Viettel Gia Lai - Những nghĩa tình người lính

Thứ sáu, ngày 09/08/2013 10:59 AM (GMT+7)
Bước chân vào thị trường viễn thông Gia Lai năm 2002, chỉ với chặng đường hơn 10 năm, Viettel Gia Lai bằng phẩm chất kiên cường của người lính đã nỗ lực vượt lên khó khăn để trở thành doanh nghiệp hàng đầu trên lĩnh vực viễn thông.
Bình luận 0
Không chỉ thành công trên lĩnh vực kinh doanh, Viettel Gia Lai còn ghi dấu những việc làm tình nghĩa với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”…

Bắt đầu từ số “không”

Có lẽ chỉ nhìn lại quãng thời gian hơn 10 năm trước, ở Gia Lai này chỉ riêng chiếc điện thoại di động cũng đủ là một kho giai thoại bi hài: Có những chiếc điện thoại chẳng rõ là của hãng nào to cỡ bắp tay, để lệch cả túi. Sóng chỉ với tới trung tâm một vài huyện và cứ mỗi cuộc gọi là lại… kiểm tra tài khoản bởi giá cước đắt như cứa cổ. Thế nhưng ai sắm được cũng đã thấy vô cùng hãnh diện! Chuyện Internet còn lắm khôi hài. Giới làm báo lúc ấy muốn chuyển bài, ảnh thời sự ra tòa soạn chỉ có cách tới bưu điện tỉnh nhờ làm dịch vụ. Mười lần gửi thì bảy, tám lần rớt mạng. Tiền điện thoại liên lạc còn nhiều hơn cả tiền thuê làm dịch vụ kia…
Các đối tượng chính sách khám bệnh tại Viện Quân y 211 bằng nguồn kinh phí do Viettel Gia Lai đài thọ.
Các đối tượng chính sách khám bệnh tại Viện Quân y 211 bằng nguồn kinh phí do Viettel Gia Lai đài thọ.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội – Chi nhánh viễn thông Gia Lai (Viettel Gia Lai) gia nhập thị trường viễn thông Gia Lai trong bối cảnh ấy. Ước tính số thuê bao trên địa bàn tỉnh bấy giờ chỉ mới chiếm khoảng 5 - 6 % dân số. Với tỷ lệ nhỏ nhoi này, không chỉ người dân vùng sâu, vùng xa mà ngay cả các doanh nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp nhiều huyện cũng chưa có phương tiện liên lạc. Bước chân vào thị trường viễn thông, Viettel Gia Lai ngoài những mắc míu về hạ tầng kỹ thuật, khó khăn lớn phải đối diện là địa bàn tỉnh rộng tới hơn 15.500km2, địa hình phức tạp; dân số gần một nửa là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế…

Tuy nhiên bằng sự nhạy bén, Viettel Gia Lai xác định đấy cũng là một thị trường khách hàng đầy tiềm năng cho ai làm chủ được “cuộc chơi” về giá cả và chăm sóc dịch vụ. Mặt khác, phát triển mạng lưới viễn thông đến vùng sâu, vùng xa còn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; là nhiệm vụ góp phần bảo vệ an ninh, củng cố quốc phòng… Bằng phẩm chất kiên cường của người lính, chỉ với một khoảng thời gian không dài, 5.000km cáp quang đã được tỏa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó là sự ra đời của 19 trung tâm hòa mạng, đấu nối và dịch vụ chăm sóc khách hàng với hơn 500 nhân viên. Với việc hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ chăm sóc khách hàng ưu việt, Viettel Gia Lai đã thực sự làm chủ “cuộc chơi” về thị trường và giá cả… Sau hơn 10 năm đứng chân trên địa bàn, đến nay Viettel Gia Lai đã phủ sóng 100% diện tích, dẫn đầu số lượng khách hàng với 800.000 thuê bao. Những xã heo hút tột cùng như Kroong hay Dăk Kơninh Kong Chro đều đã phủ sóng di động và dịch vụ Internet…

Những công nhân dân tộc thiểu số gọi nhau đi làm hay nhận lệnh sản xuất bằng điện thoại di động; những ngôi trường vùng sâu học sinh cũng ngồi lướt net đã trở thành hình ảnh rất đỗi bình thường của cuộc sống hiện tại… Chuyển tải đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đưa thông tin đến vùng sâu, vùng xa; góp phần củng cố an ninh, quốc phòng – có thể nói Viettel Gia Lai đã góp phần đắc lực trong việc thay đổi diện mạo xã hội – đặc biệt là diện mạo cuộc sống nông thôn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc… Và không chỉ trên bình diện xã hội, với doanh thu đạt gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2013 Viettel Gia Lai sẽ nộp ngân sách hơn 80 tỷ đồng. Trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, Viettel Gia Lai đã nổi lên là đơn vị đóng góp ngân sách hàng đầu cho tỉnh Gia Lai, được UBND tỉnh này đánh giá là một trong những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất… Từ những thành tích đạt được, Viettel Gia Lai càng lĩnh hội sâu sắc hơn vai trò và trách nhiệm của người lính trước niềm tin của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Dự kiến đầu năm 2014 dịch vụ truyền hình cáp sẽ được Viettel Gia Lai triển khai đến địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa. Sẽ thêm một việc làm ý nghĩa trong việc góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc…

Sống là chia sẻ

Tháng 7 bầu trời Pleiku sũng nước bởi những cơn mưa tưởng như bất tận. Thế nhưng tại Bệnh viện Quân y 211 vẫn là một không khí đầm ấm và xúc động khác thường… Những cụ ông, cụ bà hầu hết vào tuổi thất thập, bát thập từ các huyện Chư Pah, Ia Grai đã vượt quãng đường hàng chục cây số về đây. Có cụ yếu phải nhờ người đỡ hoặc ngồi xe lăn nhưng gương mặt ai cũng đầy phấn khởi. Thượng tá Đoàn Văn Việt – Giám đốc chi nhánh Viettel Gia Lai đến bắt tay, ân cần thăm hỏi từng cụ. Những lời xưng “bố”, “mẹ” cất lên đầy xúc động ngỡ một đại gia đình xa cách lâu ngày gặp lại… Buổi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí nhân ngày 27.7 năm nay do Viettel Gia Lai phối hợp với Viện Quân y 211 tổ chức đã tạo một ấn tượng đẹp trong lòng các đối tượng và thân nhân gia đình chính sách. Một cụ bộc bạch: “Mặc dù đã có chính sách và chế độ của Nhà nước đảm bảo, thế nhưng khi có lời mời của Viettel Gia Lai, chúng tôi vẫn không quản tuổi cao sức yếu để có mặt tại đây. Chúng tôi đến là để cảm nhận tấm lòng, sự sẻ chia của những đồng đội hôm nay…”.

Đây chỉ là một trong nhiều hoạt động xã hội của Viettel Gia Lai trong thời gian gần đây. Thượng tá Đoàn Văn Việt tâm sự: Là một doanh nghiệp quân đội đứng chân trên địa bàn, từ những ngày đầu khó khăn, chi nhánh đã được chính quyền và đồng bào các dân tộc tin tưởng, ủng hộ. Gia Lai là một tỉnh còn nghèo; đời sống vật chất, tinh thần – đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách còn nhiều khó khăn, bởi vậy Viettel Gia Lai luôn thấy trách nhiệm phải chia sẻ… Không riêng tâm niệm của cán bộ, nhân viên chi nhánh, Giám đốc Đoàn Văn Việt còn hơn ai hết cảm nhận trách nhiệm của người lính đối với miền đất từng cưu mang, đùm bọc bao thế hệ đồng đội bởi anh vốn là một sĩ quan thông tin của Quân đoàn III. Các tỉnh Bình Phước, Đăk Lăk, Kon Tum và bây giờ là Gia Lai, Đoàn Văn Việt đã từng in dấu cuộc đời quân ngũ…

Bởi thế có thể nói lĩnh vực xã hội nào cần sự chia sẻ cũng có Viettel Gia Lai: Trại trẻ mồ côi phường Yên Thế, Hội Người mù Gia Lai, Hội Khuyến học thành phố Pleiku; các chiến dịch thanh niên tình nguyện mùa hè xanh đến các xã nghèo như Ia Kor… hàng chục triệu đồng cùng nhiều hiện vật quần áo, máy vi tính đã được cán bộ công nhân viên chi nhánh gom góp gửi tặng… Có thể so với một số doanh nghiệp lớn, có mặt lâu năm trên địa bàn, giá trị vật chất của những món quà Viettel Gia Lai chưa lớn, song đấy là sự sẻ chia đầy chân tình của cái tâm người lính… Và trong tương lai, sự sẻ chia này chắc rằng không chỉ dừng lại những giới hạn này với chiều hướng kinh doanh ngày mỗi khả quan của Viettel Gia Lai…
Sau hơn 10 năm đứng chân trên địa bàn, đến nay Viettel Gia Lai đã phủ sóng 100% diện tích, dẫn đầu số lượng khách hàng
với 800.000
thuê bao.

Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng là miền đất vốn mang nặng nghĩa tình trong tâm thức người lính. Trong những chiến công thầm lặng của người lính thời bình, Viettel Gia Lai đã có thể tự hào về những góp phần của mình. Niềm tin “Bộ đội Cụ Hồ” đang là nguồn lực để cán bộ, công nhân viên chi nhánh vượt lên. Hơn ai hết họ hiểu rằng đưa thông tin vào cuộc sống là một trong những điều kiện tiên quyết để thay đổi nhận thức; là chìa khóa để mở những hướng đi cho cuộc sống mới đang phải vượt qua nhiều trở lực...
Ngọc Tấn ( Ngọc Tấn )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem