Việt Nam đã bán loại hạt được ví như "nữ hoàng quả khô" đi bao nhiêu nước, thu bao nhiêu tiền?

K.Nguyên Thứ hai, ngày 28/03/2022 13:58 PM (GMT+7)
Dù mới được trồng ở Việt Nam nhưng đến nay sản phẩm mắc ca của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 21 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bình luận 0

Triển vọng xuất khẩu mắc ca rất lớn

Theo thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), dù mới được đưa vào trồng ở Việt Nam nhưng triển vọng xuất khẩu mắc ca là rất lớn.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu mắc ca của Việt Nam đạt 136,8 triệu USD với khối lượng đạt gần 5.400 tấn và 25.500 tấn mắc ca nguyên vỏ. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu mắc ca của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đạt 59,6 triệu USD với khối lượng trên 3.000 tấn nhân và 390 tấn mắc ca nguyên vỏ. 

Đáng chú ý, sản phẩm mắc ca của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 21 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Thái Lan, Đức, Malaysia, Hồng Kông, Hà Lan, Mỹ…

Theo ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, thực tế, nhu cầu tiêu thụ mắc ca trên thế giới vẫn rất lớn, do vậy, trong Đề án phát triển bền vững cây mắc ca đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, mục tiêu đến năm 2050 kim ngạch xuất khẩu mắc ca của Việt Nam đạt khoảng 2,5 tỷ USD.

Việt Nam đã bán được bao nhiêu tiền loại hạt được mệnh danh là nữ hoàng? - Ảnh 1.

Dù mới được trồng ở Việt Nam nhưng đến nay sản phẩm mắc ca của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong ảnh: Nông dân Lai Châu thu hoạch mắc ca. Ảnh: laichau.gov.vn

Đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca 

Ông Trần Quang Bảo cho biết, để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, trong Đề án cũng nêu rõ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca gắn với vùng trồng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. 

Nâng cấp 65 cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca hiện có, xây dựng mới khoảng 300 - 400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở từ 100 - 200 tấn hạt/năm.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở từ 10.000 - 15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.

Việt Nam đã bán được bao nhiêu tiền loại hạt được mệnh danh là nữ hoàng? - Ảnh 2.

Diện tích mắc ca phát triển nhiều ở Tây Nguyên, Tây Bắc. Ảnh: P.V

Về thị trường tiêu thụ, các địa phương cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca, gắn với chỉ dẫn địa lý; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, giới thiệu để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm mắc ca.

Đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại. 

Tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nhân và hạt mắc ca nguyên vỏ, các sản phẩm mắc ca chế biến sâu vào thị trường các nước.

Ở Việt Nam, mắc ca là cây nhập nội từ năm 1990, thuộc nhóm cây lâm sản ngoài gỗ trong danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính. 

Đến nay, cả nước có 28 tỉnh trồng mắc ca, với tổng diện tích 18.840 ha, tập trung chủ yếu tại hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; diện tích cho thu hoạch là 6.853 ha, sản lượng năm 2021  ước đạt 8.514 tấn hạt tươi/năm. 

Thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca chủ yếu là trong nước và một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. 

Đề án phát triển cây Mắc Ca giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển mắc ca bền vững trong thời gian tới, nhằm đưa mắc ca trở thành một trong những loài cây trồng quan trọng, đa mục đích, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là địa bàn vùng miền núi, vùng biên giới; đưa nước ta trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm mắc ca.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, mắc ca là loại hạt giàu calo, có chứa nhiều chất béo, vitamin và các loại khoáng chất thiết yếu có lợi cho sức khỏe. Hạt mắc ca có chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn- đây là một loại chất béo giúp cải thiện và tăng cường sức khỏe của tim mạch, giúp giảm tổng lượng cholesterol và Lipoprotein mật độ thấp (LDL).

Hạt mắc ca cũng chứa rất ít đường và carbs, cùng với hàm lượng chất xơ ở mức độ vừa phải. Sự kết hợp hài hòa này đã mang lại nhiều lợi ích đặc biệt cho những người bị bệnh tiểu đường vì chúng có khả năng kiểm soát tốt được lượng đường trong máu. Hạt mắc ca có khả năng làm giảm các nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem