Vĩnh biệt Người thầy thuốc của nông dân!

Mai Nhung - Nguyên Tổng Biên tập Báo NTNN Thứ tư, ngày 17/11/2021 19:28 PM (GMT+7)
Tin bác sĩ Lương Lễ Hoàng đột ngột qua đời tại TP.HCM vì Covid-19 khiến nhiều người đau xót, bàng hoàng. Nhiều báo đăng bài viết về một bác sĩ tài năng và thiện lành, rất gần gũi với bệnh nhân và bạn đọc cả nước.
Bình luận 0

Với chúng tôi, và với tờ báo Nông Thôn Ngày Nay, anh Lương Lễ Hoàng không chỉ có thế. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm và cùng gặp nhau ở nỗi niềm đau đáu về những nhọc nhằn khốn khó của người nông dân, về sự thấp cổ bé họng của họ trong đời sống hàng ngày cũng như khi phải đối mặt với tật bệnh.

Là người thầy thuốc, anh Lương Lễ Hoàng rất trăn trở khi thấy những người nông dân từ vùng sâu vùng xa lặn lội lên tận thành phố khám bệnh, chỉ với chút tiền còm cõi trong ví. Nhớ lần trò chuyện cùng anh, nhân lúc anh nhắc về người chú họ - Giáo sư Lương Định Của, một nhà nông học thành danh ở Nhật Bản đã về nước phục vụ trong ngành nông nghiệp, tôi rụt rè mời anh cộng tác với mục Sức khoẻ nhà nông của tờ Nông Thôn Ngày Nay.

Nói rụt rè vì tôi nghĩ, một người bận rộn như anh, thường xuyên đi đi về về giữa Việt Nam là quê hương, và CHLB Đức là nơi anh sống, với dày đặc các cuộc hội thảo, các buổi lên giảng đường, tư vấn cho hàng chục hãng dược và cộng tác với rất nhiều tờ báo có tiếng trong nước, không biết tình thân của chúng tôi đủ để anh dành thời gian cho tờ báo còn ít thấy trên các sạp báo hay không. Nhưng thật bất ngờ, anh đã hào hứng nhận lời, không một chút đắn đo.

Vĩnh biệt Người thầy thuốc của nông dân! - Ảnh 1.

Vĩnh biệt Người thầy thuốc của nông dân - bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

Từ đó, trong suốt nhiều năm, dù ở Đức hay ở Sài Gòn, cứ đều đặn hàng tuần, anh luôn có bài gửi về toà soạn. Số lượng bạn đọc báo Nông Thôn Ngày Nay tăng dần, có phần không nhỏ nhờ những bài viết của anh. Với văn phong giản dị, mộc mạc, đôi khi hài hước dí dỏm nhưng những bài viết ấy hàm chứa những kiến thức y khoa uyên bác có thể áp dụng ngay vào cuộc sống của người dân.

Nhiều thư phản hồi của bà con kể rằng, trong cuộc sống hàng ngày, ai cũng luôn quan tâm đến sức khỏe của bản thân chứ không đợi đến lúc bị bệnh phải tìm đến bác sĩ. Khi ăn uống, nhiều người tự hỏi loại thức ăn hay cách ăn uống thế này có tốt cho sức khỏe hay không? 

Trong lao động, họ muốn biết công việc hay cường độ làm việc thế này có phù hợp với sức khỏe? Khi bỗng nhiên bị sốt, nhiều người băn khoăn không biết mình chỉ bị cảm mạo thông thường hay là bị bệnh gì? Có thể tự chữa ở nhà hay phải đi bệnh viện? Có thể dùng cây lá gì ngay trong vườn nhà để chữa trị hay phải dùng đến mấy viên thuốc Tây? Mỗi khi chân lỡ giẫm phải miếng mảnh chai hay mảnh thép gây chảy máu, nhiều người không biết xử trí sao cho đúng cách, nhất là làm sao để không bị nhiễm trùng…

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng đã giải đáp tận tình cho họ. Đó là niềm vui và động lực lớn không chỉ riêng với anh Hoàng mà còn với tờ báo của chúng tôi nữa.

Ngoài tình cảm sâu nặng mà anh Hoàng dành cho nông dân theo nguyện ước và lời dặn của người cha thân yêu, việc anh có bài viết hàng tuần trên Nông Thôn Ngày Nay còn góp phần lấp dần lỗ hổng lớn ở phần đáy của ngọn tháp hệ thống y tế hiện nay…

Rõ ràng là, nếu chỉ cung cấp những thông tin về dự phòng và chữa trị các bệnh lý chuyên khoa bằng những bài viết với thuật ngữ, con số và các biểu đồ khô cứng không giúp nhiều cho hàng triệu nông dân chưa biết cả cách phòng bệnh. 

Và, một thầy thuốc dù có giỏi đến đâu, không thể hữu ích cho cộng đồng xã hội nếu so với hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người lành nhưng có chút kiến thức để chủ động phòng bệnh. 

Anh Hoàng rất thông cảm và tỏ ý chia xẻ với những cán bộ y tế ở địa phương vùng xa các trung tâm như Sài Gòn hay Hà Nội khi họ bày tỏ nỗi khổ tâm vì không biết làm sao để người dân ở nơi hẻo lánh có được kiến thức bạn đầu về bệnh tật, mà đó lại là yếu tố quyết định để biết cách phòng bệnh. Anh nói, điều đó làm anh suy nghĩ rất nhiều.

Vĩnh biệt Người thầy thuốc của nông dân! - Ảnh 3.

BS Lương Lễ Hoàng trong một lần tư vấn sức khỏe cho người dân. (Ảnh: NLĐ)

Anh ví von một điều rất thật, rằng Kim Tự Tháp trên sa mạc đã đứng vững sau bao ngàn năm không chỉ nhờ chất lượng kiên cố của vật liệu, mà là vì đáy tháp đủ rộng hợp lý để đảm bảo tính cân đôi của nó. Đáy tháp càng hẹp thì đỉnh tháp không thể vươn cao và vững chãi. Tệ hơn nữa, nếu phần đáy nhỏ hẹp, lại phải gồng gánh sức nặng quá lớn ở đỉnh thì nghịch lý đó chỉ là bóng dáng của một ngôi tháp ảo. 

Với cách nhìn ấy, có lẽ ngoài tình cảm sâu nặng mà anh Hoàng dành cho nông dân theo nguyện ước và lời dặn của người cha thân yêu, việc anh có bài viết hàng tuần trên Nông Thôn Ngày Nay còn góp phần lấp dần lỗ hổng lớn ở phần đáy của ngọn tháp hệ thống y tế hiện nay…

Nhưng anh bỗng đột ngột ra đi, để lại sự hụt hẫng và khoảng trống không nhỏ trong lòng bạn đọc. Người dân vùng sâu vùng xa từ nay không còn nghe giọng nói chân tình, mộc mạc nhưng truyền cảm của anh qua đài phát thanh, qua các kênh truyền hình hay các báo nữa.

Anh mang theo cả lời hứa với bạn đọc báo Nông Thôn Ngày Nay, mà anh cho là vinh dự lớn nhất trong đời làm thầy thuốc của mình: “Nếu như tôi ngày nào sức cùng lực kiệt chỉ còn viết nổi một cột báo nhỏ, xin cho tôi một phần tư thế kỷ trước mặt được tiếp tục đóng góp kiến thức thô thiển cho nhà nông nước mình, cho những con người tuyệt vời đã giúp tôi tìm lại nghị lực mỗi lần cầm bút vì chân thiện mỹ…”.

Yên nghỉ nhé bác sĩ Lương Lễ Hoàng - Người bạn tuyệt vời của chúng tôi và “Người thầy thuốc của nông dân”!

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng tốt nghiệp Y khoa tại Sài Gòn, đã định cư tại CHLB Đức từ năm 1981. Vốn xuất thân từ Đại học Y khoa Minh Đức, trường Y đầu tiên ở miền Nam với tôn chỉ kết hợp Đông Tây Y trong tinh thần xây dựng một nền Y học dân tộc, đại chúng và nhân bản, bác sĩ Hoàng đã tiếp tục theo đuổi hoài bão phát huy giá trị của nền y học cổ truyền Phương Đông ngay trên xứ người.

Bên cạnh một số phát biểu đã được đăng ký bản quyền phát minh tại CHLB Đức, bác sĩ Hoàng còn là tác giả của nhiều tiểu luận chú trọng vào mục tiêu cổ động cho biện pháp chữa bệnh trên cơ sở sinh học. Nhờ số kinh nghiệm thu thập trong lĩnh vực điều trị phục hồi, bác sĩ Hoàng hiện làm việc theo kiểu con thoi trên trục Việt- Đức để tư vấn cho một số công ty Dược và Trung tâm điều trị ở quê nhà.

Từ năm 2000, bác sĩ Hoàng không còn xa lạ với độc giả trong nước qua gần 30 đầu sách có giá trị về dinh dưỡng và phòng bệnh. Bác sĩ Lương Lễ Hoàng trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Thủ Đức ngày 16/11/2021, thọ 70 tuổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem