Việt kiều Đức, Hàn Quốc tổ chức “đại tiệc tiết canh” như thế nào?

Thứ tư, ngày 13/08/2014 10:08 AM (GMT+7)
Một bát tiết canh ở Đức hiếm có khó tìm giá gần 120.000 VNĐ; còn ở Hàn Quốc việc người Việt dắt lợn dắt dê về nhà đánh tiết là chuyện nhỏ!
Bình luận 0

Hàn Quốc: "Dắt dê về nhà đánh tiết canh là chuyện thường"

Anh Trần Ngọc Dũng, một kỹ sư điện tử người Nam Định đang làm việc tại BuSan - Hàn Quốc vừa "khoe" lên facebook của mình hình ảnh một đĩa tiết canh, kèm theo lời rủ rê ngắn gọn: “Cuối tuần này chiến thôi. Thèm quá!”. Ngay lập tức chỉ sau 1 giờ đồng hồ, status này đã nhận được gần 50 like và hơn 40 comment.

Sáng chủ nhật tuần đó, Dũng và hai người bạn ra chợ gần nhà mua một con dê tơ và buộc dây dắt về nhà trọ. Ở nhà, nồi niêu xong chảo đã được các anh em khác chuẩn bị sẵn, dê vừa dắt về chưa đầy 3 tiếng đồng hồ sau đã hóa thành mấy mâm đầy ụ: dê tái chanh, dê nướng, dê xào lăn. Và món được chờ đợi nhất, là 40 bát tiết canh đỏ tươi điểm tô bằng mấy hạt lạc rang, vài lát gan nâu nhẹ mỏng mảnh, cộng thêm mấy cọng rau thơm xanh tươi duyên dáng bên trên trông rất bắt mắt.

“Ở Busan, cộng đồng người Việt rất đông, có khoảng vài trăm người kể cả lao động đi xuất khẩu, người Việt quốc tịch Hàn Quốc và cả sinh viên du học. Thịt chó, tiết canh là hai món hợp cho nhậu lai rai vui vẻ nên gần như không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng của anh em Việt Nam tại Hàn.

Biết đánh tiết canh chủ yếu toàn các anh nam giới thôi, nhiều anh ở quê chưa biết làm bao giờ, sang đây mới được truyền nghề cho, thế mà chưa đầy nửa năm đã “đánh thành thần” chị ạ! Anh nào tay nghề giỏi còn được anh em các tỉnh khác mời mọc rủ rê đi mấy trăm km đến tận nơi để làm hộ cơ mà.”

Cũng theo lời Dũng, không chỉ dê mà các anh còn “chiến” cả lợn, vịt, ngan. Vì người Hàn không có thói quen ăn tiết canh nên thèm thì phải tự mua về nhà làm.

Lợn nặng mỗi con 1 tạ, dê thì vài chục kg/con, mỗi con chừng giá 4000 Won (khoảng 8 triệu VNĐ). Vịt sống 1-2 kg/con, giá mỗi con chừng 1600 Won ( tầm 300 ngàn VNĐ), cứ ra các chợ trong vùng là mua con gì cũng có. Gia vị và rau thơm cũng thế, ở Việt Nam có gì thì ra chợ hay đến các cửa hàng Asean đều mua được đầy đủ.

img

Tiết canh là món không thể thiếu trong các cuộc liên hoan của nhiều người Việt ở Hàn Quốc.

img

Ăn tiết canh , uống rượu Sochu cũng là một thú vui tao nhã! Trong hình là món tiết canh ngan do Dũng tự làm lấy.

img

Cũng có khi là tiết canh con "ụt ịt" nặng gần 1 tạ

img

Dũng kể, nhiều lần anh em các tỉnh xa về tụ họp, anh em còn mua hẳn 2-3 con dê về liên hoan.

Dũng bảo, muốn ăn tiết canh dê, lợn thì phải chờ có dịp hội hè, sinh nhật … có đông đủ từ 10 người trở lên và báo trước để anh em các tỉnh thành xung quanh “chuẩn bị tinh thần”. Vịt thì đơn giản hơn, 3-4 người ngồi với nhau, nổi hứng lên là có thể ra chợ xách về bất kỳ lúc nào, 1 tiếng sau là các cậu có món khoái khẩu ăn ngay.

“Mọi người có thể ăn tiết canh quanh năm năm, mùa hè thì ăn nhiều hơn mùa đông. Hầu như đã không hội họp thì thôi, còn đã họp nhau lại thì không thể vắng mặt bát tiết canh được. Còn nói về chuyện vệ sinh thực phẩm thì 10 năm ở đây, tôi chưa thấy anh em nào bị ngộ độc cả. Mình tự làm tự ăn nên cẩn thận sạch sẽ lắm.

Cũng hỏi chuyện Dũng mới biết, dù cũng là đất nước có văn hóa ẩm thực châu Á tương tự Việt Nam, nhưng người Hàn Quốc lại rất sợ ăn tiết canh. Nhiều lần tụ họp liên hoan mọi người cũng có rủ rê bạn bè nước chủ nhà đến vui cùng, nhưng nếu biết có món tiết canh thì họ lắc đầu lịch sự từ chối rồi trốn biệt vì … sợ.

“Hình như mỗi dân Việt Nam mình ăn món này thôi thì phải. Lạ nhỉ. Ngon mà” – Dũng cười.

Đức: 120 ngàn đồng một bát tiết canh

Khác với cộng đồng người Việt ở Hàn, những người Việt ở châu Âu muốn ăn món này phức tạp khó khăn hơn nhiều.

Ông Lê Tuấn, một người Nghệ An định cư gần 30 năm ở Berlin– Đức cho biết, cộng đồng người Việt bên này không có điều kiện để tự chế biến tiết canh tại nhà, mà muốn ăn phải đi ra các nhà hàng phục vụ đồ ăn Việt Nam.

Ở Trung tâm thương mại Đồng Xuân (một TTTM của cộng đồng người Việt ở Berlin), mỗi bát tiết canh dê cỡ chừng 2/3 bát ăn cơm bình thường có giá 4 Euro (gần 120.000 VNĐ). So ra với giá ở Việt Nam là quá đắt, nhưng so với giá cả thực phẩm bên này thì cũng không hề rẻ.”

Tuy nhiên, người đàn ông này cho hay, tại Đức nói chung và tại thành phố nơi gia đình ông ở nói riêng, việc vệ sinh an toàn thực phẩm được giám sát rất chặt chẽ.

“Trước đây món ăn này bị cấm cho đến cách đây 1 năm, Sở Vệ Sinh nghĩ thế nào cũng có mở cho các nhà hàng bày bán công khai, trưng biển mấy tháng đấy, nhưng giờ lại cấm rồi, phạt nặng lắm. Có điều, vì nhu cầu người ăn khá đông nên vào dịp cuối tuần các nhà hàng Việt Nam vẫn phục vụ đầy đủ, dù không công khai bày bán."

Cũng theo ông Tuấn, tỷ lệ người yêu thích món ăn này không hề nhỏ trong cộng đồng người Việt ở đây. Như gia đình anh, bố mẹ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, vốn quen với món ăn này thì không nói làm gì, tuy nhiên thế hệ con, cháu sinh ra và lớn lên ở Đức, có đến một nửa số này vẫn có thể ăn và thích món này như cha mẹ.

“Ví dụ như bạn bè tôi chẳng hạn, ăn là ăn thôi, thích thì ăn, còn chuyện vệ sinh thực phẩm thì chúng tôi vẫn tin tưởng dựa vào cảm quan của mình. Ai từng sinh sống ở Việt Nam và từng mê món này thì giờ vẫn mê, mà ai đã không thích thì giờ đi xa vẫn không thích. Ai có điều kiện thời gian, không gian thì thi thoảng 1-2 tháng ăn một lần, xa xôi bận rộn quá thì 6 tháng, nửa năm, vài năm ăn một lần. Hương vị quê nhà, ngọt ngào, mát mẻ, đi khắp nơi, ăn đủ món ngon trên đời nhưng tôi thấy vị ngon của bát tiết canh là vị ngon không lẫn vào đâu được. Nó khác mọi thức, vị khác trên đời.”

Tuấn cho biết có một hội bạn bè chơi chung với nhau từ hồi sang Đức lập nghiệp, lâu lâu nhớ nhau, nhớ quê lại rủ nhau lái xe hàng chục km đến Trung tâm thương mại Đồng Xuân để uống với nhau chén rượu. Mỗi lần gặp nhau như thế, không mấy khi không gọi một, hai bát tiết canh để ăn cho đỡ thèm.

“Xa quê nên nhớ quê lắm. Nhà bố mẹ tôi ở Thanh Chương – Nghệ An. Quê tôi có nhút Thanh Chương, có tương Nam Đàn, bánh đa Đô Lương, có canh hến sông Lam, thịt dê, tiết canh dê, có lòng lợn sốt xứ Phuống …Với người ở quê thì là hết sức bình thường, nhưng với những người xa nhà như tôi là đặc sản. Nhớ thương trào nước mắt đấy bạn ạ.” - Người đàn ông xa phương gần nửa đời người bồi hồi tâm sự.


(Theo Trí Thức Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem