Vingroup "mở rộng" mảng bán lẻ, ông Nguyễn Đức Tài tăng vốn để so găng

Huyền Anh Thứ tư, ngày 07/11/2018 16:12 PM (GMT+7)
Với việc Viễn Thông A về tay tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12 nghìn tỷ đồng nhằm thực hiện tham vọng trở thành ngôi vị số 1 trong cuộc chiến thị phần bán lẻ với đại gia Nguyễn Kim và Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Bình luận 0

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố kế hoạch phát hành gần 108 triệu cổ phiếu phổ thông nhằm chi trả cổ tức. Tỷ lệ là 3:1, tức mỗi cổ đông nắm giữ 3 cổ phiếu tại thời điểm chốt danh sách phát hành sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu phát hành mới.

Tài chính đi xuống, phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức

Tổng cổ phiếu phát hành mới có giá trị tính theo mệnh giá đạt gần 1.076 tỷ đồng, còn tính theo thị giá thì số tiền lên tới gần 12 nghìn tỷ đồng.Thời gian chốt danh sách cổ đông dự kiến ngày 20/11/2018.

Đây là một trong các bước đi của ông Nguyễn Đức Tài nhằm mở rộng quy mô doanh nghiệp, tăng vốn điều lệ với nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC đã kiểm toán năm 2017.

Trước đó, MWG cũng đã thông qua phương án mua lại gần 33 nghìn cổ phiếu quỹ, mục đích thu hồi cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) của những nhân viên đã nghỉ việc. Giao dịch sẽ được chuyển quyền thông qua VSD, thời gian thực hiện dự kiến tháng 11.2018.

Được biết, tình hình tài chính của Thế giới di động có chiều hướng đi xuống trong 3 quý gần đây.

img

Theo đó, Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài đã trải qua 2 quý liên tiếp sụt giảm mạnh về cả doanh thu cũng như lợi nhuận sau khi lập đỉnh vào quý I.2018.

Quý I.2018 thực sự là thời kỳ bùng nổ của Thế Giới Di Động khi doanh thu tăng vọt lên 22.800 tỷ đồng từ mức 17.700 tỷ của quý 4/2017. Hai quý tiếp theo, doanh thu mỗi quý lại giảm đi 1.000 tỷ đồng.

Cùng với sự đi xuống của doanh thu, lợi nhuận của Thế Giới Di Động cũng giảm đáng kể, từ mức 808 tỷ của quý đầu năm xuống 732 tỷ trong quý II và xuống 647 tỷ trong quý III, giảm khoảng 10% qua mỗi quý.

Trước đây, lợi nhuận MWG của ông Nguyễn Đức Tài cũng giảm liên tục cả 4 quý năm 2016 do mở rộng đầu tư trước khi bật lên mức cao mới kể từ quý 1.2017. Nhưng khi đó, doanh thu vẫn liên tục tăng trưởng mạnh.

Mặc dù vẫn giữ được mặt bằng doanh thu, lợi nhuận cao hơn hẳn năm 2017 nhưng những tín hiệu sụt giảm này cho thấy bài toán tăng trưởng của Thế Giới Di Động trong thời gian tới không hề dễ dàng. 

Cuộc đua dành ngôi “vương”

Động thái tăng thêm 12 nghìn tỷ cho vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu không chỉ giúp Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài tăng vốn mà đây còn là bước tiến song hành với hoạt động liên tục mở chuỗi các cửa hàng, từ điện thoại di động, cho tới Điện máy xanh, Bách hóa xanh và có thể bao gồm cả chuỗi cửa hàng dược phẩm như đã được lãnh đạo doanh nghiệp bật mí tại đại hội cổ đông 2018.

Cuộc đua mở rộng quy mô doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài nằm trong bối cảnh sự cạnh tranh trong lĩnh vực này đang vào thời điểm khốc liệt nhất, có tính chất quyết định tới xác lập vị thế của những người đứng đầu và kiểm soát thị trường.

img

Hiện tại, Điện Máy Xanh chiếm tới 30% thị phần, trong khi cả Nguyễn Kim và các chuỗi khác cũng chiếm 30%. Nguyễn Kim đến nay mới vận hành khoảng 55 trung tâm trên cả nước, trong khi con số của Điện máy Chợ Lớn là 60 cửa hàng còn Điện Máy Xanh đang vận hành và quản lý tới 695 trung tâm điện máy cả nước.

Và "anh cả" điện máy Nguyễn Kim đã bán 49% vốn cho Power Buy (thuộc Central Group của Thái Lan), doanh nghiệp được sáng lập và điều hành bởi gia tộc tỷ phú Thái Lan Chirathivat vào đầu năm 2015. Thêm tiền và nhân lực từ Thái Lan nhưng chuỗi điện máy này lại chưa tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Giai đoạn 2014-2016, doanh thu của Nguyễn Kim quanh ngưỡng 9.000 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài tăng từ 15.800 tỷ đồng năm 2014 lên 45.600 tỷ đồng vào năm 2016, và năm 2017 đạt con số 67.700 tỷ đồng.

Những con số này cho thấy Nguyễn Kim không còn là đối thủ quá nặng ký của Thế giới di động, nhưng thay vào đó là sự xuất hiện của 1 đối thủ lớn và có nhiều tầm ảnh hưởng khác đó là Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

img 

Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng

Trong vài năm trở lại đây, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng liên tục mở rộng quy mô mạng lưới bán lẻ. Thương vụ đầu tiên tham gia bán lẻ là mua lại chuỗi siêu thị cean Mart của cựu chủ tịch Ocean Group Hà Văn Thắm. Gần đây, Vingroup cũng đã thâu tóm Fivimart và xóa sổ cái tên này thị trường bán lẻ, đổi tên thành Vinmart.  Hiện các điểm siêu thị Fivmart đã được thay bằng tên Vinmart.

Mới đây nhất là thương vụ thâu tóm chuỗi cửa hàng điện thoại lâu đời bậc nhất Việt Nam là Viễn Thông A cho thấy tham vọng của vị tỷ phú USD vào lĩnh vực này cũng không hề nhỏ.

Với tiềm lực tài chính mạnh cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, rõ ràng Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã và đang trở thành đối thủ đáng gờm của ông Nguyễn Đức Tài. Vấn đề còn lại là Thế giới di động cần phải giải được bài toán động lực tăng trưởng trong thời gian tới, nếu không, dù có tăng thêm 12 nghìn tỷ vốn điều lệ cũng không phải là cách để trở thành vị trí số 1 trong thị trường bán lẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem