Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng chỉ số phát triển con người toàn cầu

Mỹ Hằng Thứ sáu, ngày 09/09/2022 19:48 PM (GMT+7)
Trong khi có tới hơn 90% các quốc gia trên thế giới bị giảm chỉ số phát triển con người trong 2 năm 2020 - 2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại, các nhóm cá nhân dễ bị tổn thương có những giai đoạn rất khó khăn, song Việt Nam vẫn duy trì được tiến độ phát triển con người.
Bình luận 0

Theo báo cáo phát triển con người toàn cầu 2020 - 2021 của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) công bố hôm nay 9/9 tại Hà Nội, giá trị chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021 về cơ bản không thay đổi so với năm 2019 (0,704).

Việt Nam đã tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu từ 117 trên 189 quốc gia vào năm 2019 lên 115 trên 191 quốc gia vào năm 2021. Với chỉ số 0,703, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm phát triển con người cao.

Đây là xu hướng khá tích cực của Việt Nam trong bối cảnh lần đầu tiên trong lịch sử 32 năm của báo cáo, chỉ số HDI giảm rộng trên tất cả các nước 2 năm liên tục: Có tới hơn 90% các quốc gia trên thế giới bị giảm chỉ số HDI trong 1  trong 2 năm 2020 - 2021, và 40% số quốc gia giảm trong cả 2 năm.

Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng chỉ số phát triển con người toàn cầu - Ảnh 1.

Giáo sư Jonathan Pincus - Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP (ngoài cùng bên trái) khẳng định Việt Nam có đủ khả năng khôi phục đà phát triển sau Covid-19. Ảnh: MH.

HDI dựa trên tổng thu nhập quốc dân trên đầu người, tuổi thọ trung bình và số năm đi học trung bình.

UNDP xác định, Việt Nam đã đạt được tiến bộ ổn định trong cả ba khía cạnh của HDI kể từ những năm 1990 nhờ những tiến bộ vượt bậc về y tế, giáo dục, kinh tế. Giáo sư Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của UNDP cho biết: Trong 2 năm qua, tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục mặc dù chậm hơn so với trước đại dịch. Nhưng Việt Nam vẫn là nền kinh tế mở và xuất khẩu mạnh mẽ. Chi tiêu cho giáo dục, y tế đã tăng, khả năng tiếp cận các dịch vụ này của người dân được cải thiện rất nhiều, bảo hiểm bao phủ nhiều hơn, tuổi thọ tiếp tục tăng.

Về tác động của đại dịch với thu nhập của người dân, ông Pincus trao đổi thêm với Dân Việt: Thu nhập có giảm nhưng chỉ xảy ra với một số nhóm người dân. Lĩnh vực nông nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều bởi giảm thu nhập, người nông dân vân chống chọi được với đại dịch, mà tác động nhiều nhất là nhóm người phụ thuộc vào lương, người lao động tự do, buôn bán nhỏ, lĩnh vực bán lẻ. Vì thế thu nhập trung bình vẫn không giảm. 

"Việc triển khai nhanh chóng và phổ cập vaccine đã giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường và giảm áp lực cho các bệnh viện, trạm y tế và trường học. Chính sách linh hoạt và thích ứng của Chính phủ đã giúp các ngành như du lịch và vận tải có thể phục hồi ấn tượng vào năm 2022".

(Giáo sư Jonathan Pincus)

"Việt Nam có đủ khả năng để khôi phục đà phát triển đã bị mất đi do Covid-19 và quản lý những bất ổn liên quan đến các cuộc khủng hoảng phân tầng được mô tả trong báo cáo" - Giáo sư Jonathan Pincus khẳng định. 

Tuy nhiên, UNDP khuyến cáo Việt Nam không nên chủ quan. Mặc dù nằm trong nhóm HDI cao và xếp thứ 115, song nếu xếp theo thứ hạng, Việt Nam vẫn ở mấp mé biên độ giữa "trung bình" và "cao". 115 là chỗ đứng cuối cùng trong nhóm cao. 

So sánh trong khu vực, Việt Nam vẫn thấp hơn khá nhiều nước như Hàn Quốc (xếp thứ 19), Malaysia (62), Thái Lan (66), Trung Quốc (79). Năm nay xếp trước Việt Nam là Indonesia (thứ 114) và ngay sau Việt Nam là Philippiné (116)

Bên cạnh đó vẫn còn những bất bình đẳng về tuổi thọ, giáo dục và thu nhập ở Việt Nam.

UNDP lưu ý rằng Việt Nam sẽ có nhiều thách thức trong thời gian tới. Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất, làm di dời người dân và sinh kế của họ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức độ phát triển con người ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

Thứ hai, sự phát triển kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào xu hướng tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới. Chiến tranh ở châu Âu, giá cả tăng cao và sự gián đoạn đối với các mô hình thương mại toàn cầu là những nguyên nhân quan trọng gây ra sự không chắc chắn.

Để duy trì HDI tiếp tục tăng, UNDP khuyến nghị Việt Nam tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu để nâng cao khả năng chống chịu của quốc gia và năng lực điều chỉnh nhanh chóng và linh hoạt trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.

Điều quan trọng là, hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam cần được hiện đại hóa để giúp mọi người dân có thể ứng phó được với rủi ro kinh tế và thiên tai và duy trì mức sống ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất. Kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 đã cho thấy có những điểm yếu trong hệ thống trợ giúp xã hội và bảo trợ xã hội. Việc số hóa đăng ký và cung cấp trợ giúp xã hội và dựa trên chứng minh nhân dân thay vì nơi cư trú tại địa phương sẽ giúp hệ thống phản ứng công bằng và nhanh chóng hơn trong những thời điểm rủi ro gia tăng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem