Vietravel Airlines khi nào được cấp phép cất cánh?
Vietravel Airlines khi nào được cấp phép cất cánh?
Minh Hiếu
Thứ hai, ngày 25/05/2020 13:52 PM (GMT+7)
Dự án thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines có vốn điều lệ 700 tỷ đồng của Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam, do ông Nguyễn Quốc Kỳ là người đại diện, sẽ do Bộ GTVT ra quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị tạm thời không cấp phép thành lập hãng bay mới, khiến cho kế hoạch "cất cánh" trên bầu trời của 3 hãng hàng không đang xếp "lốt" chờ giấy phép đứng trước tương lai bất định. Trong đó, có 1 trong 3 hãng bay này đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cụ thể, 3 hãng hàng không đang chờ được cấp phép gồm: Dự án đầu tư hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh, được thực hiện tại Cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) với tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng và Công ty hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines). Hiện, dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, mặc dù, Bộ GTVT đề nghị tạm dừng cấp phép bay, nhưng Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam vẫn đang tiếp tục gửi hồ sơ tới Cục Hàng không để xin cấp phép bay cho Vietravel Airlines.
Để hiện thực hoá "giấc mơ bay" Vietravel Airlines chọn đặt trụ sở chính tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế) với mục tiêu cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mục tiêu ban đầu, Vietravel Airlines sẽ khai thác với 3 máy bay, tăng dần theo yêu cầu của thị trường và trong quy mô cho phép của nhà chức trách với chủng loại máy bay Airbus, Boeing hoặc tương đương.
Trong tương lai tới, Vietravel Airlines sẽ là hãng vận chuyển hành khách, hàng hoá và bưu kiện phục vụ, phát triển ngành du lịch và các nhu cầu đi lại khác của cộng đồng. Dự kiến khi đi vào hoạt động, Vietravel Airlines đặt mục tiêu phục vụ 1 triệu lượt trong năm đầu tiên, qua đó tạo việc làm cho gần 600 lao động, đóng góp nguồn thu vào ngân sách.
Đứng trước nguy cơ không được cấp phép bay, ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines vẫn khẳng định, đơn vị sẽ tập trung nguồn lực hoàn thiện Giấy phép vận chuyển hàng không và Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) để đủ điều kiện có thể cất cánh vào nửa đầu năm 2021.
Liên quan tới vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết, Cục đã nhận được hồ sơ xin cấp phép bay của Vietravel Airlines và sẽ tiếp tục báo cáo Bộ GTVT xin chỉ đạo về đề xuất này của Vietravel Airlines. Nếu được chấp thuận, cơ quan này sẽ tiến hành thẩm định, hồ sơ. Bộ GTVT sẽ là cơ quan ra quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam do Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) làm chủ đầu tư.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định hồ sơ dự án tại văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bảo đảm Vietravel Airlines có đủ điều kiện thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Vietravel Airlines trong giai đoạn thực hiện đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan. Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án của Vietravel Airlines theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bao gồm: kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của Vietravel Airlines theo tiến độ thực hiện Dự án.
Bộ GTVT chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển đội tàu bay phải phù hợp với quy hoạch, năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, năng lực phục vụ cơ sở hạ tầng hàng không, việc bố trí các nguồn lực của nhà đầu tư phát huy năng lực khai thác, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.