Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề về Lành mạnh hoá thị trường tài chính và bất động sản, phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng tổ chức sáng nay 17/12, ông Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng của BIDV, chuyên gia tài chính tiền tệ đã đưa ra bức tranh chung của thị trường tài chính, trong đó nhấn mạnh đặc biệt đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sức khoẻ của thị trường chứng khoán.
Theo TS. Cấn Văn Lực, với việc siết lại tiêu chuẩn về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại Thông tư 16/2021 và Nghị định 65/2022, thị trường đối mặt với những điều chỉnh mạnh. Ông Lực đề nghị Chính phủ cho sửa đổi quy định pháp luật với mức độ "cân bằng" và phù hợp giữa "kiểm soát" rủi ro và "hỗ trợ" phát triển lành mạnh.
Về nhận định thị trường trái phiếu, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro liên thông giữa thị trường này với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023-2024. Đại diện BIDV đề xuất Chính phủ chỉ đạo có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi giải quyết rủi ro TPDN này.
Về phía Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Lực đề xuất hai cơ quan này nên sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số cố phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khắc phục hạn chế của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 hiện tại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo TS. Cấn Văn Lực, với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018-2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng TPDN đáng kể sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023- 2025 (khoảng hơn 700 nghìn tỷ đồng, chưa tính tiền lãi).
Hai nhóm ngành phát hành TPDN nhiều nhất là NHTM và bất động sản. Trong đó, TPDN được phát hành bởi các ngân hàng thương mại hầu như rất ít rủi ro, do đặc thù riêng, chủ yếu được phát hành bởi các ngân hàng có quy mô lớn, kết quả kinh doanh khá tốt và ổn định.
Bên cạnh đó, tính công khai, minh bạch được đảm bảo do các đa số NHTM đã được kiểm toán độc lập, kiểm toán quốc tế và niêm yết trên sàn chứng khoán; việc phát hành trái phiếu của NHTM phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn… Vì lẽ đó, các NHTM phát hành trái phiếu thường không có tài sản đảm bảo (chủ yếu đảm bảo bởi các đặc thù trên) và quy trình, thủ tục cũng có những khác biệt so với DN SXKD thông thường.
Đối với nhóm bất động sản, theo TS. Cấn Văn Lực, hiện các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 215.000 tỷ đồng năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022 là 50.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp xếp thứ 2 về khối lượng, sau các TCTD, với lãi suất trung bình là 10,35%/năm (theo VBMA).
Hiện doanh nghiệp bất động sản đang chiếm tỷ trọng 20% lượng trái phiếu phát hành, chỉ sau các TCTD. Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các DN BĐS cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới (khoảng 115 nghìn tỷ đồng/năm), chưa tính tiền lãi.
Đối với thị trường chứng khoán, ông Lực cho biết, dòng tiền vào TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh so với 2 năm trước. Hiện tượng này là do hầu hết những dòng tiền chính đổ vào TTCK Việt Nam thời gian qua đều giảm.
"Nhà đầu tư nước ngoài không còn được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ dễ dàng như trước do các gói hỗ trợ đã chấm dứt, lãi suất thấp đã không còn, thanh khoản thị trường tài chính toàn cầu eo hẹp hơn và hệ thống ngân hàng toàn cầu cũng thắt chặt điều kiện cho vay do e ngại rủi ro suy thoái, rủi ro tài chính toàn cầu tăng lên", TS. Lực nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo đại diện của BIDV, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước cũng bị hạn chế trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng do năng lực tài chính suy giảm, hạn mức tăng trưởng tín dụng kiểm soát chặt chẽ; phát hành TPDN khó khăn hơn sau những vụ việc vi phạm qui định vừa qua và quy định luật pháp theo hướng chặt chẽ hơn; giải ngân đầu tư công còn chậm, vòng quay vốn chậm, chi phí đầu vào tăng và doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau... khiến lượng vốn dành cho hoạt động đầu tư của DN bị giảm đi đáng kể.
TS. Cấn Văn Lực nêu, niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán đang giảm mạnh, lý do ngoài những tác động tiêu cực từ bối cảnh kinh tế thế giới cũng như rủi ro, thách thức gia tăng; tâm lý nhà đầu tư còn chịu ảnh hưởng từ những vụ việc vi phạm pháp luật, khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn, cùng các biện pháp chấn chỉnh TTCK và BĐS trong thời gian qua, cùng với một số thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
"Không chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp vi phạm mà còn cả những cổ phiếu khác cũng bị bán tháo do tâm lý lo ngại, thận trọng lan rộng, dẫn đến nhiều giá cổ phiếu giảm sàn", vị chuyên gia nhận định.
Theo ông Lực, nhiều nhà đầu tư đang bắt đầu dịch chuyển sang những kênh đầu tư ít rủi ro hơn như tiền gửi ngân hàng (đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng lên), dẫn đến việc thanh khoản thị trường sụt giảm, từ đó tạo ra vòng xoáy tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân và kéo giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu.
"Tâm lý đám đông khá phổ biến trên thị trường, tác động của tâm lý đám đông lên TTCK Việt Nam còn đặc biệt mạnh hơn so với ở những quốc gia khác", đại diện BIDV nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.