Mô hình “tan” theo dự án
Chỉ riêng năm 2013 và đầu năm 2014, Vĩnh Phúc đã triển khai gần 70 mô hình trình diễn thí điểm về trồng trọt, chăn nuôi… với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng.
Sau khi tổng kết, nhiều mô hình được đánh giá rất hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao như mô hình nuôi cá nheo thương phẩm trong ao đất, trồng bí đỏ, dưa hấu, nuôi gà đẻ trứng VietGAP...
Dù mang lại hiệu quả, nhưng thực tế cho thấy các mô hình trên vẫn khó nhân rộng, khi dự án kết thúc hỗ trợ thì mô hình giậm chân tại chỗ, hoặc “chết” theo.
Đơn cử như mô hình nuôi cá nheo thương phẩm trong ao đất, được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KNKN) Vĩnh Phúc triển khai thực hiện từ năm 2013 cho 4 hộ tại xã Tam Hợp, Thiện Kế (Bình Xuyên) và Ngũ Kiên (Vĩnh Tường), trong đó hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống và kỹ thuật.
Ông Nguyễn Công Lệnh, xã Thiện Kế - 1 trong 4 hộ tham gia mô hình cho biết: “Được Trung tâm KNKN hỗ trợ giống và kỹ thuật, gia đình tôi thả gần 2.000 cá nheo giống, sau 8 tháng trọng lượng cá đạt 2 – 2,4kg/con, tỷ lệ sống khoảng 80%, trừ chi phí lãi hơn 60 triệu đồng.
Mặc dù nuôi cá nheo lãi cao hơn các loại cá truyền thống khác, nhưng khi không còn hỗ trợ từ dự án, tôi và các hộ khác không dám nhân rộng, chỉ nuôi cầm chừng vì giá giống cao quá. Hơn nữa, cá nheo thương phẩm chưa có thị trường ổn định nên ai cũng sợ rủi ro”.
Trước đó, năm 2012, Trung tâm KNKN Vĩnh Phúc triển khai thí điểm mô hình trồng sắn dây, khoai tây ở các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Dương với diện tích khoảng 10ha, người dân tham gia được hỗ trợ cây giống.
Dự kiến sau khi kết thúc dự án, các mô hình sẽ nhân rộng ra khoảng 20 - 30ha. Tuy nhiên, do đầu ra của sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh, nhất là sau khi mô hình kết thúc, người dân không được hỗ trợ nữa nên các hộ cũng “tạm biệt” luôn cây sắn dây, khoai tây. Kế hoạch nhân rộng mô hình không thành và hiện chỉ còn vài hộ ở Bình Xuyên trồng sắn dây với diện tích nhỏ lẻ vài sào/hộ.
Kinh phí như muối bỏ bể
Theo tìm hiểu, đa số các mô hình khó nhân rộng, hoặc thất bại là do triển khai dàn trải, manh mún, thiếu định hướng về thị trường nên không thể phát triển lên quy mô hàng hóa. Trong đó, điểm yếu nhất của các mô hình là không đảm bảo được đầu ra, khiến nông sản của bà con rơi vào cảnh “nằm chờ” người mua, dẫn đến không ít trường hợp bị thua lỗ trong đầu tư.
Ông Vũ Khắc Minh – Giám đốc Trung tâm KNKN Vĩnh Phúc thừa nhận, mặc dù nhiều mô hình trình diễn rất tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng việc nhân rộng không đơn giản.
“Trung tâm KNKN có vai trò là “cầu nối” để chuyển giao KHKT, giới thiệu cây con, giống mới cho bà con. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất trăn trở khi giới thiệu rồi mà không nhân rộng được. Nguyên nhân của tình trạng này, cũng là do kinh phí cấp cho các mô hình khuyến nông còn nhỏ giọt, chưa đủ sức tạo đột phá. Từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm Vĩnh Phúc được Nhà nước cấp 1,1 tỷ đồng cho công tác chuyển giao tiến bộ KHKT. Năm 2014 tăng lên 2,8 tỷ đồng, song tính ra mỗi hộ cũng chỉ được hỗ trợ 12.500 đồng/năm, như muối bỏ bể mà thôi” – ông Minh cho biết.
Cũng theo ông Minh, một cái khó nữa là tại Nghị định 02 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông và Thông tư hướng dẫn 183 của Bộ Tài chính có quy định: Chỉ hỗ trợ 100% giống và vật tư cho các địa bàn khó khăn, huyện nghèo; hỗ trợ 100% giống và 50% vật tư cho vùng trung du, miền núi; hỗ trợ 100% giống và 30% vật tư cho vùng đồng bằng.
Cụ thể, sản xuất 1ha khoai tây theo mô hình trình diễn sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng. Trong khi năm 2013, Vĩnh Phúc triển khai tới 38 mô hình, năm 2014 là 30 mô hình, tiền hỗ trợ thì ít mà mô hình thì nhiều, lại dàn trải nên khó nhân rộng là điều dễ hiểu.
Ông Lê Thanh Hảo – Phó Giám đốc Trung tâm KNKN Vĩnh Phúc cho rằng, điểm yếu chung của hoạt động khuyến nông hiện nay là mới dừng lại ở “trình diễn”, tạo ra sản phẩm mà chưa giải quyết được đầu ra - khâu quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của mô hình.
“Đây cũng là tình trạng chung của các mô hình khuyến nông trên cả nước, chứ không riêng Vĩnh Phúc. Phải có đầu ra ổn định thì người dân mới nhiệt tình tham gia mô hình. Kể cả không cần tuyên truyền họ cũng làm, chứ không phải “mời” họ như hiện nay” – ông Hảo nói.
Những năm qua, hệ thống khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện trên 2.400 mô hình trình diễn, thu hút khoảng 200.250 hộ nông dân tham gia. Tuy nhiên, các mô hình mới chủ yếu thực hiện theo 3 hướng: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới; nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế các loại cây trồng, vật nuôi; sản xuất sản phẩm an toàn gắn với bảo vệ môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.