Hậu ra mắt VinFast, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng vượt xa Chủ tịch Huyndai

Hoàng Nhật Thứ sáu, ngày 05/10/2018 06:54 AM (GMT+7)
3 ngày sau khi VinFast ra mắt 2 mẫu xe ôtô tại Paris Motor Show, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng thêm 300 triệu USD, từ 6,4 tỷ USD lên 6,7 tỷ USD, xếp thứ 236 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. Còn tài sản của ông Chung Mong-Koo – Chủ tịch Hyundai là 4,4 tỷ USD, xếp thứ 404.
Bình luận 0

Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng vượt xa Chủ tịch Huyndai

VinFast - công ty con của Tập đoàn Vingroup, của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức ra mắt 2 mẫu xe hơi tại triển lãm Paris Motor Show  2018 và trở thành hãng xe hơi Việt Nam đầu tiên tham gia sự kiện tầm cỡ này.

Hai mẫu xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 đã chính thức xuất hiện trước truyền thông thế giới sau hơn một năm tính từ thời điểm Vingroup công bố dự án sản xuất xe hơi của mình vào đầu tháng 9.2017.

img

Mẫu SUV mang thương hiệu VinFast có thiết kế mang phong cách khỏe khoắn, với viền màu đen nhám quanh cụm đèn pha, đèn sương mù và các hốc gió.

Trước đó, thông tin liên quan đến 2 mẫu xe này đã xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Lux A2.0 và Lux SA2.0 sẽ sử dụng động cơ BMW N20, loại tăng áp 4 xy-lanh, dung tích 2.0L, sẽ cho 2 mức công suất 174 và 228 mã lực, còn mô-men xoắn tương ứng là 300 Nm và 350 Nm.

Hiện tại, giá bán của những chiếc xe mang thương hiệu VinFast vẫn là điều bí ẩn. Song một số chuyên gia cho rằng nếu thực hiện theo đúng bản thiết kế đã công bố, xe của VinFast sẽ có ngôn ngữ thiết kế hiện đại, phù hợp xu hướng của thế giới và đạt mức giá từ 1 - 2 tỷ đồng/chiếc.

Và cũng chỉ 2 ngày sau khi VinFast ra mắt 2 mẫu xe ôtô tại Paris Motor Show, tính tới cuối ngày 4.10, tài sản của ông Vượng theo thống kê Forbes đã đạt mức 6,7 tỷ USD, tăng thêm 300 triệu USD USD so với thời điểm trước khi 2 mẫu xe của VinFast được giới thiệu trước công chúng.

img

Ông Chung Mong-Koo, Chủ tịch tập đoàn Huyndai (Ảnh: Forbes)

Tuy nhiên, nếu so với thời kỳ đỉnh cao, khi tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đạt 7,3 tỷ USD thì con số hiện nay lại giảm triệu USD và thứ hạng của ông Vượng đã giảm 9 bậc.

Hiện tại, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã vượt xa khối tài sản mà ông Chung Mong-Koo, Chủ tịch tập đoàn Huyndai – hãng xe lớn nhất Hàn Quốc, đang sở hữu. Ông Chung Mong-Koo hiện đang sở hữu 4,3 tỷ USD, xếp thứ 404 thế giới và là người giàu thứ 6 tại Hàn Quốc.

Tầm ảnh hưởng của bộ ba “cổ phiếu họ Vin”

Cùng với vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, tỷ Phạm Nhật Vượng đang trực tiếp sở hữu 723,96 triệu cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup, tương đương 27,45% số lượng cổ phần tại Tập đoàn, với tổng giá trị lên tới 72.831,29 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Phạm Nhật Vượng còn gián tiếp sở hữu 817,5 triệu cổ phiếu VIC thông qua Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Tại đây, ông Phạm Nhật Vượng hiện đang sở hữu tới 92,88% vốn điều lệ. Như vậy, tổng khối lượng cổ phiếu VIC mà ông Vượng đang sở hữu chiếm hơn 60% số lượng cổ phần của Tập đoàn Vingroup.

Còn tại Công ty CP Vinhomes - một doanh nghiệp phát triển bất động sản cao cấpthuộc Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vương - Chủ tịch HĐQT Vingroup kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinhomes đang đại diện cho Vingroup nắm giữ hơn 933,26 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 37,83% số cổ phần.

img

Ở thời điểm cuối năm 2017, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng chiếm tới 1/3 tổng tài sản của 100 người giàu nhất TTCK Việt Nam (Ảnh minh họa)

Còn nhớ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2017 đã tác động đáng kể đến tài sản của những người giàu nhất Việt Nam.

Nhờ sự gia tăng quy mô tài sản do giá cổ phiếu tăng lên, mua thêm cổ phiếu cũng như có thêm nhiều doanh nhân mới đưa doanh nghiệp lên sàn, tổng tài sản 100 người giàu nhất TTCK Việt Nam tính tới cuối năm 2017 đã lên đến 390.000 tỷ đồng, tương đương 17,2 tỷ USD, tăng 150% so với mức 155.000 tỷ đồng của năm 2016.

Khối tài sản này tập trung chủ yếu vào những người đứng đầu trong danh sách. Trong đó, nhóm 20 người giàu nhất TTCK Việt Nam nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá 300.000 tỷ đồng. Người dẫn đầu là chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng sở hữu gần 120.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1/3 tổng tài sản của 100 người giàu nhất TTCK Việt Nam.

img

Vốn hóa của ba "cổ phiếu họ Vin" là VIC, VHM và VRE ở thời điểm cổ phiếu VHM mới lên sàn đạt đến 719.486 tỷ đồng, chiếm 23% tổng vốn hóa sàn HOSE (Ảnh: I.T)

Trước khi Vinhomes niêm yết trên HOSE, Tập đoàn VinGroup – Công ty CP (VIC), Công ty CP Vincom Retail (VRE) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI) đã niêm yết trên sàn chứng khoán với số vốn hóa khổng lồ.

Từng có thời điểm, vốn hóa của ba mã chứng khoán nêu trên lên tới hơn 450.000 tỷ đồng, tương đương 13% tổng vốn hóa trên 3 sàn HOSE, HNX và UpCom.

Với việc cổ phiếu VHM của Công ty CP Vinhomes lên sàn chứng khoán vào ngày 17.5.2018 đã tạo ra bộ ba “cổ phiếu họ Vin” gồm VIC, VHM và VRE. Ba cổ phiếu này chiếm tới 23% vốn hóa sàn HOSE.

Và điều này thực tế đã tạo tác động lớn đến chỉ số VnIndex. Không ít phiên giao dịch, “cổ phiếu họ Vin” đã đóng vai trò giải cứu thị trường.

Điển hình là phiên giao dịch ngày 23.8, khi VnIndex đang giằng co tại mốc 990 điểm. Thậm chí, có thời điểm hụt hơi và suýt chạm mức 982 điểm với 133 mã tăng giá và 122 mã giảm trên sàn HOSE thì sắc xanh của bộ ba “cổ phiếu họ Vin” là VIC, VHM, VRE đóng góp cho thị trường tới 3,22 điểm.Trong đó, VIC đóng góp cho chỉ số tới 1,39 điểm, VHM đóng góp 1,33 điểm và VRE đóng góp 0,5 điểm.

Vào tháng 5.2018, sau khi Bloomberg đưa ra thông tin, việc MSCI không nâng hạng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là hợp lý vì thị trường đang bị chi phối bởi một số ít mã bluechips. Riêng 5 mã vốn hoá lớn nhất đã chiếm tới hơn 40% tỷ trọng VnIndex.

Ông Lê Hải Trà – lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) đã có một số giải thích trên trang cá nhân. Theo đó, VnIndex là chỉ số đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam, được tính theo giá trị vốn hóa (marketcap) của tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX. Đây là một trong những phương pháp tính chỉ số phổ nhất trên thế giới.

Nhược điểm của cách tính này là VnIndex sẽ chịu ảnh hưởng nhất định từ các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Mã nào vốn hoá càng lớn thì càng tác động nhiều lên chỉ số.

Chẳng hạn, ba cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup, VRE của CTCP Vincom Retail và VHM của CTCP Vinhomes đang chiếm 23% tổng vốn hóa sàn HSX (khoảng 3,18 triệu tỷ đồng). Do đó, bộ ba mã cổ phiếu này sẽ có ảnh hưởng lớn với VN-Index.

Mặc dù có điểm yếu như vậy song cách tính của VnIndex vẫn không thể thay đổi vì VnIndex là một loại chỉ số có giá trị lịch sử và giá trị nghiên cứu học thuật trên thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem