VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng "cứu" ngành công nghiệp phụ trợ

Huyền Anh (tổng hợp) Thứ tư, ngày 03/10/2018 06:00 AM (GMT+7)
Tầm quan trọng của công nghiệp phụ trợ đã được nhìn nhận từ cả thập kỷ qua thế nhưng phải chờ đến sự xuất hiện của VinFast, ngành công nghiệp này mới được kỳ vọng “cất cánh”
Bình luận 0

Truyền thông Việt luôn nhắc đi nhắc lại câu chuyện Việt Nam không thể tự sản xuất được những sản phẩm đơn giản nhất như cái kim, cái đinh ốc,.. Đó là do công nghiệp phụ trợ của chúng ta quá lạc hậu, yếu kém. Tuy nhiên, khi VinFast xuất hiện, nhu cầu về phụ tùng, vật liệu cho ngành sản xuất ô tô được đánh giá là sẽ nâng tầm công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

“Bất lực” cả thập kỷ

Từ đầu những năm 2000, công nghiệp phụ trợ đã là đề tài “nóng” trong nhiều hội thảo, hội nghị do nhiều Bộ, ban, ngành tổ chức. Ông Phan Đăng Tuất, khi đó vẫn là một chuyên gia kinh tế và chưa nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco là một trong những cá nhân nhiệt tình phổ biến tầm quan trọng của công nghiệp phụ trợ.

Ông Phan Đăng Tuất nhiều lần khẳng định tính “sống còn” của công nghiệp phụ trợ. Theo ông Tuất, cần phải đẩy nhanh và mạnh ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, dù tầm quan trọng đã được nhận ra từ lâu nhưng cho đến nay công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn manh mún và chưa đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Và điều này ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế.

img 

Ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn "yếu"

Sau cả thập kỷ khởi động, tính đến đầu năm 2016, Việt Nam mới chỉ có 1.383 doanh nghiệp làm công nghiệp phụ trợ trên 3 nhóm ngành: Cơ khí, điện tử, nhựa cao su. Số doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ chỉ chiếm 0,3% trong tổng số 500.000 doanh nghiệp.

“Một con số đáng xấu hổ với ngành công nghiệp hỗ trợ, không thể có công nghiệp bền vững dựa trên con số này”, ông Tuất nhấn mạnh.

Cho tới nay, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn chưa có nhiều khởi sắc bất chấp việc ngành này luôn nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chức năng và chuyên gia kinh tế.

Thậm chí, vào ngày 18.3.2017, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tổ chức đại hội thành lập. Sự ra đời của Hiệp hội là bước tiến mới, kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, thay đổi diện mạo các ngành công nghiệp hỗ trợ và góp phần phát triển bền vững các ngành công nghiệp Việt Nam.

VinFast sẽ “giải cứu”?

Hơn 1 năm trôi qua, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chưa có điểm sáng đáng kể nào cho đến khi VinFast xuất hiện. Thương hiệu ô tô đích thực đầu tiên của Việt Nam do Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup đầu tư và phát triển. Với việc xây dựng “siêu nhà máy” nhanh siêu tốc ở Hải Phòng, Vingroup hy vọng ô tô VinFast sẽ trở thành hãng ôtô hàng đầu Đông Nam Á với khối lượng sản xuất 500.000 xe mỗi năm trước năm 2025.

Với con số 500.000 xe mỗi năm, chắc chắn VinFast sẽ “ngốn” khối lượng khổng lồ phụ tùng, nguyên vật liệu. Các sản phẩm trong nước hiện nay không đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Và VinFast lại không muốn nhập khẩu. Điều đó được thể hiện rõ qua kế hoạch nội địa hóa 60% sản phẩm. Vì vậy, thương hiệu ô tô Việt đã tính đến phương án nâng tầm ngành công nghiệp phụ trợ Việt.

img 

 VinFast đạt mục tiêu sản xuất 500.000 xe mỗi năm trước năm 2025

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách Dự án VinFast cho biết VinFast đang muốn hợp tác với các doanh nghiệp phụ trợ trong và ngoài nước, doanh nghiệp đã và sẽ hoạt động ở Việt Nam.

Ông Huệ khẳng định VinFast cam kết dành 30% diện tích của Tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast cho các nhà cung cấp (supplier park – khu công nghiệp của các nhà cung cấp). Đây là ưu đãi rất lớn với các doanh nghiệp.

Ông Lê Dương Quang, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hi vọng VinFast sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam trong tương lai.

“Chúng tôi rất trân trọng việc VinFast quan tâm và ủng hộ công nghiệp hỗ trợ. Chúng tôi rất mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ giữa VinFast và Hiệp hội chúng tôi.

Tôi rất mừng khi được biết tầm nhìn của VinFast là đi đầu Đông Nam Á, tiệm cận với trình độ thế giới và rất mong VinFast thể hiện tính dẫn dắt của mình đối với các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam để cùng nhau phát triển”, ông Quang nói.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định: “Vingroup đang góp phần quan trọng tạo dựng nên một ngành công nghiệp, qua đó đẩy nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác cùng đi lên. Anh đi đầu, anh tạo ra môi trường tốt cho tất cả cùng phát triển”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem