Vietcombank, LPBank bất an vì những thay đổi không được cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia
Ngân hàng bất an vì những thay đổi không được cập nhật trên Cổng thông tin quốc gia
Vũ Khoa
Thứ tư, ngày 21/08/2024 06:20 AM (GMT+7)
Đại diện các ngân hàng bày tỏ về những thay đổi của ngân hàng rất lâu rồi nhưng không được Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp không cập nhật gây ra hàng loạt bất cập cho doanh nghiệp.
Tại "Hội nghị gặp mặt trao đổi, tháo gỡ các khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024" do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội tổ chức, một ngân hàng cho biết, ngày 5/7/2024 có thay đổi đăng ký doanh nghiệp, cụ thể là thay đổi tên ngân hàng.
Theo nội dung Luật các tổ chức tín dụng mới có ghi rõ, Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp, chính đồng thời là Giấy đăng ký, và ngân hàng sẽ không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến điều khoản chuyển tiếp thông tin tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT), mà sẽ do cơ quan Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
"Ngân hàng Nhà nước sau đó đã gửi công văn tới Sở KH&ĐT, phía ngân hàng đã lên Sở trực tiếp và đã được Phòng Đăng ký kinh doanh hướng dẫn, chỉ ra các điểm có sự chênh giữa Luật các tổ chức tín dụng và các Thông tư, Nghị định hướng dẫn liên quan của Bộ KH&ĐT. Trong đó có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thuế, xuất hóa đơn", đại diện ngân hàng ngân hàng cho biết.
Cụ thể, trong quá trình hoạt động, các đối tác, khách hàng, các cơ quan quản lý nhà nước... đều tra cứu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký để tra cứu thông tin về ngân hàng nhưng chỉ xuất hiện thông tin cũ. Do đó, ngân hàng này phải cung cấp trực tiếp rất nhiều các hồ sơ liên quan để chứng minh tên ngân hàng đã thay đổi, mất công và tiêu tốn nhiều nguồn lực.
Một ví dụ khác, khi làm việc với Sở Công thương tại các tỉnh, thành phố, liên quan đến các chương trình khuyến mại, và các thông báo chương trình khuyến mại nhưng có chỗ nhận, chỗ không do thông thường hoạt động này được thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin đăng ký quốc gia về doanh nghiệp, qua chữ ký số.
Tương tự, Trưởng phòng Pháp chế Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Văn Phương cũng nêu ra vướng mắc của ngân hàng. Theo đó, từ 1/7 cho đến nay, ngân hàng có thay đổi người đại diện pháp luật.
Ông Phương cho biết, theo quy định phải gửi văn bản sang Ngân hàng Nhà nước, và cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước sẽ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh các tỉnh, nơi có trụ sở chính của Vietcombank.
Thế nhưng khi tra cứu trong hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì không có tên của người đại diện theo pháp luật mới. Đối với tổ chức ngân hàng như Vietcombank, các cổ đông rất quan tâm đến người đại diện pháp luật trong các giao dịch, người đại diện theo pháp luật là ai... ảnh hưởng tới cả hoạt động chứng khoán của ngân hàng.
"Đã gần 2 tháng nay, chúng tôi không làm được việc cập nhật hệ thống thông tin trên hệ thống quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Dù khi thông qua một phần Luật các tổ chức tín dụng, Quốc hội đã đưa ra yêu cầu đối với Chính phủ phải đảm bảo không làm ngắt quãng về hành lang pháp lý và không làm ảnh hưởng đến đối tượng bị tác động bởi Luật", đại diện Vietcombank chia sẻ. Đồng thời, ông Phương cho rằng đối với vướng mắc này, nếu Cục chưa có văn bản hướng dẫn thì Sở KH&ĐT các địa phương cũng không làm được.
Cần có văn bản cấp thiết?
Trả lời kiến nghị của đại diện các ngân hàng, Phó Trưởng phòng Giám sát đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT Trương Tuấn Anh cho biết rất chia sẻ với bức xúc của doanh nghiệp. Trong câu chuyện vướng mắc của các ngân hàng, ông Tuấn Anh cho rằng một điều quan trọng nhất liên quan đến câu chuyện này là điều khoản chuyển tiếp, hiện tại bây giờ Luật không có quy định.
Phía Cục cũng nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước ngày 15/8, đề nghị xây dựng, sửa đổi Nghị định 01/2021/NĐ-CP liên quan đến đăng ký doanh nghiệp. Trong đó, có nội dung sửa đổi các nội dung liên quan đến điều khoản chuyển tiếp đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã được cấp đăng ký doanh nghiệp. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh là đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng.
Theo ông Trương Tuấn Anh, bản chất Ngân hàng Nhà nước là cơ quan cấp phép, là cơ quan có thẩm quyền cấp sửa đổi bổ sung các giấy phép theo quy định. Có nghĩa rằng, theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, các ngân hàng sau khi được chấp thuận, đương nhiên sẽ hoạt động theo giấy phép đó.
"Trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chúng tôi quản lý về doanh nghiệp, có nghĩa rằng mấu chốt liên quan đến các giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp", ông Trương Tuấn Anh phân tích và so sánh với việc cấp căn cước công dân, căn cước mới đương nhiên hoạt động, vậy đối với Chứng minh nhân dân cũ, cơ quan quản lý nhà nước đang tìm phương án để xử lý, hành xử.
"Trong quá trình xây dựng Nghị định 01, chúng tôi cũng đã rất thiết tha mời Ngân hàng Nhà nước và những cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc chúng ta hành xử làm sao với Chứng minh nhân cũ", đại diện Phòng Giám sát đăng ký kinh doanh nói thêm.
Đồng thời, ông Trương Tuấn Anh khẳng định ngay sau Hội nghị sẽ báo cáo với lãnh đạo Cục, hoặc cao hơn là lãnh đạo Bộ về câu chuyện xử lý những văn bản cấp thiết, xử lý một cách rõ ràng.
"Liên quan đến trường thông tin về trường thông tin về người đại diện pháp luật, chúng tôi đã sẽ tìm mọi cách để xử lý thông tin về người đại diện pháp luật. Trong quá trình xây dựng Luật tổ chức tín dụng tôi có được tham gia và hiện tại Luật đã được thông qua.
Hiện tại theo lộ trình, dự kiến sau khi có kết quả chốt lại với Tổng cục thuế, thì chúng tôi sẽ trình Bộ Tư pháp thẩm định và sẽ trình Chính phủ, dự kiến theo đúng kế hoạch trong cuối tháng 9, hiệu lực sau 45 ngày theo quy trình thông thường của ban hành nghị định", ông Tuấn Anh cho biết.
Liên quan đến Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Tuấn Anh cho biết, sẽ trao đổi với bộ phận quản lý xem việc cập nhật được diễn ra như thế nào. Đối với cơ quan đăng ký kinh doanh, khi tiếp nhận thông tin đăng ký từ ngân hàng nhà nước sẽ tiếp nhận.
"Đối với những hành xử của doanh nghiệp đã cung cấp trước ngày 15/7, đến hiện tại chúng tôi chưa đưa ra được giải pháp cuối cùng để trình Chính phủ là sửa đổi Nghị định 01 do vậy, chúng tôi xin phép được ghi nhận. Về phương án kỹ thuật, chúng tôi sẽ có phương án trả lời sớm nhất", ông Trương Tuấn Anh chia sẻ.
Phản hồi câu trả lời của đại diện Phòng Giám sát đăng ký kinh doanh, ông Nguyễn Văn Phương tỏ ra bất an và cho rằng vì ngân hàng phải kinh doanh hàng ngày, nên nếu phải đợi tới cuối năm 2024 mới có văn bản sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp. Chưa kể, những ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán, vốn luôn cần thông tin minh bạch, rõ ràng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.