng để đi đường dài, bạn phải có vốn kiến thức nền tảng. Nói như vậy không phải để xem nhẹ kỹ năng nghề nghiệp mà để thấy vai trò quan trọng của tri thức nền tảng đối với nghề nghiệp của một nhà báo.

Trục thứ hai là chúng tôi xác định ngành đào tạo báo chí phải là ngành luôn song hành và bắt kịp với các xu hướng của thời đại, đặc biệt là các xu hướng công nghệ. Bởi vậy, chương trình đào tạo đại học của Viện đã đưa các kiến thức, kỹ năng như truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội, truyền thông hội tụ… vào giảng dạy cho người học.

Trong lần chỉnh sửa chương trình đào tạo mới nhất, chúng tôi đã đưa vào môn học Công nghệ truyền thông số. Đây là môn học cập nhật các kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ báo chí truyền thông mới vào giảng dạy cho sinh viên như hệ thống hội tụ SMAC, thuật toán và ứng dụng thuật toán trong báo chí truyền thông, công nghệ Bigdata, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ phân tích dữ liệu, công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường...

Bên cạnh đó, khoá học ngắn hạn "Kỹ năng chuyển đổi số báo chí" cũng đã kịp thời được thiết kế và đưa vào ban hành để phục vụ việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo, cơ quan báo chí cũng như những ai quan tâm.

Viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông: "Tôi nghĩ về cơ hội hơn thách thức" - Ảnh 3.

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những đơn vị đào tạo ngành Báo chí hàng đầu cả nước. Ảnh: NVCC

Một trong những đơn vị đào tạo báo chí hàng đầu Việt Nam

Những năm gần đây dư luận "choáng" với điểm xét tuyển đầu vào ngành Báo chí với điểm gần tuyệt đối 30/30. Ông có thể cho biết sức hút của ngành này thế nào trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay?

- Báo chí và truyền thông là ngành kiến tạo và dẫn dắt dòng chảy thông tin trong xã hội. Khi công nghệ số phát triển, đời sống con người lệ thuộc rất lớn vào các phương tiện truyền thông trên nền tảng số, vì vậy, vai trò, vị trí của ngành báo chí truyền thông càng đặc biệt quan trọng. Khi nhu cầu của xã hội tăng cao thì các ngành đào tạo báo chí truyền thông trở thành một trong những ngành "hot" nhất mỗi mùa tuyển sinh là điều dễ hiểu.

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là một trong những đơn vị đào tạo báo chí hàng đầu Việt Nam hiện nay. Với truyền thống hơn 30 năm đào tạo và nghiên cứu, Viện hiện đào tạo 2 ngành cử nhân (Báo chí và Quan hệ công chúng), 3 ngành thạc sĩ (Thạc sĩ Báo chí định hướng nghiên cứu, Thạc sĩ Báo chí định hướng ứng dụng, Thạc sĩ Quản trị Báo chí Truyền thông) và 1 ngành Tiến sĩ Báo chí học. Với cơ cấu ngành học phủ rộng như vậy, Viện luôn đảm bảo được tính kế thừa trong kiến thức của các bậc học.

Ngoài ra, việc liên kết, ký kết hợp tác với các đơn vị báo chí và truyền thông hàng đầu trong cả nước đã giúp cho sinh viên của Viện luôn có cơ hội học tập tại các cơ quan. Những chương trình như "Vườn ươm", "đưa giảng đường đến toà soạn, đưa toà soạn đến giảng đường"… đã tạo điều kiện cho sinh viên luôn được trải nghiệm hoạt động thực tiễn báo chí và truyền thông trong quá trình tích luỹ kiến thức về nghề.

Viện trưởng Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông: "Tôi nghĩ về cơ hội hơn thách thức" - Ảnh 4.

Sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đang học thực hành trong Studio. Ảnh: NVCC

Kế hoạch đào tạo ngành Báo chí của trường năm nay và lộ trình phát triển Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông trong tương lai thế nào, thưa ông?

- Năm 2023, Viện tuyển sinh 215 chỉ tiêu thuộc các phương thức Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GDĐT; Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định đặc thù của ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét kết quả thi đánh giá năng lực năm 2023 do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức; Xét chứng chỉ quốc tế; Kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ở các khối A01, C00, D01, D04, D78.

Từ năm 2022, hai chương trình cử nhân Báo chí và cử nhân Quan hệ công chúng của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã được kiểm định chất lượng đào tạo và được chứng nhận đạt chất lượng kiểm định của Bộ GDĐT với tỷ lệ 92%. Đây là một tỷ lệ tương đối cao trong kiểm định chương trình. Từ nền tảng kiểm định chất lượng và việc đổi mới, cập nhật và nâng cao chương trình, từ năm 2023, Viện thực hiện điều chỉnh chương trình theo định mức kinh tế kỹ thuật.

Cùng với sự thay đổi, cập nhật liên tục các xu hướng báo chí truyền thông mới, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cũng đang xây dựng chương trình đào tạo cử nhân ngành Báo chí truyền thông số. Dự kiến trong những năm tới, chương trình sẽ được tuyển sinh khi đảm bảo các quy trình xây dựng và nghiệm thu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng như của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cảm ơn ông đã có cuộc chia sẻ thú vị và ý nghĩa nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem