"Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ TPP là cái nhìn… méo mó"

Quốc Hải (thực hiện) Thứ ba, ngày 17/11/2015 17:30 PM (GMT+7)
“Nói rằng Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ TPP là cái nhìn… méo mó”. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bình luận 0

Hiện nay có nhiều người phát biểu rằng tham gia TPP, Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất... Theo bà, chúng ta nên hiểu về thông điệp  này như thế nào?

- Về vấn đề “hưởng lợi nhiều nhất” khi tham gia TPP, theo tôi biết đây là các chuyên gia kinh tế đánh giá dựa trên vài nghiên cứu của nước ngoài, trong đó chủ yếu là ở Mỹ. Khi đó, các đánh giá đều đưa ra kết luận rằng tham gia TPP thì các nước thành viên đều có thể có sự tăng trưởng về xuất khẩu, về GDP… Nếu áp dụng vào Việt Nam thì ta hiện nay có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất nên có thể sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

img

Chăn nuôi lợn quy mô trang trại tại huyện Vụ Bản, Nam Định. Ảnh: Đ.D

Nhưng tôi cho rằng nếu chỉ nhìn tỷ lệ tăng trưởng cao mà đánh giá Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất thì không đúng, thậm chí khá lệch lạc. Tôi lấy ví dụ, một nước thành viên TPP hiện đang có GDP khoảng 10.000USD, khi vào TPP thì tăng được thêm 1.000USD, tức là chỉ tăng được 10%. Còn Việt Nam đang có GDP 100USD, vào TPP tăng thêm 100USD, tức tăng 100%.

So sánh từ con số này, thì phải nói nước thành viên TPP kia đã tăng GDP gấp 10 lần Việt Nam, chứ không phải Việt Nam đang tăng gấp 10 lần họ, ở đây không thể so sánh chúng ta tăng GDP 100% là cao hơn so với mức tăng 10% của nước đó.

Như vậy, có thể nói Việt Nam đạt tỷ lệ tăng trưởng cao chủ yếu do ta có điểm xuất phát thấp. Cụ thể, GDP của Việt Nam hiện nay tính theo bình quân đầu người thấp nhất trong 12 nước thành viên TPP. Do vậy, nếu nhận định là “hưởng lợi nhiều nhất” từ tỷ lệ tăng trưởng cao này thì không đúng.

Như vậy, có nghĩa là tham gia TPP đâu chỉ có “màu hồng”, chỉ hưởng lợi?

- Ta nên có cái nhìn cân bằng hơn về cơ hội và thách thức. Tôi ví dụ, khi nói đến ngành chăn nuôi khi gia nhập TPP, đa số ý kiến đều cho rằng khi vào TPP thì ta sẽ thất bại, ngành chăn nuôi Việt Nam không thể ngóc đầu dậy, thậm chí có chuyên gia còn ví ngành chăn nuôi là “vật tế thần” khi vào TPP. Đâu phải vậy. Nếu ta chọn những ngành chăn nuôi có những lợi thế chiến lược thì vẫn có thể giành thắng lợi.

Chẳng hạn, nếu ta phát triển ngành sữa theo định hướng của một số “ông lớn” như Vinamilk, TH True milk… thì sao ta thất bại. Ngành chăn nuôi chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu so với ngành sữa của New Zealand - đại diện cho cả ngành nông nghiệp của họ thì những nhượng bộ của ta chỉ ở mức tương đối.

Ý của bà là ta không nên “dồn hết sức” vào TPP?

- Ý tôi là khi tham gia vào bất cứ hiệp định thương mại nào thì Việt Nam cũng sẽ có những cơ hội và thách thức nhất định. Và trong TPP cũng vậy, ta phải nhìn rõ đâu là cơ hội và đâu là thách thức. Tiếp đó ta phải quyết liệt mới tận dụng được cơ hội. Nếu cứ ỷ vào TPP, nói thật TPP có kéo đẩy mà ta không chịu đi thì… cũng chịu.

img


" Ngoài TPP, ta còn rất nhiều FTA với ASEAN, ASEAN +, EU... Ta không chỉ vì TPP mà bỏ quên các thị trường này. Việt Nam hoàn tất đàm phán với EU rồi thì không có lẽ nào chúng ta vì đàm phán với TPP mà chúng ta chấp nhận bỏ đi lợi thế xuất khẩu vào EU”.
Chuyên gia Phạm Chi Lan

Về phần tỉnh táo lựa chọn thị trường, tôi thấy ta cần phải xác định kỹ lại. Nếu dồn tất cả cho TPP, thì đối với nước đang phát triển như Việt Nam, ta dễ bị dính vào cái “bẫy thương mại”. Khi nội lực ta không tăng lên thì ta không tăng được năng lực xuất khẩu, khi đó ta chỉ còn cách chuyển hướng thương mại. Thay vì làm thị trường A, B, C thì ta lại chuyển sang thị trường D, E, F… Chẳng lẽ ta thắng ở thị trường Mỹ, Nhật rồi chấp nhận thua ở các thị trường khác sao.

Theo bà, Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội từ TPP?

- Theo tôi, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là phải cải cách môi trường sản xuất, kinh doanh thật quyết liệt vì đây đang là lực cản với sự phát triển của doanh nghiệp.  

Kế đến ta cũng phải cấp thiết chỉnh sửa luật cho phù hợp với các cam kết đã ký. Thực tế lâu nay ta đều nói nhiều về nông dân phải làm gì, doanh nghiệp phải làm gì khi gia nhập TPP, mà không nhắc nhiều đến vai trò của nhà nước dù thực tế nhà nước lại nắm vai trò đầu tàu.

Tôi chỉ dẫn chứng một vấn đề đơn giản, các nước như Mỹ, Nhật… đã công bố các cam kết của nước họ khi tham gia TPP thì Việt Nam vẫn chưa thực hiện được điều này. Ta thỏa thuận với Mỹ thế nào, với Nhật thế nào… đâu là cơ hội, đâu là thách thức; thị trường Mỹ, Nhật mở cửa đến đâu, đâu là các đối thủ cần quan tâm… là những điều doanh nghiệp, người dân cần được biết.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem