"Vietnam Airlines tập trung thực hiện dự án mua 50 máy bay trong năm 2021"

Quang Dân Thứ ba, ngày 13/10/2020 07:33 AM (GMT+7)
Trong năm 2021, Vietnam Airlines tập trung thực hiện dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp, tái cơ cấu đội tàu bay và cấu hình tàu bay phù hợp nhu cầu thị trường.
Bình luận 0

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh vừa liên tiếp có các buổi làm việc với các tập đoàn, tổng công ty lớn để cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, khẩn trương có các giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của dịch. 

Tập trung thực hiện dự án đầu tư 50 tàu bay trong năm 2021

Trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, tính đến hết tháng 8/2020, số chuyến bay chỉ đạt 65.000 chuyến, bằng 59,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Số hành khách là 9,33 triệu người, bằng 57,2% cùng kỳ 2019; vận chuyển hàng hóa 130.500 tấn, bằng 57,5% cùng kỳ 2019. Doanh thu công ty mẹ đạt 25.075 tỷ đồng, bằng 47,7% cùng kỳ 2019; doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 32.009 tỷ đồng.

"Vietnam Airlines tập trung thực hiện dự án mua 50 máy bay trong năm 2021" - Ảnh 1.

Trong năm 2021, Vietnam Airlines tập trung thực hiện dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp

Theo ông Hòa, trước những diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19, Vietnam Airlines chủ động cắt giảm chi phí và tiết kiệm được hơn 5.000 tỷ đồng.

Đồng thời, hãng hàng không quốc gia tìm cách đi vay ngắn hạn, cơ cấu lại nợ vay và đàm phán với đối tác để giãn, hoãn tiến độ thanh toán gần 3.700 tỷ đồng. Năm nay, Vietnam Airlines cũng chỉ sử dụng 66-68% lao động, qua đó tổng chi phí dành cho lao động giảm 3.500 tỷ đồng.

Cũng tại buổi làm việc, ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines đã chia sẻ kế hoạch xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh 2021-2025. Trong đó, đánh giá, dự báo và xây dựng các kịch bản về thị trường hàng không trong những năm tới. Riêng trong năm 2021, doanh nghiệp tập trung thực hiện dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp, tái cơ cấu đội tàu bay và cấu hình tàu bay phù hợp nhu cầu thị trường.

Trong bối cảnh tất cả các hãng hàng không đều gặp khó khăn, Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao các giải pháp Vietnam Airlines trong việc ứng phó dịch Covid-19, thể hiện rất rõ vai trò, vị thế của hãng hàng không quốc gia trong hoạt động khai thác, vận chuyển an toàn ổn định, ngoài ra còn hỗ trợ chống dịch chung.

Lãnh đạo UBQLVNN cho rằng, Vietnam Airlines cần xây dựng các kịch bản chi tiết, bên cạnh “kịch bản tốt” khi tình hình dịch bệnh được khống chế, tiến triển khả quan, có cả “kịch bản xấu” nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài hơn so với dự kiến. Từ đó, chuẩn bị được những phương án điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với thực tế, cân đối tài chính và nỗ lực đàm phán tháo gỡ khó khăn.

VRG kiến nghị được chuyển mục đích sử dụng đất

Trong khi đó, tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su (VRG), ông Huỳnh Văn Bảo - Tổng Giám đốc VRG cho biết, dịch Covid-19 đã tác động mạnh, làm thay đổi hoàn toàn kế hoạch kinh doanh. Mức lợi nhuận năm 2020 có khả năng chỉ đạt 65% kế hoạch và cổ tức dự kiến có thể đạt khoảng 4%, giảm 2% so kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Tuy nhiên, kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp nhất của Tập đoàn có thể thực hiện được nếu cơ chế về thoái vốn đầu tư được Ủy ban và cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và một phần cổ phiếu mà Tập đoàn đang và sẽ thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG thực hiện được trong năm 2020.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã xác định tái cơ cấu tỷ trọng ngành nghề kinh doanh đến năm 2025 theo hướng giảm diện tích cao su. VRG sẽ duy trì ổn định khoảng 300.000-320.000 ha cao su, nhưng vẫn bảo đảm sản lượng khai thác trên 400.000 tấn, tăng 30% so với hiện nay.

"Vietnam Airlines tập trung thực hiện dự án mua 50 máy bay trong năm 2021" - Ảnh 3.

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh, làm thay đổi hoàn toàn kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su

Bên cạnh đó, tập đoàn dự kiến tăng quy mô ngành công nghiệp cao su qua xem xét việc tham gia đầu tư vào các nhà máy sản xuất săm, lốp xe theo hình thức mua bán, sáp nhập (M&A) của các công ty đã có thương hiệu đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch HĐQT VRG kiến nghị được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khi các công ty cao su đủ năng lực thực hiện dự án. Theo ông Thuận, đây là cơ chế rất quan trọng, nếu không thực hiện được cơ chế này thì Tập đoàn sẽ mất nguồn lực để tăng trưởng, không đủ nguồn để tái đầu tư vào lĩnh vực khác, giảm doanh thu, lợi nhuận và ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động.

Lãnh đạo Tập đoàn này cũng kiến nghị cho phép sử dụng một phần lợi nhuận sau thuế thu nhập DN của Công ty mẹ - Tập đoàn (khoảng từ 3-5%) hình thành nên quỹ tập trung nhằm mục đích hỗ trợ các DN trong vùng cao su.

VRG có vốn tại 5 công ty thủy điện, Tập đoàn đã thực hiện việc chào bán trọn lô cổ phần tại cả 5 công ty thủy điện nhưng đang gặp vướng mắc về chuyển nhượng cổ phần.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBQLVNN phân tích, vướng mắc hiện nay của VRG là giải phóng nguồn lực đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng sang khu công nghiệp chủ yếu liên quan tới Nghị quyết 60 của Quốc hội và Luật Đất đai nên UBQLVNN sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

Về thoái vốn tại 5 công ty thủy điện, ông Nguyễn Hoàng Anh lưu ý Tập đoàn xử lý dứt điểm, không được để thất thoát vốn nhà nước. Tập đoàn cần bám sát kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phối hợp với UBQLVNN xây dựng kế hoạch 5 năm tới, đảm bảo mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem