Việt Nam cải tiến thành công tàu đổ bộ Mỹ

Thứ ba, ngày 19/11/2013 08:44 AM (GMT+7)
Cán bộ Lữ đoàn 127 Hải quân đã cải tiến thành công hệ thống hạ cửa tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM-8 do Mỹ chế tạo.
Bình luận 0
Tờ Quân đội Nhân dân mới đây đăng tải bài viết về hoạt động huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật tại Lữ đoàn 127 (Vùng 5 Hải quân), qua đó tiết lộ thông tin về sáng kiến mới của hải quân ta trong việc duy trì, cải tiến tàu đổ bộ do Mỹ chế tạo được thu giữ sau năm 1975.

"…Đại úy Vũ Văn Cường (máy trưởng tàu HQ-470) là "cây" sáng kiến cải tiến kỹ thuật của lữ đoàn. Nổi bật là đề tài sáng kiến "Hệ thống hạ cửa đổ bộ tàu LCM-8". Bình thường, hệ thống này muốn hạ phải mất từ 25-30 phút và cần đến 3 người. Nay với sáng kiến này, hệ thống hạ cửa bằng thiết bị điện 24V-DC, chỉ mất từ 1-1,5 phút và chỉ cần một người điều khiển, bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng đến kết cấu cũng như tính năng kỹ thuật, chiến thuật của tàu", Quân đội Nhân dân viết.

img
Tàu đổ bộ cơ giới kiểu LCM-8 với cửa lớn ở mũi tàu dùng để các phương tiện, binh lính di chuyển lên bờ.

LCM-8 là tên của loại tàu đổ bộ cơ giới cỡ nhỏ do Mỹ sản xuất từ năm 1959 và được viện trợ rất nhiều cho Hải quân quân đội Sài Gòn. Sau 1975, chúng ta đã thu giữ không ít loại tàu đổ bộ này và dù gặp nhiều khó khăn do thiếu linh kiện, phù tùng (Mỹ đang áp đặt lệnh cấm vận) nhưng chúng ta vẫn duy trì hoạt động các tàu LCM-8 cho tới tận ngày nay.

Tàu đổ bộ cơ giới LCM-8 có lượng giãn nước toàn tải 111,4 tấn, dài 22,26m, rộng 6,4m, mớn nước có tải 1,6m. Tàu trang bị 2 máy diesel cho phép đạt tốc độ tối đa 17 hải lý/h (có tải), thủy thủ đoàn chỉ cần 4-6 người, trang bị 2 đại liên 12,7mm. LCM-8 chở tối đa hơn 50 tấn gồm hàng hóa hoặc các phương tiện cơ giới.

Ngoài những chiếc tàu kiểu LCM-8, sau 1975, hải quân ta còn thu giữ được tàu đổ bộ kiểu LCU (chở phương tiện cơ giới và binh lính), LSM (tàu đổ bộ hạng trung chở binh lính và phương tiện), LST (chở phương tiện cơ giới gồm cả xe tăng, xe bọc thép, hàng hóa cùng binh lính)…

Lớn nhất trong số đó là những chiếc tàu đổ bộ kiểu LST do Mỹ chế tạo trong chiến tranh thế giới 2, sau này chuyển cho hải quân quân đội Sài Gòn. Sau 1975 ta thu giữ được và đưa vào biên chế trang bị 2 chiếc với phiên hiệu lần lượt là HQ-505 (tên cũ của Mỹ là USS Bulloch County, quân đội Sài Gòn gọi là HQ-504 Qui Nhơn) và HQ-501 (tên Mỹ USS Maricopa County, quân đội Sài Gòn gọi là HQ-501 Đà Nẵng).

img
Tàu đổ bộ lớn nhất Hải quân Nhân dân Việt Nam HQ-501 do Mỹ chế tạo.

Các tàu này có lượng giãn nước toàn tải tới 3.698 tấn, dài 100m, rộng 15m. Tàu trang bị 2 động cơ diesel General Motors 12-567 cho phép đạt tốc độ tối đa 22km/h.

Tàu có khả năng chở xe tăng, khoảng 140 lính thủy và 2 xuồng đổ bộ bộ binh (LCVP). Các phương tiện này sẽ di chuyển ra khỏi tàu bằng 2 cánh cửa lớn ở đầu mũi.

Trong những năm tháng hoạt động trong hải quân ta, các tàu đã tích cực tham gia nhiệm vụ vận tải hàng hóa ra các đảo xa, bảo vệ chủ quyền biển. Đặc biệt, tàu HQ-505 đã tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa 1988. Với chiến công xuất sắc bảo vệ, giữ vững đảo Cô Lin, tàu HQ-505 đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Rất tiếc, con tàu do hư hỏng quá nặng vì địch bắn pháo vào tàu đã hư hỏng và chìm sau này.

Riêng về phần tàu HQ-501 vẫn còn hoạt động cho tới tận ngày nay trong thành phần hải quân ta. Và nó vẫn giữ "ngôi vị" tàu đổ bộ lớn nhất có trong biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Kiến Thức (Theo Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem