Đó là những thông tin được đề cập tại Hội nghị quốc tế về gạo tổ chức tại TP.HCM trong ngày 20.10.
Liên tục trong nhiều ngày qua, giá lúa tại ĐBSCL tăng mạnh từ 7.000 đồng/kg lên 7.300 đồng rồi 7.500 - 7.600 đồng/kg vào ngày 19.10. Giá xuất khẩu cũng đã tăng lên 575 - 590 USD/tấn gạo 5% tấm (giá FOB), tăng 10 - 15 USD/tấn so với tuần trước.
Theo nhận định của đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa đang bị đẩy lên cao là do thị trường đang hút hàng nhưng trong dân không còn lúa để bán.
|
Tại thời điểm này, gạo VN có ít người mua. |
“Thị trường Việt Nam gần như “đóng băng” vì không có người mua lẫn người bán do lượng dự trữ trong dân hầu như không còn. Doanh nghiệp cũng không ký được hợp đồng nào mới, chỉ tập trung giao các hợp đồng cũ” – ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) thông tin.
Tình trạng ngừng giao dịch này dự báo sẽ còn kéo dài cho đến khi Việt Nam hết lũ và bước vào thu hoạch rộ vụ thu đông. Tương tự như thế, thị trường xuất khẩu gạo Thái Lan cũng sẽ chỉ hồi phục sau khi đất nước này hết lũ lụt.
Các thương gia cho rằng tình trạng khó khăn về hậu cần và giá cao ở Thái Lan, Việt Nam có thể khiến việc nhập khẩu vào Indonesia, châu Phi và Trung Đông bị chậm lại. Và bởi những lý do trên, các thương nhân thế giới đang chuyển hướng sang tìm kiếm các nguồn cung khác có giá rẻ hơn như Ấn Độ và Pakistan. Hiện giá gạo Ấn Độ đang rẻ hơn khoảng 110 - 140 USD/tấn so với gạo Việt Nam và Thái Lan với giá chào bán từ 460 – 470 USD/tấn tùy loại.
Tại hội nghị, các thương nhân thế giới đang khá chú ý đến gạo đồ của Việt Nam. Phần lớn đánh giá rằng chất lượng gạo đồ của Việt Nam hơn hẳn một số nước trong khu vực. Trong năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 60.000 tấn gạo đồ và sẽ hướng tới mục tiêu xuất khẩu 300.000 – 400.000 tấn/năm trong tương lai.
Ngọc Minh - Đình Thức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.