Việt Nam truyền cảm hứng về giảm nghèo cho bạn bè năm châu

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 11/12/2020 15:07 PM (GMT+7)
Hơn 30 năm thực hiện xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước đã giảm mạnh từ 58% (năm 1993), đến nay còn hơn 3,7% (năm 2019). Thành tựu lớn nhưng công tác giảm nghèo cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức.
Bình luận 0

Đây là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, diễn ra sáng nay (11/12).

Nhiều địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo ấn tượng

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. Mục tiêu, nhiệm vụ này được thể hiện đậm nét trong các văn kiện của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình của Chính phủ.

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết qua 10 năm thực hiện, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Việt Nam truyền cảm hứng về giảm nghèo cho bạn bè năm châu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, Tỷ lệ giảm nghèo bình quân cả nước từ 1-1,5%. Trong 4 năm, có 58% số hộ nghèo đã thoát nghèo. Ước tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,6%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đến nay, đã có 8/64 huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo 30A thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến cuối năm 2020, có 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo.

Việt Nam truyền cảm hứng về giảm nghèo cho bạn bè năm châu - Ảnh 2.

Chị Hà Thị Thảo (Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Lộ, Yên Bái) được vay vốn mua máy xay xát gạo chăn nuôi gia súc, gia cầm giảm nghèo. Ảnh: Trần Việt

Một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong giai đoạn 2015 - 2019, như huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) giảm 40,66%, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) giảm 39,96%, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) giảm 34,51%, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) giảm 33,52%.

Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 là 93.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo cũng còn những tồn tại, cần khắc phục trong giai đoạn tới, như: Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao, còn khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư; công tác rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo còn chậm,...

Giảm nghèo bằng cả lý trí và trái tim

Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, bậc nhất của Đảng, Chính phủ.

Sau hơn 30 năm, Việt Nam là hình mẫu xóa đói giảm nghèo, là câu chuyện truyền cảm hứng cho bạn bè 5 châu. Tuy nhiên, việc xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 cũng đối mặt với nhiều khó khăn do hứng chịu nhiều hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Chính phủ đã tăng nguồn lợi cho chính sách giảm nghèo với mức đầu tư rất lớn, lớn nhất trong khu vực ASEAN.

Tổng kết lại một số thành tựu của công tác giảm nghèo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tất cả thành tựu ấy đã đưa Việt Nam trở thành là quốc gia đầu tiên về đích sớm trong giảm nghèo, đạt mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ gửi lời cảm ơn sâu sắc tới hơn 50 tổ chức trên thế giới đã hỗ trợ Việt Nam trong công tác giảm nghèo thời gian qua.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia chịu nhiều thách thức trong biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh. Đây là thách thức lớn cần cả hệ thống chính trị, xã hội quyết tâm vượt qua. Thủ tướng cũng lưu ý nghèo đói là vấn đề toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo dịch bệnh có thể làm công cuộc chống đói nghèo bị thụt lùi tới một thập kỷ. 

"Bởi vậy, giảm nghèo giai đoạn tới là công việc của trí tuệ và trái tim. Chúng ta cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành các mục tiêu sắp tới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Việt Nam truyền cảm hứng về giảm nghèo cho bạn bè năm châu - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ thời gian tới, công tác giảm nghèo phải thực hiện 5 mục tiêu.

Một là Chính phủ sẽ trình ban hành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh bền vững vì một Việt Nam không có đói nghèo. Mục tiêu tới năm 2045, Việt Nam sẽ không còn hộ nghèo.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, ưu tiên người già, trẻ em... để không ai bị bỏ lại phía sau. Ưu tiên nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội để giảm nghèo. Chính phủ đã trình nghị quyết về quan tâm vùng dân tộc vùng núi.

Ba là tiếp tục đầu tư cho, giáo dục, dạy nghề nâng cao dân trí để giảm nghèo một cách hiệu quả.

Bốn là tất cả các địa phương phải thực hiện đổi mới, xem mục tiêu giảm nghèo là mục tiêu trọng tâm của địa phương. Trước mắt hỗ trợ nhà cửa, thuốc cho người dân để người dân không bị đói, con em được tới trường. Các lãnh đạo địa phương, đặc biệt địa phương bị thiệt hại bởi thiên tai phải quan tâm, xem tết này dân ăn tết thế nào. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị bỏ lại phía sau.

Năm là phải phát huy nâng cao tinh thần tự vươn lên thoát nghèo của người dân.

Thủ tướng nhắc lại lời Bác Hồ dặn trong những lúc khó khăn nhất của cách mạng: "Trong lúc nâng bát cơm ăn nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Bác nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta: Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân ốm, Đảng và Chính phủ có lỗi. Đảm bảo quyền lợi cho dân là đảm bảo chung nhất, nhưng đảm bảo quyền lợi cho người nghèo, người khó khăn, người có thu nhập quá thấp cần phải được quan tâm".

Thủ tướng đề nghị cả nước triển khai các mô hình mới, mỗi thôn, mỗi xã, mỗi huyện, mỗi tỉnh cần xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu, phù hợp với địa phương mình. Các mô hình phải thể hiện được sự sáng tạo, bắt đầu từ trẻ em. Các địa phương giàu hỗ trợ địa phương nghèo, cấp ủy phân công đảng viên hỗ trợ người nghèo. Ngoài ra cần phát động phong trào thi đua giảm nghèo sáng tạo, bền vững, linh hoạt ở từng thôn, từng xã, từng huyện, từng tỉnh.

"Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2019: 3,75%; năm 2020 dự kiến còn 2,75%. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2019, chúng ta đã giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. Tốc độ giảm nghèo trung bình đạt 2%".

Báo cáo của Bộ LĐTBXH

Báo Nông thôn ngày nay đạt giải B viết về công tác giảm nghèo

Bên lề Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác giảm nghèo, Bộ LĐTBXH cũng công bố quyết định công nhận và trao giải thưởng Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo.

Trong số đó có 11 tác phẩm đạt giải ở thể loại báo in, 10 giải ở thể loại báo mạng điện tử, 9 giải ở thể loại báo truyền hình, 10 giải báo phát thanh.

Trong hạng mục báo in, có một giải A thuộc về tác phẩm "Đổi mới tư duy trên đồng đất" của nhóm tác giả báo Vĩnh Long. Có 2 giải B, trong đó một giải B của Báo NTNN/Dân Việt thuộc nhóm tác giả: Minh Nguyệt; Huỳnh Xây; Chúc Ly; Chiến Hoàng và một giải B của Báo Phú Yên về bài "Khi ý Đảng hợp lòng dân".

img

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao giải cho các tác giả đạt giải A và B trong cuộc thi viết về công tác giảm nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem