Vĩnh Phúc: Hết cảnh còng lưng cấy lúa, thu lãi cao nhờ ứng dụng mạ khay cấy máy
Vĩnh Phúc: Hết cảnh còng lưng cấy lúa, thu lãi cao nhờ ứng dụng mạ khay cấy máy
Thu Hà
Thứ hai, ngày 25/05/2020 13:34 PM (GMT+7)
Vụ xuân 2020, Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện mô hình trồng lúa ứng dụng cơ giới hoá với tổng diện tích 146,5ha. Qua sơ bộ hạch toán, hiệu quả kinh tế đem lại là gần 20 triệu đồng/ha - con số được đánh giá khá ấn tượng.
Ngày 22/5, tại huyện Bình Xuyên, Sở NNPTNT Vĩnh Phúc phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức hội nghị tham quan và tổng kết mô hình sản xuất lúa ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong vụ xuân 2020.
Chi phí đầu tư giảm, năng suất cao
Đứng trước các thửa ruộng thôn Lý Nhân, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, ai cũng hào hứng khi cầm những bông lúa dài, nặng trĩu, hạt tròn mẩy.
Bà Nguyễn Thị Phan (62 tuổi, ở thôn Lý Nhân) có 7 sào ruộng tham gia mô hình này, cho biết: "Đây là vụ lúa thứ 2 gia đình tôi áp dụng cơ giới hoá khâu gieo cấy trong trồng lúa. Nếu như làm mạ kiểu truyền thống rồi cấy tay, mỗi sào chi phí 350.000 đồng, thì ứng dụng mạ khay cấy máy chỉ mất 250.000 đồng. Không chỉ vậy, làm mạ khay cấy máy còn tiết kiệm được công sức lao động, chúng tôi đỡ đau bị lưng khi cúi xuống cấy. Áp dụng mô hình này, năng suất trung bình mỗi sào lúa của tôi đạt 2,2 tạ/sào, cao hơn 20-30kg/sào so với cách làm gieo mạ, cấy tay truyền thống".
Vụ xuân 2020, Vĩnh Phúc gieo cấy khoảng 29.000ha lúa. Năng suất lúa toàn tỉnh ước đạt 63 tạ/ha, sản lượng đạt gần 188.000 tấn, tăng gần 100 tấn so với vụ xuân 2019.
Cũng theo bà Phan, vụ lúa xuân năm 2020 gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường. Giai đoạn mạ, thời tiết thuận lợi nhưng giai đoạn sau cấy gặp nhiệt độ nhiều ngày xuống thấp, trời âm u, mưa nhiều, sâu bệnh phát sinh gây hại.
Giai đoạn lúa làm đòng - trỗ lại gặp đợt không khí lạnh, mưa lớn, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Tuy nhiên, nhờ được hỗ trợ triển khai đồng bộ cơ giới hóa, đến nay bà Phan đã thu được kết quả hơn cả mong đợi.
Tại xã Phú Xuân, vụ xuân năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện mô hình trồng lúa ứng dụng cơ giới hoá với diện tích là 10ha. Bà Lê Thị Hương - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, cho biết: Từ năm 2016 HTX Nhân Lý đã tiếp nhận mạ khay và đưa máy cấy vào hoạt động. Vụ xuân năm 2020, tham gia mô hình sản xuất lúa ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, HTX được hỗ trợ các chi phí như làm đất, gieo mạ, cấy máy và được tập huấn KHKT.
Qua thực tế triển khai, mỗi sào ruộng áp dụng cơ giới hoá đồng bộ từ khâu làm ruộng, gieo cấy, đến gặt hái, thu hoạch, nông dân giảm chi phí từ 100.000 - 150.000 đồng. Cấy máy bằng mạ khay giúp cây lúa khỏe, cứng, ít bị đổ, ít sâu bệnh, năng suất lúa tăng từ 12 - 15% so với cấy truyền thống. Hiện toàn xã Phú Xuân có 7 máy cày bừa lớn, 6 máy cấy động cơ, 1 máy gieo mạ khay, 1 máy sấy thóc.
Đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất lúa
Ông Trần Văn Thơ - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Vụ xuân năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện mô hình trồng lúa ứng dụng cơ giới hoá với tổng diện tích là 146,5ha. Địa bàn thực hiện trải rộng trên nhiều huyện là Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường.
Việc cơ giới hóa được áp dụng trong nhiều khâu như làm mạ khay, cấy và gieo hạt hoàn toàn bằng máy. Trong đó, mạ khay được sản xuất trong khay nhựa có kích thước cố định 30 x 60cm. Đơn vị này đánh giá, sản xuất mạ khay có nhiều ưu điểm như đỡ tốn nhân công, kiểm soát được sâu bệnh, giảm 30% lượng lúa giống.
Đặc biệt là khắc phục được việc làm mạ ngoài trời phụ thuộc vào điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại hoặc nóng đột ngột ở vụ xuân gây chết mạ, hoặc mạ bị táp lá dẫn tới thiếu mạ cấy.
Cũng theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, vụ xuân 2020, thời tiết bất thường khiến việc sản xuất chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy, nhờ áp dụng cơ giới hóa, diện tích lúa trong mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt. Tỷ lệ thành bông của lúa cấy máy đạt 85,5%, cao hơn phương pháp truyền thống khoảng 28,5%.
Năng suất dự kiến đạt 64,5 tạ/ha, năng suất lúa cấy máy cao hơn so với cấy tay 13,8% (lúa cấy tay đối chứng đạt 56,7 tạ/ha). Qua hạch toán kinh tế sơ bộ, hiệu quả kinh tế đem lại là 19,870 triệu đồng/ha cao hơn các phương pháp đối chứng.
Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, việc cơ giới hóa trong sản xuất tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề lớn nhất, một số nơi chưa thực hiện xong dồn điền đổi thửa nên ruộng lớn, nhỏ không đồng đều ảnh hưởng tới hiệu suất của máy móc. Thứ hai, chi phí đầu tư cho làm mạ khay còn lớn, các hộ dân khó tự áp dụng để mở rộng sản xuất.
TS Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Trong sản xuất lúa, khâu gieo cấy - một trong những khâu tốn nhiều công lao động và nặng nhọc nhất, là khâu quan trọng quyết định đến sự phát triển, năng suất của cây lúa. Tại Vĩnh Phúc, tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo - cấy đạt 25%. Thực tế sản xuất cho thấy ứng dụng cơ giới hoá trong gieo cấy, cây lúa phát triển tối ưu, giảm sâu bệnh, quan trọng nhất là chất lượng hạt gạo được nâng lên và giá bán tốt hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.