Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Năm 2014 có ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta, đó là năm then chốt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, năm thứ hai đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị.
Những dự báo của tình hình thế giới năm 2014 cho thấy bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục phức tạp, khó lường. Do đó, một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước.
Trong tình hình đó, để tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiêm vụ của Đại hội XI của Đảng, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong năm 2014 hướng vào các trọng tâm sau:
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khi trao đổi với báo chí chiều 31.12.2013. Ảnh Đ.T
- Ưu tiên đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế với chủ đề của công tác đối ngoại năm 2014 là “Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Chương trình Hành động của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28.
- Tiếp tục ưu tiên củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị, ổn định với các nước láng giềng, đặc biệt là quan hệ với Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, và các nước khác trong khu vực; đồng thời nỗ lực xử lý ổn thỏa những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề phát sinh trong quan hệ với các nước trên cơ sở bình đẳng và luật pháp quốc tế.
- Tiếp tục đẩy mạnh và đưa quan hệ của nước ta với các nước, đặc biệt là với những nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, Đối tác Toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả và ổn định; chủ động, tích cực thúc đẩy việc thực hiệp các Hiệp định, thoả thuận đã ký với các nước đối tác, tăng cường đan xen lợi ích.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, trọng tâm là tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu triển khai các chủ trương lớn về kinh tế, đặc biệt là kinh nghiệm của các nước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; triển khai vận động chính trị, ngoại giao phục vụ các cuộc đàm phán về TPP, RCEP, và các hiệp định thương mại với EU, Liên minh Hải quan Nga – Belarus -Kazakhstan; đẩy mạnh hơn nữa vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu, và tìm kiếm đối tác đầu tư, kinh doanh; bảo vệ lợi ích của ta trong các cuộc tranh chấp thương mại, chống bảo hộ, áp đặt các tiêu chuẩn kép trong thương mại. Thông qua các hoạt động trên, ngoại giao kinh tế cần góp phần tích cực vào khôi phục nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng thu hút FDI, mở rộng thị trường xuất khẩu.
- Phát huy thế mạnh của ngoại giao đa phương, kết hợp ngoại giao song phương và đa phương, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ những điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tích cực chuẩn bị cho việc Việt Nam tham gia hiệu quả các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và Hội đồng nhân quyền từ năm 2014.
- Triển khai đồng bộ và toàn diện công tác đối ngoại trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân, thông tin - tuyên truyền đối ngoại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, nâng cao hơn nữa vị thế của nước ta trên thế giới.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng và an ninh tại Trung ương và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác quản lý thống nhất đối ngoại, thực hiện triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả các đoàn đi công tác nước ngoài.
Thúy Đăng (Thúy Đăng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.