Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Khẳng định của ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức" diễn ra chiều nay (17/12) tại Hà Nội.
Phát biểu, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đến những thành tựu của đất nước sau đà phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch.
Ông Trần Tuấn Anh nêu bật thành tựu trong phát triển của các ngành, lĩnh vực và đưa ra những kiến giải lớn cho nền kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tại phiên toàn thể, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì, nhiều Bộ trưởng, diễn giả quốc tế và trong nước tham dự sự kiện quy mô lớn nhất trong năm.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Tuấn Anh cho biết, kinh tế Việt Nam mặc dù không tránh khỏi những tác động bất lợi từ quốc tế nhưng đã thấy sự phục hồi mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.
"Việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, những kết quả này có được là nhờ những chủ trương lãnh đạo đúng đắn của Đảng về ưu tiên củng cố các nền tảng vĩ mô trong quá trình phát triển; sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế suy giảm tăng trưởng. Kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, cho cả năm 2022, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD;
Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong 11 tháng tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6%, tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng tới 17,5%...
Ông Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... Mặc dù vậy, tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 vẫn vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
"Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới", Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định.
Bên cạnh những kết quả khả quan, ngoạn mục trong năm 2022, ông Trần Tuấn Anh cũng nhận định nền kinh tế đã bộc lộ nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi những quyết sách kịp thời.
"Cần nhận thức được những khó khăn thách thức lớn đặt ra, thậm chí lớn hơn trước mà nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phải đối mặt để kịp thời có những quyết sách, phương án ứng phó là những tiền đề quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn trong những năm tới", ông Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Giải ngân đầu tư công thấp, 11 tháng ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này tạo nên nghịch lý nền kinh tế thì thiếu vốn trong khi nguồn lực khá lớn của nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.
Cùng với đó, tình hình thế giới và khu vực năm 2023 cũng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột ở Ukraine; lạm phát tiếp tục ở mức cao và xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước vẫn tiếp tục; giá dầu thô, khí đốt, một số hàng hóa cơ bản biến động khó lường…
Ngoài ra, nguy cơ suy thoái kinh tế tại các nước đối tác lớn của Việt Nam được dự báo là đáng kể; thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các nước thu hẹp; thị trường tài chính tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn.
"Có thể thấy kinh tế thế giới đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn khi phải cùng lúc đối mặt với 2 vấn đề rất khó giải quyết đó là suy giảm kinh tế đi liền với lạm phát tăng cao", ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định năm 2022 quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam được nâng lên, tính tự chủ được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định, cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển sang chiều sâu, tăng độ mở nền kinh tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn.
Cũng theo ông Dũng, khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên, đời sống của người dân được cải thiện.
Tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra loạt nhóm giải pháp trọng tâm năm 2023 và định hướng lớn ưu tiên.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói nửa đầu quý IV/2022 hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động việc làm của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất.
"Bên cạnh đó, là quốc gia đang chuyển đổi và hội nhập nên nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; các đột phá chiến lược chưa có sự bứt phá...", ông Dũng chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT đưa ra 5 giải pháp, trong đó đáng chú ý là nền kinh tế cần lấy đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, nhất là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, vành đai 4 TP.Hà Nội, 3 TP.HCM...
Ngoài ra, cần phát huy nguồn lực con người, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... và cuối cùng là muốn phát triển phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
"Cần coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế", ông Dũng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.