Vietnam Airlines: Lo phá giá, lại “xin” chính sách riêng cho hàng không

H.Anh Thứ hai, ngày 06/12/2021 07:17 AM (GMT+7)
Vietnam Airlines đề xuất, Nhà nước điều tiết giá vé phù hợp với cung cầu thị trường và lợi ích của các hãng hàng không, chống bán phá giá để đảm bảo các hãng cạnh tranh lành mạnh, không làm suy yếu và triệt tiêu lẫn nhau.
Bình luận 0

Tham luận trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: "Phục hồi và phát triển bền vững", dẫn tính toán của các chuyên gia quốc tế, đại diện hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP quốc gia 1%.

Nắm rõ tầm quan trọng của ngành hàng không, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và các cấp, các ngành đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ ngành hàng không với quy mô lớn, đồng bộ.

Điển hình một số chính sách đã triển khai cho ngành hàng không như hỗ trợ giảm 30% thuế bảo vệ môi trường cho giai đoạn 2021-2021, giảm 50% phí hạ cất cánh điều hành bay nội địa 2020-2021, kiểm soát việc thành lập các hãng hàng không mới trong giai đoạn Covid-19 tạm thời đến hết 2022...

Vietnam Airlines: Lo phá giá, “xin” chính sách riêng cho hàng không - Ảnh 1.

Các hãng hàng không hoạt động tại sân bay Nội Bài. Ảnh: CTV

Đối với Vietnam Airlines, trong vai trò chủ sở hữu, Chính phủ đã có gói giải pháp 12.000 tỷ đồng để tạo đà cho Vietnam Airlines vượt qua khó khăn và phục hồi, đồng thời cho phép trích khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng máy bay, động cơ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo các tổ chức quốc tế cũng như đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, khó khăn mấu chốt mà ngành hàng không phải đối mặt hiện nay nằm ở diễn biến không thể lường trước của dịch Covid-19.

Do đó, kể cả khi thực hiện tất cả giải pháp nội lực và các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, với tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài như hiện tại, ngành hàng không chắc chắn sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khả năng thanh toán và duy trì hoạt động liên tục.

Đứng trước tình hình đó, theo Vietnam Airlines các hãng hàng không đều hy vọng Nhà nước tiếp tục có những quyết sách mới, kịp thời và đủ liều lượng để hỗ trợ các doanh nghiệp, chuẩn bị hướng tới giai đoạn phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.

Trong đó, các giải pháp chính cần được cân nhắc, xem xét trong giai đoạn 2022-2025 như điều tiết thị trường hàng không để hướng đến sự khôi phục, phát triển bền vững là rất quan trọng - theo đại diện Vietnam Airlines.

Một số vấn đề liên quan và mang tính cấp thiết hiện nay có thể kể đến như: Xem xét phê duyệt cấp phép kinh doanh vận tải hàng không cho hãng hàng không mới và cấp đăng ký tàu bay bổ sung phù hợp với khả năng vận hành của các hãng, năng lực hạ tầng sân bay và tốc độ tăng trưởng của thị trường;

Điều tiết giá vé phù hợp với cung cầu thị trường và lợi ích của các hãng hàng không, chống bán phá giá để đảm bảo các hãng cạnh tranh lành mạnh, không làm suy yếu và triệt tiêu lẫn nhau nhằm bảo vệ năng lực chung của cả ngành hàng không Việt Nam trước các hãng nước ngoài;

Đồng thời, cân đối giá vé máy bay với giá các loại hình vận tải khác; mở cửa có lộ trình đối với các hãng hàng không nước ngoài để bảo vệ các hãng hàng không trong nước.

Hai là, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét duy trì và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để tăng cường năng lực tài chính, duy trì hoạt động liên tục và tạo đà phát triển cho các hãng hàng không như hỗ trợ giảm thuế phí nộp ngân sách nhà nước, giảm thêm về thuế bảo vệ môi trường, giảm giá dịch vụ điều hành bay và dịch vụ cảng hàng không, hỗ trợ người lao động bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cơ cấu nợ vay, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, miễn giảm các khoản vay bảo lãnh Chính phủ.

Vietnam Airlines: Lo phá giá, “xin” chính sách riêng cho hàng không - Ảnh 2.

Vietnam Airlines kiến nghị các cơ quan nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét duy trì và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để tăng cường năng lực tài chính, duy trì hoạt động liên tục và tạo đà phát triển cho các hãng hàng không. (Ảnh: CTV)

Thứ ba, điều kiện căn bản nhất để ngành hàng không có cơ hội phục hồi là tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch hiệu quả.

Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước cần có sự chung tay phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực hàng không để có chính sách riêng cho lĩnh vực này nhằm xây dựng sản phẩm dịch vụ an toàn, đồng thời cần có hướng dẫn, quy định rõ ràng về lộ trình mở cửa đường bay theo từng giai đoạn để các hãng chủ động xây dựng kế hoạch khai thác, hạn chế tình trạng mở bán vé ồ ạt hay giảm giá vé sâu làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các hãng và lợi ích của khách hàng.

Thứ tư, các cơ quan quản lý cũng cần có giải pháp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, để quản lý tiêu chuẩn phòng chống dịch, đồng bộ hóa và kiểm soát dữ liệu tiêm chủng hiệu quả nhằm tối ưu công tác quản lý của các cơ quan cũng như hãng hàng không, giúp khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin, tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn trong quá trình đi máy bay và trải nghiệm dịch vụ.

Riêng với Vietnam Airlines, theo đại diện hãng này, rất cần có các phương án tạo điều kiện cho hãng thực hiện vai trò chủ lực của doanh nghiệp nhà nước và của hãng hàng không quốc gia trong lĩnh vực hàng không, thực hiện được các chiến lược kinh doanh và đầu tư đã hoạch định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem