VietABank bị khách hàng tố mất 170 tỷ tiết kiệm đang kinh doanh thế nào?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 04/01/2019 14:14 PM (GMT+7)
Trong giới tài chính, ông Phương Hữu Việt được nhiều người biết đến khi cùng Tập đoàn Đầu tư Việt Phương góp vốn và trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Việt Á (VietABank). Ngân hàng này không chỉ có kết quả kinh doanh trồi sụt còn sự thay đổi nhận sự chóng mặt chỉ trong vòng 1 năm.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, VietABank vừa bị bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Triệu Hùng Cường (tổ 6, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tố cáo làm "bốc hơi" 6 món tiền với tổng số 170 tỷ đồng có kỳ hạn tại VietABank, Phòng giao dịch Đông Đô (18 T1, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và đến nay vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng cho khách hàng. 

Ông Phương Hữu Việt là ai?

VietABank được biết đến là một ngân hàng TMCP nhỏ được thành lập năm 2003. Đến đầu năm 2011, ông Phương Hữu Việt, Đại hiểu quốc hội các khóa X, XI, XII và XIII và Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, đã rót 510 tỷ đồng và trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Việt Á. Đến tháng 8.2011, ông Việt trở thành Chủ tịch của Ngân hàng này. 

CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương do ông Phương Hữu Việt làm Chủ tịch HĐQT là một doanh nghiệp có tiếng được thành lập từ năm 1996 và hoạt động trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, tài chính ngân hàng, khoáng sản, đồ uống, thương mại – du lịch. Trong đó, ông Phương Hữu Việt và người thân sở hữu tới 95% cổ phần tại doanh nghiệp này.

img 

Cơ cấu cổ đông ngân hàng Việt Á hiện nay

Tập đoàn của ông Phương cũng có không ít tai tiếng như chưa thực hiện huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động để được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện, thẻ an toàn theo quy định, chậm nộp cấp quyền khai thác khoáng sản trên 3,2 tỷ đồng. Hay như những lùm xùm quanh việc thâu tóm đất vàng Sơn Trà 14 năm mà tới nay vẫn chỉ là một đại công trường hoang tàn, đổ nát…

Kết quả kinh doanh trồi sụt

Quay trở lại với VietABank, sau khi trở thành cổ đông lớn, VietABank đã dính vào vụ “lùm xùm” liên quan đến việc nhóm cổ đông của ông Phương Hữu Việt đã đem cầm cố và chuyển nhượng cổ phần VietABank cho nhiều TCTD mặc dù chưa hoàn thành quá trình mua bán cổ phần với VietABank.

Cùng với vụ “lùm xùm” đó là sự đi xuống trong kết quả hoạt động kinh doanh. Cụ thể, năm 2012, lợi nhuận trước thuế của VietABank là 211 tỷ đồng, năm 2013 giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 76 tỷ đồng và giảm về mức 60 tỷ đồng trong năm 2014.

Năm 2014 cũng chính là mốc thời gian quan trọng khi VietABank tái cấu trúc ngân hàng bằng cuộc cải tổ toàn diện với việc chuyển trụ sở ra Hà Nội và dự kiến thay đổi cả thương hiệu nhận diện. Những động thái này được xem là bước đi tái cấu trúc giống với Ngân hàng Quốc Dân (Navibank trước đây). Cả hai ngân hàng nhỏ này đều có điểm chung là đang phải gồng mình tái cấu trúc trong bối cảnh ngành ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngay sau đó, năm 2015 lợi nhuận của ngân hàng này bứt phá lên tới 115 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với năm 2014, nhưng lại giảm xuống 106 tỷ đồng trong năm 2016.

img 

Đáng lưu ý, theo BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2017 của VietABank, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt 122 tỷ, thấp hơn 28 tỷ so với trước kiểm toán. Lý do là vì trích lập dự phòng rủi ro tín dụng sau kiểm toán tăng 29 tỷ đồng so với trước đó, lên hơn 308 tỷ.

Bên cạnh đó, phân loại chất lượng dư nợ cho vay khách hàng có sự chênh lệch đáng kể sau soát xét, khiến cho tổng nợ xấu tăng thêm 390 tỷ đồng, còn nợ đủ tiêu chuẩn giảm tương đương xuống còn 33.165 tỷ đồng.

Sự phân loại chưa chuẩn so với kiểm toán khiến tỷ lệ nợ xấu của VietABank cũng tăng lên, ở mức 2,7% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng sau soát xét, thay vì mức 1,5% tính toán ban đầu.

Tổng nợ xấu tại VietA Bank tăng 265 tỷ đồng, tương ứng 40,7% so với năm 2016. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, tăng 541 tỷ đồng, tương ứng 162% lên 875 tỷ đồng. Trong khi con số nợ xấu tăng lên, ngân hàng này lại thực hiện cắt giảm 15% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Cũng phải nói thêm rằng, trong năm 2017, việc cắt giảm dự phòng rủi ro tín dụng đã “cứu” hàng loạt hoạt động thua lỗ của VietABank. Thu nhập lãi và các khoản thu nhập lãi tương tự tăng trưởng mạnh không bù đắp được sự yếu kém của hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh.

Cụ thể, thu nhập lãi và các khoản thu nhập lãi tương tự tăng mạnh từ 3.141 tỷ đồng lên 4.130 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kinh doanh lần lượt khiến ngân hàng thua lỗ 7 tỷ đồng, 42,9 tỷ đồng và 82,5 tỷ đồng.

Còn theo BCTC quý III.2018, VietABank ghi nhận 138,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cao hơn so với cùng kỳ năm trước song chỉ đạt 44% kế hoạch năm.

Đặc biệt, trong khi hầu hết các NHTM đang tích cực gia tăng sự đóng góp lợi nhuận từ mảng dịch vụ thay vì chỉ trông chờ vào lợi nhuận từ hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo sự bền vững cho hoạt động của ngân hàng thì VietAbank trong 9 tháng đầu năm nay thu nhập lãi thuần vẫn tăng trên 17% song lợi nhuận từ dịch vụ tiếp tục âm 5,7 tỷ đồng.  

img 

Theo báo cáo tài chính quý III.2018 của VietABank

Bên cạnh lợi nhuận giảm sút, tổng tài  sản của ngân hàng này cũng không ngừng trồi sụt qua từng quý. Tính đến 30.9.2018, tổng tài sản của VietABank đạt 63.277 tỷ đồng, giảm 1,8% so với cùng kỳ.

Nếu so với toàn ngành, quy mô tài sản của VietABank vẫn duy trì ở mức thấp

 VietABank có 3 đời Tổng Giám đốc trong 1 năm

Ngân hàng TMCP Việt Á ra đời từ năm 2003 trên cơ sở hợp nhất Công ty Tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng. Cổ đông lớn là CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương do ông Phương Hữu Việt là Chủ tịch HĐQT.

Hiện tại, ông Việt cũng là chủ tịch HĐQT của VietABank. Vợ con ông không thấy có tên trong danh sách sở hữu cổ phần cổ phiếu nhưng người cháu gái là Phương Thanh Nhung, từng là Tổng giám đốc và hiện là Phó chủ tịch HĐQT thì sở hữu hơn 4% vốn của ngân hàng, cùng với chồng của chị Nhung là Trần Việt Anh cũng sở hữu trên 2% vốn tại ngân hàng này.

VietAbank được biết đến không chỉ là ngân hàng do đại biểu quốc hội là ông Phương Hữu Việt làm Chủ tịch HĐQT mà còn là ngân hàng có kỷ lục một năm thay Tổng giám đốc tới 3 lần.

Biến động nhân sự cấp cao tại VietABank kể từ khi ông Phạm Duy Hưng, nguyên Tổng giám đốc thôi nhiệm theo nguyện vọng cá nhân năm 2012, vị trí này đã bị khuyết Tổng giám đốc chính danh khi bà Phương Thanh Nhung chỉ là Quyền Tổng giám đốc.

img 

Hơn 2 năm sau bà Nhung mới chính thức ở vị trí Tổng giám đốc từ tháng 10.2015 đến tháng 5.2016.

Tháng 11.2016, ông Lê Xuân Vũ được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc. Ngay sau đó không lâu, tháng 3.2017 ông Vũ vì lý do cá nhân xin nghỉ việc và ông Nguyễn Văn Hảo, Tổng giám đốc hiện nay của VietABank được bổ nhiệm cho vị trí Quyền Tổng giám đốc VietABank kể từ ngày 21.3.2017.

Trong 1 diễn biến mới đây, VietABank bị 2 khách hàng là bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Triệu Hùng Cường (tổ 6, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) gửi đơn tố cáo liên quan đến khoản tiết kiệm trị giá 170 tỷ đồng “không cánh mà bay”. VietABank đến nay vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng khiến khách hàng bức xúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem