Vinamilk sẽ tiêu thụ 90% lượng sữa bò tươi ở Lâm Đồng

Quốc Hải Thứ hai, ngày 15/06/2015 09:00 AM (GMT+7)
Không chỉ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chăn nuôi - thú y đối với bò sữa cho các hộ nông dân tại tỉnh Lâm Đồng, Vinamilk còn cung cấp các loại thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp, nguồn tinh bò giống sữa chất lượng cao...Đặc biệt, công ty sẽ đảm bảo thu mua tối thiểu 90% lượng sữa tươi nguyên liệu do người nông dân Lâm Đồng sản xuất.
Bình luận 0

Đó là những nội dung chính của thỏa thuận Hợp tác chiến lược Phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015-2020 giữa Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) và tỉnh Lâm Đồng vừa được ký kết ngày 13.6.

Để nông dân không phải đổ sữa ra đường

Theo ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng: Từ năm 2008 đến 2014, sản lượng thu mua sữa tươi nguyên liệu của Vinamilk tại Lâm Đồng tăng gấp gần 6 lần, từ 3.000 tấn lên tới hơn 16.000 tấn. Đây cũng là đơn vị thu mua nhiều nhất (70%) trong số 3 đơn vị (gồm Vinamilk, Đà Lạt milk và Công ty FrieslandCampina Việt Nam) đang có hoạt động “bao tiêu” nguồn nguyên liệu sữa tươi cho nông dân Lâm Đồng.

img
Ký kết hợp tác Phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015-2020 giữa Vinamilk và tỉnh Lâm Đồng. Ảnh:  P.V
“Đây cũng là nỗ lực của Vinamilk nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm cho bà con nông dân, đồng thời cũng đưa bò sữa trở thành vật nuôi chủ lực trong ngành nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi và góp phần giúp kinh tế Lâm Đồng bền vững và ổn định, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương”-ông Minh đánh giá.

 

Cũng theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng: Trong 2 năm qua, tổng đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng tăng gấp đôi, từ 7.000 con (2013) đến nay đã tăng lên tới 15.410 con (tháng 6.2015), cung cấp lượng sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày lên tới 120 tấn. Đây cũng là tiền đề để phát triển ngành chăn nuôi bò sữa trở thành chủ lực trong cơ cấu ngành chăn nuôi tỉnh Lâm Đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức ký kết hợp tác Phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015-2020 với Công ty Vinamilk.

Theo đó, nhiều ràng buộc giữa hai bên được ký kết sẽ mang lại lợi ích lớn cho người nông dân tỉnh Lâm Đồng như: UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tạo điều kiện cho Vinamilk xây dựng 2-3 trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung với quy mô khoảng 10.000 con; trang trại này sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, thú y, nguồn tinh bò… cho các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho công ty xây dựng các trung tâm thu mua, trung chuyển sữa tươi nguyên liệu...

Đồng thời, Vinamilk cam kết sẽ thu mua tối thiểu 90% sản lượng sữa tươi nguyên liệu do nông dân Lâm Đồng sản xuất. Đặc biệt, khi sản lượng sữa tươi của Lâm Đồng đạt trên 200 tấn/ngày thì Vinamilk sẽ xem xét đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến sữa trên địa bàn tỉnh với công suất tương đương. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tạo điều kiện cho người nông dân Lâm Đồng yên tâm sản xuất, nhất là hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người nông dân phải nuôi bò phải đổ sữa”- ông Trịnh Quốc Dũng- Giám đốc điều hành Công ty Vinamilk khẳng định.

Biến Lâm Đồng thành vùng nguyên liệu sữa lớn

Ngoài những cam kết về đầu tư xây dựng trạm thu mua, nhà máy chế biến, thu mua sữa bò nguyên liệu…; tại buổi làm việc, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất nhiều giải pháp với Vinamilk để từng bước biến Lâm Đồng thành vùng nguyên liệu sữa lớn của cả nước. Ông Nguyễn Văn Yên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, bộc bạch: Theo tính toán của tỉnh, hiện nay 1 hộ dân nuôi 5 con bò sữa thì hoàn toàn có thể đảm bảo cuộc sống sung túc, có dư để nuôi 2 con học ĐH. Thực tế việc nuôi bò sữa hiện nay góp phần ổn định cuộc sống cho hơn 1.500 hộ dân trong tỉnh. Tuy nhiên hiện tại mô hình liên kết chỉ là giữa doanh nghiệp và hộ nông dân nên thường dẫn đến rủi ro về hợp đồng, tỉnh đề nghị Vinamilk xem xét mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã (khoảng 100 hộ/HTX) và nông dân. Đây là mô hình không chỉ giúp cho doanh nghiệp dễ quản lý hợp đồng mà về phía quản lý nhà nước của tỉnh cũng dễ dàng hơn.

Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Vinamilk tổ chức liên kết nguồn nguyên liệu cỏ tươi với nông dân vì theo tính toán, trồng cỏ tươi ở đây tốt hơn trồng lúa nhiều, vừa đảm bảo thu nhập cho nông dân, vừa đảm bảo nguồn cỏ cho trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung của Vinamilk trong thời gian tới. “Nếu trồng lúa, 1ha cho khoảng 7 tấn x 5.000 đồng/ký thì chỉ cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng. Còn nếu trồng cỏ thì 1ha cho khoảng 200 tấn cỏ x 700 đồng/kg thì có thu nhập tới gần 140 triệu”- ông Yên tính toán.

Trước những đề nghị của tỉnh Lâm Đồng, ông Trịnh Quốc Dũng- Giám đốc điều hành Công ty Vinamilk, cho biết: Chúng tôi sẽ xem xét và sẽ có chiến lược đầu tư hợp lý. Tuy nhiên trước mắt thì người nông dân Lâm Đồng cũng phải thay đổi tư duy, tuân thủ quy định về VSATTP, tuân thủ hợp đồng đã ký kết… Có như vậy mới tạo được sự tin tưởng và yên tâm của nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh cũng nên đặt mục tiêu phát triển ngành bò sữa dài hạn hơn. Tôi ví dụ ở TP.HCM quỹ đất không có nhiều nhưng lại phát triển đàn bò sữa tới hơn 100.000 con thì tại sao Lâm Đồng không làm được?

“Tôi tin tưởng bò sữa sẽ thành công tại Lâm Đồng”

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định như vậy sau buổi lễ ký kết hợp tác Phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015-2020.

Hiện quy mô tăng đàn bò ở Lâm Đồng rất nhanh, sản lượng sữa bò nguyên liệu cũng đạt trên 120 tấn/ngày. “Chúng tôi tin tưởng chỉ một thời gian ngắn quy mô sản lượng sẽ đạt yêu cầu để xây dựng nhà máy chế biến”- ông Yên nói.

Ngoài ra, dự kiến đến 2020 đàn bò sữa của Lâm Đồng sẽ đạt đến 40.000-50.000 con, sản lượng sữa đạt khoảng 180.000 tấn - 200.000 tấn/năm.

Thưa ông, dựa vào đâu mà ông tin ngành bò sữa sẽ thành công tại Lâm Đồng?

- Thực ra, Lâm Đồng là “thủ phủ” chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam. Trước năm 1954, tại Lâm Đồng đã có một số trang trại của người Pháp. Sau năm 1975, Lâm Đồng thành lập Nông trường bò sữa Phi Vàng. Ngày 22.6.1978 đã bắt đầu nhập 254 con bò sữa từ Cuba về nuôi và từ đó đến nay đã có phong trào nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại thì toàn tỉnh có khoảng 15.410 con, cho sản lượng khoảng 120 tấn/ngày. Nói như vậy để thấy rằng Lâm Đồng đã có “tiền vốn” từ rất lâu để phát triển ngành bò sữa. Ngoài ra, như thống kê của Thái Lan, sản lượng trung bình vắt được 19 lít sữa/ngày/con, được xem là nhiều nhất thế giới nhưng tại Đà Lạt thì con số này đã đạt tới 24-25 lít/con/ngày. Chất lượng sữa sau khi kiểm nghiệm được đánh giá rất tốt. Từ “thiên thời, địa lợi”, chúng tôi tin tưởng chăn nuôi bò sữa sẽ thành công tại Lâm Đồng.

Tại sao tỉnh lại chọn Vinamilk mà không phải là đối tác khác?

- Chúng tôi chọn Vinamilk vì đây là đơn vị tiên phong bao tiêu sữa tươi và phát triển bò sữa tại Lâm Đồng từ khi tỉnh thành lập Nông trường bò sữa Phi Vàng. Từ năm 2008, Vinamilk đã thiết lập các trạm trung chuyển sữa và ký hợp đồng trực tiếp với nông dân. Hiện tại, công ty đã và đang đầu tư xây dựng các trạm, trung tâm thu mua sữa hiện đại, chẳng hạn, trạm Bảo Lộc đang tiếp nhận sữa từ 170 hộ chăn nuôi với sản lượng 9,1 tấn/ngày…

Ngoài ra, chúng tôi đánh giá cao đơn vị này ở chỗ, trong quá trình phát triển bò sữa tại Lâm Đồng, công ty đã triển khai một lộ trình phát triển khoa học, theo quy hoạch nhất quán và quy trình chăn nuôi tiên tiến. Cụ thể, công ty đã thành lập dự án “Phát triển nguồn nguyên liệu sữa Lâm Đồng”; thành lập trung tâm huấn luyện chăn nuôi bò sữa; xây dựng trang trại bò sữa kiểu mẫu để nông dân học tập; thiết lập hệ thống trung chuyển hiện đại; hỗ trợ các nông trại vệ tinh gồm 30 hộ chăn nuôi với kinh phí gần 160 nghìn EUR…

Đặc biệt, đơn vị này hiện đang bao tiêu hơn 70% sản lượng sữa nguyên liệu của toàn tỉnh Lâm Đồng và được người nông dân đánh giá là nghiêm túc, đảm bảo thu mua đúng hợp đồng với người nông dân và thanh toán đúng kỳ hạn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem