Việt Nam cần phát triển đại học minh bạch, khỏe khoắn

Thứ hai, ngày 02/09/2013 07:09 AM (GMT+7)
Con người Việt Nam thật giàu sức sống, lòng hiếu khách và niềm tin yêu vào sự tiến bộ của thế giới. Thế nhưng tôi thấy các bạn vẫn chưa thay đổi gì nhiều trong việc đầu tư cho môi trường phát triển nghiên cứu khoa học…
Bình luận 0
GS Jack Steinberger (93 tuổi, người Mỹ) đã thành một huyền thoại về tình yêu Việt Nam.

Là người nhiều tuổi nhất tại Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9 (Bình Định 2013), giáo sư vẫn làm việc say mê tại tất cả các hội thảo, lại hết sức cởi mở với mọi người trong những giờ giải lao hiếm hoi. Cuộc trò chuyện với phóng viên NTNN đã được ông sẵn sàng mở lòng đến khi nào “hết tò mò”.

img

Khoa học đã cho tôi sức mạnh


Chào giáo sư, tuổi cao nhưng trông ông vẫn tràn đầy tuổi trẻ…


- Anh ngồi phía bên này, chứ tai bên kia của tôi nghe được rất ít đấy! Tôi đã quá già rồi đấy nhé, nhưng không hề gì! Khoa học đã cho tôi sức mạnh (cười vui).

Vì điều gì ông đã đến Việt Nam 20 năm trước và lần này?

- Tôi có một tình bạn sâu sắc với GS Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam. Năm 1968, tại Pháp, tôi gặp GS Vân – một người Việt Nam đặc biệt yêu khoa học và đất nước mình; rồi 45 năm qua, chúng tôi là đôi bạn thân thiết, thường xuyên gặp nhau trong những lần dự hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế.

Đến Việt Nam lần đầu năm 1993, theo lời mời của GS Vân, tôi phải tốn rất nhiều thời gian với vô số thủ tục hành chính khắt khe, qua nhiều cửa kiểm soát chặt về thủ tục xuất cảnh. Thế nhưng tôi cũng đã lên được máy bay tới Hà Nội dự Tuần lễ khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ nhất do vợ chồng GS Vân tổ chức.

Từ sự kính trọng GS Vân, tôi ủng hộ tâm huyết của vợ chồng ông về những gì họ đã và đang làm cho nền khoa học và giáo dục Việt Nam. Tôi cũng cảm thấy mình có lỗi vì những gì mà nước Mỹ đã gây ra cho người dân nơi đây trong những năm tháng chiến tranh; tôi muốn góp phần xoa dịu nỗi đau, mất mát mà Việt Nam đã gánh chịu, để kết nối tình hữu nghị giữa Mỹ và Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi thấy mình chưa giúp được nhiều và sau lần này, chẳng biết tôi có còn đủ sức trở lại Việt Nam nữa hay không. Tôi tin rằng trong tương lai gần, nếu đất nước các bạn quan tâm ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học, công nghệ thì các bạn sẽ hái quả ngọt.

Vì thế ông đã viết thư cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton đề nghị xóa bỏ cấm vận Việt Nam?

- Lâu quá rồi, tôi không còn nhớ chi tiết của sự việc này (cười). Tôi viết lá thư ấy tháng 12.1993 khi đang ở Hà Nội, có đưa GS Vân và một số bạn bè xem, rồi mới gửi đi. Lúc đó, tôi khá tự tin nhưng cũng nghĩ ông Tổng thống Bill Clinton chẳng có thời gian đâu để đọc, chắc số phận lá thư rồi cũng vào sọt rác.

Thế nhưng chỉ sau đó ít lâu, tháng 2.1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã quyết định xóa bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. Tôi vui vì điều này, một kỷ niệm đẹp của tôi với đất nước Việt Nam, với vợ chồng GS Vân.

Tuyệt đối tin vào lớp trẻ

Tròn 20 năm gắn bó với các sự kiện Gặp gỡ Việt Nam, ông thấy sự thay đổi của đất nước này?

- Tôi bất ngờ vì Việt Nam đã có những đổi thay kỳ diệu, trên khắp các đường phố, làng quê đều nhộn nhịp, vui tươi. Cảnh quan ở đây thật tuyệt vời, nhưng các bạn hãy khéo léo giữ gìn môi trường sinh thái. Con người Việt Nam thật giàu sức sống, lòng hiếu khách và niềm tin yêu vào sự tiến bộ của thế giới. Thế nhưng tôi thấy các bạn vẫn chưa thay đổi gì nhiều trong việc đầu tư cho môi trường phát triển nghiên cứu khoa học…

Giáo sư Jack Steinberger là người Mỹ gốc Do Thái, sinh năm 1921 tại Bad Kissingen (Franconia, Đức). Ông cùng các đồng nghiệp Leon M. Lederman và Melvin Schwartz giành giải Nobel Vật lý năm 1988 cho công trình “Phương pháp chùm neutrino và chứng minh về cấu trúc bộ đôi (doublet) của các lepton thông qua phát minh neutrino muon” tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN). Tại Quy Nhơn 2013, ông ấn tượng mọi người với dáng vẻ trí tuệ phong trần, nụ cười hồn nhiên dễ gần,…

Hoàn cảnh Việt Nam vẫn còn quá nhiều khó khăn để phát triển khoa học công nghệ, thưa ông...

- Qua thời gian tiếp xúc, tìm hiểu, tôi biết nhiều người Việt Nam có tố chất nhanh nhạy, thông minh, rất phù hợp với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Đất nước nào cũng có khó khăn riêng của mình. Thế nên tôi không thể nói có công thức nào cụ thể cho khoa học Việt Nam.

Quan điểm của tôi là các bạn phải tập trung phát triển đại học một cách minh bạch, khỏe khoắn. Phải có một nền giáo dục mang tính cạnh tranh thực thụ thì khoa học công nghệ mới có cơ sở phát triển được.

Ông nghĩ gì về sự ra đời và hoạt động của Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, tại Quy Nhơn?

- Tôi vui mừng với thành quả của sự phấn đấu không mệt mỏi của vợ chồng GS Trần Thanh Vân. Ai đến đây cũng đều thấy địa thế cảnh quan thật hữu tình và sự đầu tư tâm huyết của gia đình GS Vân, cũng như chính quyền sở tại.

Theo tôi biết, đây sẽ là địa điểm nghỉ ngơi, làm việc lý tưởng dành cho các nhà khoa học khắp thế giới. Mỗi năm sẽ có một số cuộc hội thảo, tập huấn khoa học, công nghệ và giáo dục quan trọng. GS Vân và cộng sự đã có những trù liệu để phát huy tốt nhất điều kiện cơ ngơi nơi này. Với ý tưởng hội tụ, hy vọng nơi đây sẽ là một điểm hẹn tuyệt vời của giới khoa học quốc tế, góp phần thúc đẩy khoa học Việt Nam, lan tỏa ra một số quốc gia lân cận.

Điều quan trọng là Việt Nam phải tập trung gây dựng một môi trường toàn diện để những người trẻ tuổi tin tưởng vào tương lai phát triển và ứng dụng to lớn của khoa học, công nghệ. Tôi tuyệt đối kỳ vọng vào năng lực tiếp nối của những nhà khoa học trẻ.

Đào Đức Tuấn (thực hiện) (Đào Đức Tuấn (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem