Viện trưởng Viện Lúa "nặng nợ" với nông dân

Thứ năm, ngày 19/01/2012 06:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Luôn mong muốn đóng góp công sức để giúp người nông dân bớt vất vả, vậy là như “nặng nợ” với nông dân, cả cuộc đời tiến sĩ Lê Văn Bảnh (Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL) sống và làm việc đều liên quan đến cây lúa.
Bình luận 0
img
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh

Trăn trở với hạt lúa quê hương

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp ở vùng đất Tân Ngãi, tỉnh Vĩnh Long, rồi kể cả khi là Viện trưởng Viện Lúa ông luôn thấu hiểu những khó khăn, vất vả của nông dân làm ra hạt lúa. “Trăn trở lớn nhất của tôi là phần lớn nông dân làm ra hạt lúa vẫn còn nghèo. Làm sao để người trồng lúa sống được bằng nghề là bài toán tôi rất muốn giải” - TS Bảnh chia sẻ.

Ông tính toán rất kỹ đến từng chi tiết nhỏ liên quan đến người trồng lúa. Một nông hộ trung bình ở ĐBSCL canh tác khoảng 0,5ha lúa thì 1 năm làm 3 vụ lúa với năng suất và giá cả cao nhất thì 1 nhân khẩu chỉ thu nhập khoảng 500.000 đồng/người/tháng. Vì vậy từ bao đời nay nông dân luôn nghèo khó dù nước ta đang đứng hàng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo. Nông dân là người đóng góp lớn nhất trong chuỗi giá trị hạt gạo nhưng lại là người hưởng lợi ít nhất.

Ông tâm sự: Nông dân cực khổ suốt 3 tháng trời mới làm ra hạt lúa với rất nhiều rủi ro từ sâu rầy, dịch bệnh, giá cả vật tư tăng nhưng lại là người không quyết định được giá cả hạt lúa. Lợi nhuận lớn nhất đều thuộc về thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu. Đó là bất công rất lớn”.

Từ những trăn trở, những bất công đó, ông luôn đau đáu tìm giải pháp nâng cao giá trị hạt lúa và phân chia chuỗi giá trị công bằng hơn. Theo ông để làm được điều đó thì phải xóa bỏ việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Những nông dân phải tập hợp lại để xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

“Khi có cánh đồng mẫu lớn rồi nông dân mới dễ dàng đưa máy móc vào cơ giới hóa đồng ruộng để có năng suất, chất lượng cao. Từ đó sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp xuất khẩu với giá cả hợp lý và mang tính bền vững cao” - ông nói. TS Lê Văn Bảnh đã mừng rơi nước mắt khi thấy những cánh đồng mẫu lớn đầu tiên xuất hiện ở ĐBSCL. Ở đó ông đã nhận ra, cuộc sống người nông dân sẽ đổi khác.

Vui khi có cánh đồng mẫu, nhưng khi đề cập đến việc thị trường tràn ngập gạo Thái Lan, Đài Loan, Mỹ… ông lại cảm thấy buồn lòng. Bởi vì theo ông, gạo Việt đã đứng hàng thứ 2 thế giới về xuất khẩu nhưng vẫn chưa có thương hiệu.

Hiện tại, Viện Lúa đã lai tạo ra hơn 150 giống chủ lực với 90% nông dân trong vùng sử dụng là thành tựu rất lớn của tập thể cán bộ, nhà khoa học đã dày công nghiện cứu. “Để nâng cao giá trị hạt gạo trên thị trường thế giới chúng ta phải có kế hoạch dài hạn, phải có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành để dần dần định hình thương hiệu gạo Việt” - TS Bảnh trăn trở.

“Nặng nợ” với nông dân

Đến tận bây giờ khi nền nông nghiệp đã phát triển hiện đại hơn, tiên tiến hơn nhưng ông vẫn còn nhiều trăn trở, hoài bão cùng nông dân.

img
Thiết bị sạ hàng đã giúp nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất.

Ông tâm sự: Để thay đổi tập quán sản xuất của nông dân là cả một chặng đường dài. Chẳng hạn khi đưa thiết bị sạ hàng xuống đồng ruộng dù đã thí nghiệm thành công nhưng phải mất đến 6 năm mới được nông dân áp dụng rộng rãi.

Lần đó khi đem thiết bị này đến huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để chuyển giao kỹ thuật gặp phải rất nhiều khó khăn. Cán bộ kỹ thuật còn mượn ruộng, khuyến cáo dân, như: Tặng nguồn giống lúa, nếu năng suất thấp cán bộ sẽ bồi thường… 1 tuần sau xuống thăm đồng thì thấy mình sạ chẳng ngay hàng, thẳng lối giống như thí nghiệm mà lúa rất dày.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh sinh năm 1957 tại tỉnh Vĩnh Long. Năm 1980, sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí nông nghiệp tại Đại học Cần thơ, ông về Viện Lúa ĐBSCL làm việc cho đến nay. Ngoài cải tiến thành công máy sạ hàng, ông còn sáng chế ra nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp khác như: Máy trục bùn, máy gieo lạc máy tách hạt bắp...

Hỏi ra mới biết nông dân thấy cán bộ làm thưa quá nên đã “lén” sạ thêm vì sợ lúa thất. Thế là phải làm lại từ đầu, đến khi thành công, năng suất cao hơn cách làm truyền thống rất nhiều thì nông dân mới tin và làm theo.

Suốt 30 năm làm khoa học, ông đã kinh qua rất nhiều vị trí từ cán bộ kỹ thuật, phòng kế hoạch xây dựng, trung tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật rồi đến công tác đào tạo ở Trường Dạy nghề Phát triển Nông thôn Nam Bộ và Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL. Nơi đâu ông cũng đều gắn bó với nông dân. Khi đã chuyển giao khoa học kỹ thuật thành công cho nông dân thì chính ông là người vui mừng nhất.

Ông tâm sự: “Khi đến tuổi về hưu tôi cũng mong muốn mình làm việc gì đó để giúp nông dân. Chẳng hạn sẽ phối hợp với bà con nông dân để chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham gia công tác đào tạo khoa học kỹ thuật để giúp hiện đại hóa nền nông nghiệp nước nhà…”.

Ông cho rằng, không chỉ mình ông mà cả Viện Lúa ĐBSCL ai cũng có tâm huyết, cũng yêu nghề và muốn cống hiến sức lực của mình phục vụ nông dân. Suốt mấy chục năm làm khoa học, ông và những cán bộ Viện Lúa đã giúp nền nông nghiệp hiện đại hơn. Tuy nhiên, ông vẫn còn nhiều trăn trở, hoài bão giúp nông dân. Như thể ông vẫn còn “nặng nợ” rất nhiều với nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem